Hai bất cập của kỳ thi 'hai trong một'

05/07/2018 - 14:23

PNO - Điệp khúc “được mùa mất giá” rồi lại “ép giá”, khiến phụ huynh học sinh không khỏi ngán ngẩm với giáo dục nước nhà.

Tính chất và mục đích hai kỳ thi khác nhau - tốt nghiệp THPT và thi đại học - ghép vào một bài thi liệu có đạt được mục đích? Chuyển hình thức thi sang trắc nghiệm, chỉ trừ môn ngữ văn, liệu đã phù hợp khi đề thi trắc nghiệm “lộ” nhiều câu tính chất như tự luận?

Một bài thi hai mục tiêu: khiên cưỡng

Hai bat cap cua ky thi 'hai trong mot'
Học sinh TP.HCM làm bài thi tốt nghiệp THPT 2018. Ảnh: Phùng Huy

Kể từ năm 2015, Bộ GD-ĐT quyết định gộp hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học thành kỳ thi THPT quốc gia để phục vụ cho cả hai mục tiêu. Khi đó, thí sinh phải thi bốn môn tối thiểu, gồm ba môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và một môn tự chọn trong số các môn vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử và địa lý. Các môn toán, ngữ văn, lịch sử, địa lý thi tự luận; còn vật lý, hóa học, sinh học, ngoại ngữ thi trắc nghiệm.

Đến năm 2018, ngoài ba môn thi bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ, thí sinh phải chọn một trong hai bài thi tổ hợp là khoa học tự nhiên (bao gồm các môn vật lý, hóa học, sinh học) và khoa học xã hội (các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân). Đồng thời, Bộ GD-ĐT cho triển khai thi trắc nghiệm tất cả các môn, trừ ngữ văn.

Tuy nhiên, phương án tuyển sinh này đã nhanh chóng bộc lộ bất cập ngay từ năm đầu thử nghiệm. Với tỷ lệ thí sinh đạt tốt nghiệp đều trên 90% thì việc ghép hai kỳ thi vào một bài thi khiến cho dải điểm dùng để phân loại thí sinh bị nén lại, làm giảm độ tin cậy của kết quả.

Nếu với phương án tuyển sinh đại học trước đây, mỗi môn thi độc lập trong thời gian 180 phút (đối với môn tự luận) và 90 phút (đối với môn trắc nghiệm), thì hai bài tổ hợp hiện nay (mỗi bài gồm ba môn riêng biệt) được nén lại trong một buổi thi, với thời lượng thi liên tục mỗi môn 50 phút, đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng mỗi bài thi và tạo áp lực rất lớn đối với thí sinh.

Đề thi tốt nghiệp cần có độ khó ở mức trung bình, còn đề thi đại học cần phân loại học sinh và do vậy độ khó cần phải ở mức cao. Việc ghép hai kỳ thi với tính chất và mục đích khác nhau trong một bài thi là khiên cưỡng. Trên thực tế rất khó thiết kế đề thi sao cho đảm bảo cùng lúc thực hiện được mục tiêu của hai kỳ thi và kiểm soát mức độ khó của đề thi theo thiết kế này.

Hai bat cap cua ky thi 'hai trong mot'
Phụ huynh đội mưa chờ con em thi THPT

Kết quả kỳ thi quốc gia 2017 cho thấy đề thi các môn quá dễ, điểm 10 tràn lan, dẫn tới độ phân loại rất thấp, khiến việc tuyển sinh vào đại học kém hiệu quả. Năm nay, đề thi dài và khó là nhận định chung của nhiều học sinh. Nhiều thầy cô giáo và các chuyên gia cũng thừa nhận là họ không thể giải quyết hết đề thi trong thời gian quy định. Những đề thi như thế sẽ làm học sinh cảm thấy mất tự tin vì các em đã “bám” sách giáo khoa nhưng sách giáo khoa “trơn quá”.

Câu hỏi cần đặt ra ở đây là những câu hỏi cơ bản (chiếm 60%) có làm mất thời gian của thí sinh hay không? Thời gian chưa đến hai phút cho mỗi câu liệu có phù hợp? Những câu hỏi nâng cao (40%) là có sẵn trong sách giáo khoa hay cần phải luyện thi mới làm được?

Đơn cử với đề toán, mã đề 101, câu 39 có hỏi điểm M thuộc mặt phẳng nào, khi điểm M thuộc hai mặt cầu cố định. Lời giải cần vận dụng kiến thức mặt đẳng phương (tương tự với kiến thức trục đẳng phương trong hình học phẳng). Nhưng kể từ năm 2008, với bộ sách giáo khoa cải cách thì kiến thức này đã bị “khai tử”. Nếu học sinh không luyện thi ở các trung tâm thì làm sao có thể tiếp cận một kiến thức “ngoài sách giáo khoa”!

Câu hỏi trắc nghiệm chưa chuẩn

Một giáo sư ngành toán cho rằng, có những câu ông phải giải từ 10-15 phút mới chọn ra phương án đúng và chỉ giải đến câu thứ 35 là đủ để khẳng định đề thi không phù hợp với kỳ thi này, chứ chưa chạm tới phần vận dụng cao. Quả thực, số câu hỏi trong đề thi không phải là câu hỏi thi trắc nghiệm chiếm tỷ lệ quá nhiều. Những người ra đề thi đã khoác lên những bài toán tự luận cái vỏ trắc nghiệm. 

Tại sao lại có cái chuyện kỳ lạ như vậy? Chẳng lẽ trong quy trình ra đề, khi xây dựng đề xong người ta đã không tổ chức giải thực nghiệm để đo khối lượng nội dung đề ra có phù hợp với thời gian thi hay không? Hội đồng ra đề có biết ở mỗi câu, để chọn phương án đúng thí sinh sẽ phải mất bao nhiêu phút để giải, nhanh nhất hết bao nhiêu phút?

Tiến sĩ Sái Công Hồng, Phó cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD-ĐT, trong một cuộc họp báo sau kỳ thi đã nhìn nhận: “Đề thi chuẩn hóa, bản thân chúng ta còn non trẻ. Chúng tôi cố gắng tiếp tục cập nhật, tập huấn để nâng cao”.

Một chuyên gia giáo dục cho biết: “Để tăng cường phân hóa thì cần tăng độ khó. Nhưng điều ngược lại thì không đúng, bởi tăng độ khó không đúng mức cũng lại không phân hóa được. Khó mà không phân hóa là điều không nên làm”.

Chuyển từ hình thức thi tự luận sang hình thức thi trắc nghiệm, nhưng Bộ GD-ĐT chưa chuẩn bị đầy đủ ngân hàng câu hỏi đạt chuẩn, chưa tập huấn cho giáo viên, chưa thay đổi nội dung chương trình phù hợp… dẫn đến rất nhiều bất cập như hiện nay. Điệp khúc “được mùa mất giá” rồi lại “ép giá”, khiến phụ huynh học sinh không khỏi ngán ngẩm với giáo dục nước nhà.

Lâm Chính
Giáo viên toán Trường THPT Nguyễn Du, Q.10, TP.HCM
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI