Gượng dậy sau tháng ngày giông bão

19/10/2021 - 06:08

PNO - Khoản tiền dù không lớn, nhưng là sự hỗ trợ kịp thời để chị em khởi động việc làm ăn trở lại sau thời gian dài tạm ngưng vì dịch bệnh.

Hội LHPN Q.12 vừa tổ chức trao vốn không lãi cho 29 phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mỗi người 5 triệu đồng. Khoản tiền dù không lớn, nhưng đây là sự hỗ trợ kịp thời để chị em có thể khởi động việc làm ăn trở lại sau thời gian dài tạm ngưng vì dịch bệnh

Sáu giờ sáng 14/10, bà Nguyễn Thị Loan, ở khu phố 1, P.An Phú Đông, Q.12, bước thấp bước cao, đẩy xe ra đường Nguyễn Thị Nhuần cách nhà 100m để bán cơm tấm, bún thịt nướng. Bà vừa đi vừa thở dốc, chân trái nhích từng bước khó nhọc. Dù mệt mỏi về thể chất nhưng lòng bà khấp khởi khi được quay lại với công việc thường nhật sau quãng thời gian dài dịch bệnh. “Nhờ vốn của Hội mà tôi mới có tiền đóng tiền điện nước, mua nguyên liệu để buôn bán trở lại. Mấy bữa nay ít khách, ba ngày mà nấu có 7kg gạo thôi, nhưng như vầy cũng mừng lắm rồi” - bà Loan chia sẻ. 

Năm nay bà Loan, 59 tuổi, đã trải qua nhiều nỗi cay cực. 15 năm trước, bà từng mở tiệm tạp hóa bán đủ loại thực phẩm. Rồi chồng bà bị đột quỵ, qua đời, bà phải bán nhà trang trải nợ nần và đưa hai đứa con về chung sống cùng mẹ ruột. Năm ấy, mẹ bà cũng đã ngoài 80 tuổi. Để nuôi con ăn học, phụng dưỡng mẹ già, bà chọn nghề bán bún riêu, hủ tíu buổi sáng, buổi chiều bán bánh xèo, gỏi cuốn. Ngay năm con gái lớn trúng tuyển vào đại học thì đến lượt bà bị đột quỵ, phải nằm bệnh viện cả tháng và tập vật lý trị liệu thêm nhiều tháng sau đó. Nhớ chuyện xưa, giọng bà chùng xuống: “Lúc đó, con gái định xin bảo lưu một năm để chăm sóc mẹ, nhưng tôi không cho. Ngoài 50 tuổi, tôi phải tập nói, tập đi trở lại. May mắn là Hội Phụ nữ quận, phường đã giúp mẹ con tôi, chẳng những cho vay vốn nhiều lần mà còn tặng học bổng cho con tôi, hỗ trợ thực phẩm thường xuyên cho gia đình tôi”.

Khi sức khỏe đã khá lên, bà Loan đi bán vé số dạo, rồi thu mua ve chai. Do từng bị liệt nửa người, đi đứng khó khăn, nên cuối cùng bà chuyển qua bán cơm tấm buổi sáng, bánh xèo và gỏi cuốn buổi chiều. Người con thứ của bà Loan nghỉ học sớm, xin làm nhân viên xe khách. Công việc, cuộc sống gia đình mới tạm ổn thì dịch COVID-19 ập tới và kéo dài khiến họ gặp nhiều khó khăn. Sau gần hai năm dịch giã, khi thành phố cho buôn bán trở lại thì bà Loan cũng không còn vốn liếng. Vì thế mà 5 triệu đồng vốn vay không lãi của Hội là rất quý với bà. “Mẹ con tôi sẽ gượng dậy từ đây” - bà Loan nói.

Chị Kim Chi bên quầy rau củ
Chị Kim Chi bên quầy rau củ

Tương tự bà Loan, mấy ngày qua, chị Huỳnh Kim Chi, 38 tuổi, ở khu phố 4, P.An Phú Đông, Q.12 đã mở quán trở lại. Nhưng chị không bán cơm hộp như trước mà chuyển qua bán chả, thịt gà và rau củ quả. Chồng chị cũng chạy buôn bán thêm bên ngoài. “Quán cơm của tôi trước đây chủ yếu bán cho công nhân và sinh viên. Bây giờ, “khách ruột” chưa trở lại nên tôi chuyển sang bán rau củ kiếm đồng ra đồng vô vậy” - chị Kim Chi chia sẻ. 

Vợ chồng chị Kim Chi từng làm công nhân may, sau đó vay vốn mở xưởng gia công áo thun xuất khẩu. Cao điểm, xưởng của họ có tới 21 máy may. Nhưng sản xuất kinh doanh chẳng suôn sẻ nên họ lại phải thanh lý khu xưởng để chồng sang Nga làm thuê, còn vợ ở nhà buôn bán lặt vặt nuôi con. 

Chị buồn bã kể: “Chục năm trước, tụi tôi làm cái gì cũng trật lất, đều phải quay trở về điểm xuất phát là hai bàn tay không. Làm việc ở nước ngoài được một năm rưỡi thì chồng tôi trở về, gom góp tiền bâc mở quán ốc, nhưng cũng chỉ trụ được thời gian ngắn. Tới năm 2019, tôi bắt đầu bán cơm. Ngày đắt khách cũng bán được 200 - 300 hộp. Việc bán buôn đang ngon trớn thì dịch ập tới, trong khi ba đứa con đang tuổi ăn tuổi học và nợ cũ vẫn chưa trả hết! Tôi đã rất lo, nhưng may mắn là được Hội tiếp sức kịp thời”.

 

Thảo Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI