Hàng chục người dính bẫy lừa xuất khẩu lao động

18/09/2018 - 06:00

PNO - Theo nguồn tin của phóng viên, hiện đã có gần 50 nạn nhân gửi đơn tố cáo ông B. lừa đảo với tổng số tiền khoảng 10 tỷ đồng, trong đó rất nhiều người là nông dân nghèo ở các tỉnh miền Tây Nam bộ.

Lợi dụng “mác” giám đốc, ông B. hứa sẽ bảo lãnh cho nhiều người sang Nhật Bản làm việc với mức lương 30-40 triệu đồng/tháng, nhưng ông B. lại làm hợp đồng vay tiền rồi lặn không sủi tăm, bỏ mặc bao người khốn đốn. 

Hang chuc nguoi dinh bay lua xuat khau lao dong
Các nạn nhân bị ông B. lừa tiền

Xuất khẩu lao động bằng hợp đồng vay tiền

Chị N.T.X. (sinh năm 1996, quê tỉnh Hải Dương) cho biết, chị quen ông Đ.D.B. (sinh năm 1984) thông qua một người bạn. Qua trò chuyện, ông B. tự giới thiệu là giám đốc một công ty có trụ sở ở Q.Gò Vấp, TP.HCM. Những lần tiếp xúc với chị X., ông B. thường “nổ” quen biết nhiều công ty bên Nhật Bản, có khả năng xin việc cho những ai muốn lao động ở Nhật. Ông ta gợi ý, nếu chị X. muốn sang Nhật làm việc, ông sẽ hỗ trợ làm visa (thị thực nhập cảnh) và các thủ tục.

Ngày 17/5, chị X. đưa 50 triệu đồng để ông B. làm giấy tờ sang Nhật làm việc. Để tạo lòng tin, ông B. ký hợp đồng vay của chị X. số tiền 50 triệu đồng với thời hạn 4 tháng, không lãi suất. “Dù là hợp đồng vay tiền nhưng hai bên thỏa thuận, ông B. phải làm thủ tục cho chúng tôi sang Nhật Bản làm việc. Thấy cách ký hợp đồng hơi lạ, nhưng vì tin tưởng nên tôi đã đưa tổng cộng cho ông B. 70 triệu đồng. Sau đó, tôi không thể nào liên lạc được với ông B. và ông ta cũng không thực hiện lời hứa” - chị X. kể.

Hang chuc nguoi dinh bay lua xuat khau lao dong
Hợp đồng vay tiền để hợp thức hóa số tiền khách hàng đưa cho ông B. để được đi xuất khẩu lao động

Theo cam kết, ngày 27/2/2018, chị P.T.N. (sinh năm 1995, quê tỉnh Phú Yên) sẽ xuất cảnh sang Nhật Bản, nhưng đến nay, chị vẫn ở Việt Nam, còn ông B. thì mất hút sau khi đã lừa lấy của chị 2.000 USD và 60 triệu đồng. Một trường hợp khác là bốn người trong gia đình anh N.V.L. (ngụ tại TP.HCM), được ông B. hứa hẹn đưa sang Nhật làm việc vào tháng 8/2018 nhưng đến nay vẫn chưa ai nhận được visa; cả bốn người này phải khổ sở đi tìm ông B. để đòi lại gần 300 triệu đồng.

Hầu hết, các nạn nhân chấp nhận gửi tiền cho ông B. chỉ vì tin tưởng ông này. Các loại giấy vay tiền, tờ cam kết mà ông B. ký với khách hàng đều trên danh nghĩa cá nhân chứ không phải tổ chức hay doanh nghiệp. Nhiều luật sư cho rằng, thủ đoạn này sẽ gây khó cho việc điều tra hành vi phạm tội và các nạn nhân cũng khó thu hồi lại số tiền đã đóng cho ông B. 

Công an đang điều tra

Những ngày qua, có rất đông nạn nhân đến Báo Phụ Nữ TP.HCM phản ánh việc bị ông B. lừa tiền, đồng thời nộp đơn tố cáo hành vi lừa đảo của ông B. đến cơ quan công an. Theo nguồn tin của phóng viên, hiện đã có gần 50 nạn nhân gửi đơn tố cáo ông B. lừa đảo với tổng số tiền khoảng 10 tỷ đồng, trong đó rất nhiều người là nông dân nghèo ở các tỉnh miền Tây Nam bộ. Một số trường hợp còn đi vay tiền ngân hàng đóng cho ông B. với hy vọng sẽ có việc làm tại Nhật Bản để cải thiện cuộc sống, nhưng hiện đang phải lâm cảnh nợ nần. 

Hang chuc nguoi dinh bay lua xuat khau lao dong
Khách hàng đóng gần 2.000 USD và 60 triệu đồng cho ông B. để nhận cam kết lo giấy tờ sang Nhật Bản làm việc

Anh Đ.V.T.E. (quê tỉnh Long An) kể, anh làm thuê quanh năm ở quê mà không khá lên được. Nghe người quen giới thiệu ông B. chuyên đưa người đi xuất khẩu lao động nên anh liên hệ nhờ giúp đỡ. Qua trò chuyện, ông B. vẽ ra mức lương bên Nhật Bản của anh E. lên đến 40 triệu đồng/tháng nên anh tức tốc vay 100 triệu đồng để đóng đủ các loại phí cho ông B. “Người ta nói, chỉ cần làm 3 tháng ở Nhật là dư tiền trả nợ, nếu tích góp trong 3 năm làm việc ở Nhật cũng để dành được hơn 500 triệu đồng, chưa kể tiền làm thêm. Nghĩ sẽ có được một khoản kha khá giúp gia đình nên tôi nhắm mắt vay tiền, không ngờ ra cơ sự thế này” - anh E. buồn rầu.

Nghe có người hứa giúp đi xuất khẩu lao động với mức lương 30-40 triệu đồng/tháng, ông N.V.T. (47 tuổi, quê tỉnh Long An) cũng bạo gan đi vay “nóng” gần 300 triệu đồng để đóng cho hai đứa con đi. Chờ hoài không được đi, ông T. đã tố cáo hành vi lừa đảo của ông B. đến cơ quan chức năng. Hiện ông T. phải còng lưng trả lãi vay hằng tháng. Được biết, có khoảng 30 người cùng quê với ông T. đã đóng tiền cho ông B. tổng cộng hơn 6 tỷ đồng. Hầu hết họ đều là người lao động nghèo, phải cầm cố tài sản, vay ngân hàng hoặc vay “nóng” để có tiền đưa cho ông B. nhưng chờ hơn một năm, tiền vay lãi mẹ đẻ lãi con mà không ai được sang Nhật, còn “ông giám đốc” B. vẫn biệt tăm. 

Theo điều tra của chúng tôi, trước đây, ông B. có mở một công ty tại địa chỉ đăng ký thường trú (đường Phan Huy Ích, Q.Gò Vấp) nhưng do bị nhiều người tố cáo lừa đảo nên đã đóng cửa công ty và vẫn dùng “mác” giám đốc đi lừa đảo lao động nghèo khắp nơi. Thông tin với Báo Phụ Nữ TP.HCM, đại diện Công an Q.Gò Vấp cho biết, đang điều tra vụ việc này theo đơn tố cáo của các nạn nhân. 

Hoàng Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI