Giữa đại dịch, ẩm thực Việt vẫn trụ vững ở xứ người

25/12/2021 - 07:11

PNO - Đại dịch với những đợt phong tỏa kéo dài và quy định giãn cách khiến lượng khách hàng giảm sút, đẩy ngành dịch vụ ăn uống khắp thế giới rơi vào bế tắc. Dù vậy, bằng cách thay đổi để sống còn, ẩm thực Việt Nam vẫn vững bước nơi đất khách quê người.

Câu chuyện từ món bún riêu cua

Mùa lễ cuối năm 2021 đánh dấu kỷ niệm 5 năm kinh doanh của Anh and Chi - một nhà hàng gia đình chuyên món ăn Việt Nam đa vùng miền ở Mount Pleasant, Vancouver (Canada). Hai chị em Amélie và Vincent Nguyễn đã thiết kế các thực đơn phiên bản giới hạn đầy tính truyền thống cho sự kiện đặc biệt này. Họ đã xây dựng Anh and Chi với sứ mệnh gìn giữ công thức và truyền thống của gia đình cho thế hệ sau, cũng như tạo ra một nơi mọi người có thể tụ họp quanh bàn ăn.

Các công thức nấu ăn tại Zomo ở Englewood đều do bà Chi Nguyễn nắm giữ - ẢNH: CPR NEWS
Các công thức nấu ăn tại Zomo ở Englewood đều do bà Chi Nguyễn nắm giữ - Ảnh: CPR News 

Cha mẹ của Amélie và Vincent đã điều hành quán Pho Hoang tại cùng địa điểm trong hơn 30 năm. Dù cha họ đã qua đời vào năm 2010, người mẹ vẫn phụ trách rất nhiều việc trong căn bếp của Anh and Chi. Bà thường có mặt từ sáng sớm để chế biến món ăn theo những công thức bí mật, dựa trên di sản ẩm thực của gia đình.

Bà của Amélie và Vincent vốn nổi tiếng với món bún riêu cua. Nước dùng cà chua, thịt cua tươi cùng với riêu cua trứng gà mềm mịn, thêm tàu hũ chiên mềm và những sợi bún gạo mượt mà mang đến cho thực khách hương vị đậm đà khó quên. Tuy hương vị của món bún riêu có thể không lột tả hết câu chuyện về sự kiên cường của các thế hệ trước nhưng nếu bạn dùng bữa ở Anh and Chi, bản thân việc đó đã phản ánh sự bền bỉ và linh hoạt của gia đình trong việc lưu giữ nền ẩm thực quê hương.

Nhiều nhà hàng ở Vancouver rơi vào khó khăn vì đại dịch từ mùa xuân năm 2020. Tồn tại được và không mất bất kỳ nhân viên nào thực sự là một kỳ tích. Amélie và Vincent đã nghĩ ra bộ dụng cụ ăn uống mang đi, đóng chai gia vị để giúp khách hàng có được trải nghiệm chất lượng nhà hàng ngay tại nhà riêng.

Thực đơn đặc biệt cho dịp kỷ niệm của Anh và Chi được giới thiệu trong nửa đầu tháng 12 gồm các món ăn như bún riêu cua, bánh khọt, chả giò, nem nướng, cà ri cua, gỏi bắp chuối, cơm chiên cua... Đối với món tráng miệng, nhà hàng có hai tùy chọn kết hợp hài hòa hương vị Đông - Tây: bánh chuối và Cadeaux Bakery - một lát bánh sô-cô-la độc đáo với nhân kem hoa nhài, mousse cà phê cùng lớp phủ kem bơ cà phê Việt Nam.

Sự ủng hộ của thực khách địa phương

Bà Thanh Hà - chủ quán ăn mang hương vị Sài Gòn tại Yokohama, Nhật Bản - ẢNH: FUCHI TAKAYUKI
Bà Thanh Hà - chủ quán ăn mang hương vị Sài Gòn tại Yokohama, Nhật Bản - Ảnh: Fuchi Takayuki 

Sóng sánh cùng làn khói trắng, tô phở bò nổi tiếng của Việt Nam chuyển đến tận bàn của khách hàng. Theo cô Thanh Hà, chủ nhà hàng cùng tên ở Yokohama, nước dùng chính là huyết mạch của phở. Với phần nước dùng đậm đà, béo ngậy từ thịt bò, thịt heo, thịt gà và rau củ được hầm trong mười tiếng liên tục, cô đã tái hiện hương vị của quê hương Sài Gòn.

Sự đa dạng sắc tộc ngày càng tăng ở Nhật Bản ngày nay kéo theo sự gia tăng số lượng nhà hàng mang hương vị của các vùng đất khác. Thanh Hà là một trong những nơi như vậy. Mở cánh cửa trượt ra, thực khách bất ngờ lạc vào một không gian rất Việt Nam với hương thơm rau mùi tràn ngập căn phòng cùng bức tranh đầy sắc màu của vô số loại thực phẩm và nguyên liệu Việt Nam phủ kín các giá kệ dọc theo tường.

Ngày nay, các nhà hàng Việt Nam không còn hiếm ở Nhật Bản nhưng có lẽ không quán ăn nào như Thanh Hà bởi quán nằm ở trung tâm Ichō danchi - khu phức hợp nhà ở đa sắc tộc nhất Nhật Bản nên khách hàng tại quán rất đa dạng. Xen giữa thực khách Việt Nam là những vị khách Nhật Bản yêu thích món ăn Việt hay các binh sĩ Mỹ ở doanh trại gần đó.

Ngoài phở, bánh mì cũng là món được ưa thích. Bà chủ Thanh Hà sử dụng bánh mì dày kiểu Pháp do chính bà nướng, phần nhân gồm nhiều rau và thịt heo quay thái mỏng. Món ăn này thu hút rất nhiều khách hàng nữ vì sự cân bằng dưỡng chất.

Bà chủ Thanh Hà đến Nhật cách đây 30 năm và mở nhà hàng cách đây 19 năm bằng số tiền dành dụm được. Thế nhưng, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến việc kinh doanh. Bà Thanh Hà chia sẻ: “Bây giờ, tôi không còn nhiều khách hàng Việt Nam như trước. Đa số đã mất việc làm. Ngay cả những người thường xuyên ăn ở đây cũng chuyển sang nấu ăn ở nhà. Ai cũng khó khăn”.

Dù vậy, những khách hàng Nhật Bản quen thuộc vẫn ủng hộ nhà hàng, giúp Thanh Hà không bỏ cuộc. Bà Thanh Hà vững tin: “Tôi có nhà hàng và cửa hàng riêng để làm việc. Điều đó đủ để giúp tôi hạnh phúc”.

Thích nghi để vượt qua

Các món ăn trong thực đơn đặc biệt mừng 5 năm hoạt động của nhà hàng Anh and Chi
Các món ăn trong thực đơn đặc biệt mừng 5 năm hoạt động của nhà hàng Anh and Chi

Sau khi cùng tốt nghiệp Đại học Colorado Denver, Ryan Anderson và Alysia Davey cân nhắc sự nghiệp trong lĩnh vực học thuật. Khi giúp gia đình Anderson sửa sang lại một tòa nhà mà họ sở hữu ở Englewood - nơi từng là một nhà hàng trong nhiều thập niên, cả hai đã thay đổi hướng suy nghĩ. Họ quyết định mở một nhà hàng để giới thiệu những nét đẹp ẩm thực Việt Nam mà bà của Alysia nắm giữ.

Tháng 5/2019, họ mở Zomo Asian + American Eatery cùng với bà của Alysia là Chi Nguyễn.

Khi đại dịch buộc hầu hết các quán ăn đóng cửa vào tháng 3/2020, Zomo đã cố gắng xây dựng cơ sở khách hàng trung thành và hoạt động kinh doanh mang đi trở thành giải pháp trong hoạn nạn. Giờ đây, khi nhà hàng mở cửa trở lại, Anderson, Alysia và bà Chi đã thay đổi hình thức thực đơn để khách hàng dễ gọi món, tăng cường dịch vụ ngoài trời và tuân thủ các yêu cầu về phòng dịch.

Bà Chi là bếp trưởng tại Zomo. Sơn Nguyễn, em trai của Alysia, đứng quầy pha chế đồ uống. Phòng ăn chật cứng vào giờ ăn tối và người phục vụ thường lao ra khỏi bếp với những tô phở nóng hổi. Nếu một món ăn được gọi nhiều hơn trong ngày và có nguy cơ hết nguyên liệu, Anderson sẵn sàng chạy đến cửa hàng tạp hóa để mua thêm. Anderson và Alysia cảm thấy lạc quan về công việc kinh doanh hiện tại khi họ đã thành công vượt qua giai đoạn dịch bệnh bùng phát.

Alysia nhận định: “Chúng tôi rất mới mẻ và linh hoạt”. Họ luôn sẵn sàng cho việc thích nghi với mọi hoàn cảnh bởi họ biết đại dịch vẫn chưa đến hồi kết. 

Ngọc Hạ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI