Hạt mầm hy vọng

05/04/2015 - 08:15

PNO - PN - Để có một tình yêu, tôi trồng một cây xanh

edf40wrjww2tblPage:Content

Để có một cây xanh, tôi gieo vào lòng tôi một hạt mầm hy vọng

Hạt màm hy vọng

Hình ảnh tốt tươi nhất của nhiều người, có lẽ là những lúc ngay tại mảnh đất nho nhỏ trước nhà, họ gieo một hạt giống, ngày ngày tưới nước và mong ngóng, từng ngày chờ đợi hạt mầm sẽ nhú lên. Chờ đợi ấy đem lại niềm vui nho nhỏ trong sự nhẫn nại, niềm hy vọng và mở ra nhiều điều kỳ diệu của trí tưởng tượng. Rằng ngày mai, từ khoảnh sân nhà mình sẽ mọc lên một cây xanh, bóng mát rợp một khoảng trời. Chỉ nghĩ đến thế, đã thấy rạo rực một niềm vui.

Khi đến Singapore, ấn tượng ngạc nhiên nhất với nhiều người, hầu như nơi nào cũng có hoa thắm và cây xanh. Sự mềm mại, mỏng manh mà vững bền ấy khi “sóng đôi” cùng những mảng tường, cấu trúc của bê tông cốt thép đã đem lại sự nhẹ nhàng và thân thiện. Có câu chuyện của thời hoa niên, tôi vẫn còn nhớ mãi.

Thuở sinh thời, ông ngoại tôi rất thích trồng cây. Khoảng sân trước nhà, ngoài các cây ăn trái còn có mai, lan, cúc, trúc… Nhờ thế, tuổi thơ tôi là cả một vòm thiên nhiên ùa vào mắt trong mỗi ngày. Thức dậy sớm, đi học bao giờ tôi cũng nghe tiếng chim ríu ran trên vòm xanh. Từng cái cây đã trở nên thân thiện, đã là những “người bạn” trong trí nhớ. Nhớ, để mỗi chiều đi học về tưới cây, và ngắm nhìn từng búp nõn biếc xanh, từng nụ hồng khoe sắc.

Rồi một ngày kia, ông ngoại tôi mất. Biết ông yêu quý cây, lũ nhóc chúng tôi lấy vải trắng quấn quanh mỗi cây. Cây để tang cho người. Có một điều kỳ lạ, sau đó, dần dần các cây héo úa. Lá rụng dần. Hoa rũ cánh. Từ đó, tôi nghĩ vu vơ rằng, cây cối quanh ta cũng có linh hồn, có những buồn vui như con người đấy thôi. Có điều ta có đủ tinh tế để nhận ra từng “tiếng nói” xào xạc, thầm thì mỗi ngày?

Chiếc lá cuối cùng của O. Henri là một truyện ngắn có thể gợi lên nhiều suy nghĩ về lẽ sinh tồn. Cô gái ấy đớn đau, bệnh tật và tuyệt vọng, mở cửa sổ nhìn cây và nghĩ rằng, khi lá rụng hết cũng là lúc mình lìa bỏ trần gian. Biết điều này, người họa sĩ già đã âm thầm vẽ một chiếc lá trong đêm mưa bão lạnh buốt, để sáng hôm sau cô gái vẫn thấy chiếc lá cuối cùng còn trụ lại.

Đây mới là tác phẩm lớn nhất của ông, vì đã đem lại niềm vui sống cho một con người. Đành rằng, câu chuyện này còn là một ngụ ý về “phép lạ” của nghệ thuật, nhưng rõ ràng, sự khỏe khoắn của mỗi một lá cây cũng có thể đem lại cho con người hy vọng. Bởi nó mỏng manh là thế, yếu ớt là thế nhưng vẫn phấn đấu chống chọi lại mưa gió điên cuồng, còn số phận của ta thì sao? Lẽ nào buông xuôi?

Không phải ngẫu nhiên, nhiều người đồng tình rằng, khi đốn bỏ một cây xanh đang mơn mởn, dạt dào sức sống, không khác gì bức tử một con người. Đọc báo hằng ngày, ta nhói lòng khi hay tin có những cánh rừng đã bị lâm tặc tàn phá, những cây xanh trên đường phố bị đốn bỏ tàn nhẫn. Chắc chắn đi ngang qua đó, dù trưa nắng gắt nhưng ta lại thấy lạnh buốt. Tự lòng mình vọng lại nỗi niềm trống vắng, tê tái khi đã xa, đã mất một hình ảnh quen thuộc.

Tôi nghĩ, có lẽ hình phạt dành cho những ai đốn bỏ cây xanh phải là thế này: hãy giao cho họ những hạt mầm và chăm sóc cho đến bao giờ cây lại mọc xanh tươi như trước thì mãn hạn “tù”. Có như thế, họ mới tự ý thức, để có một bóng mát là khoảng thời gian không ngắn. Mà điều quan trọng, khi nuôi dưỡng một cây xanh cũng là lúc nhen trong lòng mỗi người về sự hướng thiện. Và họ nhận ra rằng, đời sống của cây cũng là sự vận động như một kiếp người.

Có lẽ câu chuyện này, nhiều người đã nghe, đã đọc ngay từ thời đi học. Tôi vẫn xin kể lại bởi tự nó đã nhắc nhở cho chúng ta nhiều điều. Rằng, ngày kia có ông cụ đã sắp về Nước Trời, thế nhưng cụ vẫn trồng một cây ăn quả. Nhiều người ngạc nhiên, hỏi: “Thưa cụ, liệu cụ có còn sống đến lúc hái quả?”. Câu trả lời thế này: “Chắc chắn là không. Nhưng trước đây, tôi đã ăn quả do người khác trồng, nay tôi trồng nhằm thể hiện lòng biết ơn”.

Thế đấy, chính sự tồn tại của cây, tự nó đã là một triết lý sống. Vì thế, ngày hôm nay, “để có một cây xanh, tôi gieo vào lòng tôi một hạt mầm hy vọng”.

LÊ MINH QUỐC

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI