Hàng không oằn mình vượt cơn bĩ cực

30/07/2021 - 06:53

PNO - Kịch bản xấu tháng 4/2020 tiếp tục lặp lại trong năm nay, khi thị trường hàng không gần như “đóng băng”, chỉ duy trì một vài đường bay tối thiểu. Song sau hơn một năm ngấm đòn, sức chịu đựng của các hãng hàng không nội địa đã suy giảm rất nhiều, gần như kiệt quệ.

 

“Ngấm đòn” khủng hoảng

Sau TPHCM, đến lượt Hà Nội gần như ngừng toàn bộ các đường bay vào ngày 22/7, chỉ duy trì hai đường bay trục tối thiểu mỗi ngày đi TPHCM. Đêm 26/7, chuyến bay VN219 từ Hà Nội đáp xuống TPHCM lúc hơn 21 giờ, những hành khách ít ỏi trên chuyến bay đành phải ngủ lại ở sân bay, bởi TPHCM cấm đi lại từ 18 giờ trước đó. Ngày 27/7, từ đầu Hà Nội chỉ có duy nhất một chuyến bay đi TPHCM với 37 hành khách. Có lẽ chưa bao giờ ngành hàng không trải qua nhiều “thời khắc lịch sử” khó khăn đến như vậy. 

Chia sẻ tại đại hội cổ đông tổ chức hồi giữa tháng Bảy, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines (VNA) đã phải ngậm ngùi thốt lên: “Năm 2020 khi báo cáo với Chính phủ, các bộ ngành, hàng không đã đưa ra dự báo xấu, nhưng không ngờ tới năm 2021 còn xấu hơn những gì chúng ta tưởng tượng”.

Lý do theo ông Đặng Ngọc Hòa, tết Nguyên đán và hè là hai cao điểm thị trường để “gồng gánh” doanh thu cho cả năm, nhưng ngành hàng không đã hứng chịu hai đợt dịch thứ ba và thứ tư liên tiếp. Chỉ riêng VNA đã có tới 9.700 cán bộ, công nhân viên không có việc làm, do giờ bay rất thấp. Các hãng khác dù không công bố con số chính thức, song với đa số tổ bay, nhân viên đều đang làm luân phiên hoặc nghỉ tạm thời đợi hết dịch.

Thị trường hàng không đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất từ trước đến nay - ảnh: Ngọc Thắng
Thị trường hàng không đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất từ trước đến nay - ảnh: Đông Quân

Theo thống kê, năm 2020, các hãng VNA, VietJet, Bamboo Airways lỗ khoảng 16.000 tỷ đồng. Tới nay, nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của ba hãng đã lên tới 36.000 tỷ đồng (riêng VNA 20.000 tỷ đồng).

Cứu doanh thu bằng vận tải hàng hóa 

Trước đây, mỗi ngày VNA bay bình quân 500 - 550 chuyến, nhưng tính đến giữa tháng Bảy chỉ còn duy trì 40 chuyến/ngày, chủ yếu là chở hàng hóa phục vụ các tỉnh đang cách ly, số lượng hành khách rất ít. Hiện tại, số chuyến bay chở hàng còn nhiều gấp đôi số chuyến chở khách, như ngày 27/7, VNA chỉ có 12 chuyến bay trên toàn mạng bay, trong đó số chuyến chở hàng là 21 chuyến.  

Kiến nghị hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp hàng không

Trong văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, VABA đã kiến nghị Chính phủ mở rộng và thực hiện chương trình hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp hàng không.

Theo đó, VABA đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế tái cấp vốn từ 5.000 - 6.000 tỷ đồng tương tự như VNA, thời hạn tái cấp vốn là 12 tháng và được gia hạn tự động hai lần cho các hãng hàng không khác, căn cứ vào quy mô, thị phần, vai trò, đóng góp cụ thể của từng hãng để hỗ trợ hãng thanh khoản.

Ngoài ra, VABA cũng đề nghị dành cho các hãng hàng không vay gói tín dụng khoảng 25.000 tỷ đồng ưu đãi giảm lãi suất 4%, thời hạn từ 3 - 5 năm để các hãng duy trì nguồn lực, có nguồn vốn phục hồi, phát triển. Giảm thêm thuế bảo vệ môi trường, cơ cấu lại các khoản nợ phát sinh trong thời gian dịch bệnh…

Từ những chuyến bay chở hàng cứu trợ, vật tư y tế tiếp viện cho các địa phương vùng dịch, cả VNA, VietJet Air, Bamboo Airways đều đã nhìn thấy cơ hội từ vận chuyển hàng hóa trong mùa dịch khi hành khách suy giảm. Theo ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc VNA, hãng đã tiến hành hoán cải nhiều máy bay Airbus A350, A321 để chở hàng trên khoang hành khách, tăng năng lực chuyên chở hàng hóa trên mỗi loại máy bay lên gấp 1,8 - 2 lần so với chở hàng tại khoang bụng như trước kia. 

VNA cũng đã xây dựng lịch bay thường lệ chở hàng quốc tế tới 30 đường bay và tổ chức hơn 3.500 chuyến bay chở hàng. Nỗ lực này đã giúp doanh thu vận tải hàng hóa tăng nhanh, trở thành cứu cánh cho VNA, chiếm gần 30% tổng doanh thu của hãng (trước dịch COVID-19, doanh thu hàng hóa chỉ chiếm 9%).

Sự chuyển hướng sang vận tải hàng hóa cũng giúp VietJet đạt doanh thu khá cao năm 2020. Hãng đã vận chuyển hơn 60.000 tấn hàng hóa quốc tế, doanh thu vận tải hàng hóa tăng 75% so với năm 2019, hàng hóa cũng được vận chuyển tới châu Mỹ, châu Âu. 

Theo thống kê của Cục Hàng không, sau khi dịch COVID-19 bùng phát, tỷ trọng doanh thu vận tải hàng hóa của các hãng hàng không trong nước đã tăng gấp ba lần so với trước dịch. Trong đó, VNA có tỷ trọng doanh thu từ vận tải hàng hóa trên tổng doanh thu tăng từ 11,1% lên 31,4%. Tương tự VietJet cũng có tăng trưởng từ 3% lên 10%; Bamboo Airways cũng tăng từ 2,7% lên 8,2%. Tính đến cuối tháng Sáu, các hãng hàng không đã hoán đổi 9 máy bay, tháo ghế hành khách để chở hàng, VNA hoán đổi 5 máy bay A350 và A321, VietJet hoán đổi 4 máy bay A321. 

Đặc biệt, cả VNA và Bamboo Airways đều tính xa hơn khi muốn thành lập hãng hàng không vận tải hàng hóa chuyên biệt. Lãnh đạo VNA cho hay, từ cách đây bốn năm đã nghiên cứu việc khai thác vận tải hàng hóa riêng biệt. Tuy nhiên, việc tổ chức hãng hàng không hàng hóa cần đảm bảo quy mô đủ lớn gồm cả đội máy bay, mạng bay, để khai thác các nguồn hàng, chân hàng luân chuyển giữa Việt Nam và thế giới. Vì thế, sau dịch COVID-19, hãng sẽ hoàn thiện đề án để trình lên các cấp. 

“Cuộc đua” vận tải hàng không càng nóng hơn khi cách đây hai tháng, tập đoàn IPP của “vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn đã đề xuất lên Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xin thành lập hãng hàng không chuyên chở hàng hóa IPP Air Cargo với vốn đầu tư 100 triệu USD. 

Sau khá nhiều cân nhắc, Cục Hàng không đã báo cáo và được Bộ GTVT đồng ý về việc chưa xem xét thành lập hãng hàng không chở hàng hóa mới trong bối cảnh đại dịch phức tạp, mà sẽ xem xét sau năm 2022. Dù không nhận được cái gật đầu từ phía Bộ GTVT, song tập đoàn IPP vẫn nuôi quyết tâm khi tiếp tục kiến nghị mong muốn lập hãng bay hàng hóa chuyên dụng lên Thủ tướng Chính phủ.

Chờ “hộ chiếu vắc-xin”

Dù vậy, vận chuyển hàng hóa chỉ là giải pháp xoay xở mùa dịch, không thể “cứu” các hãng thoát khỏi thua lỗ hoặc sụt giảm doanh thu. Cắt giảm chi tiêu, giảm lương, làm việc luân phiên, tái cơ cấu đội bay… hàng loạt giải pháp “thắt lưng buộc bụng” đang được các hãng áp dụng để tồn tại. Riêng VNA cho biết, hãng đã lên kế hoạch tiết kiệm khoảng 6.800 tỷ đồng trong năm 2021, cũng như lên kế hoạch bán các máy bay ATR-72 cũ để có thêm dòng tiền trang trải chi phí.

Tuy nhiên, đại diện một hãng hàng không cho biết, các giải pháp tiết kiệm hay cơ cấu chỉ giúp các hãng cầm cự tạm thời, để phục hồi trở lại vẫn phải trông đợi vào triển khai “hộ chiếu vắc-xin” cũng như chiến dịch tiêm chủng cộng đồng trên diện rộng. 

Một khảo sát của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) vào tháng Ba vừa qua cho biết, 81% số người được phỏng vấn có nhu cầu đi lại sau khi tiêm vắc-xin. Tuy nhiên, 84% số người được phỏng vấn cho biết họ sẽ không đi đến các quốc gia đang áp dụng chính sách cách ly đối với người nhập cảnh.

Có khá nhiều tín hiệu tích cực cho nỗ lực đẩy nhanh “hộ chiếu vắc-xin”, khi mới đây, ngày 23/7, VNA đã chính thức triển khai thử nghiệm ứng dụng hộ chiếu sức khỏe điện tử IATA Travel Pass trên hai chuyến bay từ Tokyo (Nhật Bản) đi Đà Nẵng. Đây là hoạt động cụ thể hóa chương trình hợp tác giữa hãng này và IATA. Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đang lấy ý kiến dự thảo về việc đảo du lịch Phú Quốc (Kiên Giang) được thí điểm đón khách quốc tế có “hộ chiếu vắc-xin” từ tháng Mười tới đây. Dự thảo này đã nhận được sự đồng thuận từ phía Bộ GTVT và nhiều bộ ngành liên quan.

Dù vậy, chặng đường để mở cửa trở lại thị trường quốc tế sẽ còn rất dài. Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nửa năm qua là giai đoạn gian nan bậc nhất của nền kinh tế trong vài thập niên qua. Đặc biệt khi lĩnh vực dịch vụ gặp vô vàn khó khăn do đại dịch. Các doanh nghiệp du lịch, khách sạn, hàng không… đang chết dần chết mòn, không có khả năng vực dậy sau đại dịch nếu như không có các biện pháp hỗ trợ thiết thực, mạnh mẽ. 

“Phải áp dụng hộ chiếu vắc-xin càng sớm càng tốt, không chỉ cho khách du lịch quốc tế đến mà cho toàn dân Việt Nam, đây là động lực quan trọng nhất để nền kinh tế có thể quay lại phục hồi”, ông Vũ Tiến Lộc nói.

Ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA), cũng cho rằng để gỡ khó cho hàng không, bên cạnh giải pháp sử dụng “hộ chiếu vắc-xin” là giải pháp hỗ trợ nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi. Ông đề nghị Chính phủ chỉ đạo nới lỏng quy định về đi lại, cách ly đối với những người đã tiêm đủ liều vắc-xin. Từng bước nới lỏng các quy định nhập cảnh và cách ly đối với hành khách đã tiêm vắc-xin đầy đủ, cũng như có kế hoạch sớm khai thác trở lại các đường bay quốc tế. 

Nhật Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI