Giọng hát Việt nhí 2015 "Người lớn hóa" trẻ em

14/10/2015 - 15:59

PNO - Giọng hát Việt nhí 2015 có nhiều giọng ca được đánh giá cao so với thí sinh (TS) các mùa trước.

Nhưng, những đứa trẻ ấy hoặc đang phải hóa thân khác giới tính, hoặc gồng mình hát những ca khúc dành cho người lớn.

Trong mỗi số của chương trình, lượng bài hát cho đối tượng trẻ em chỉ chiếm khoảng 10%, còn lại là những ca khúc đòi hỏi sự trải nghiệm, tình cảm của người lớn.

Bài Xin cho tôi (Trịnh Công Sơn) đã được cặp huấn luyện viên (HLV) Hồ Hoài Anh - Lưu Hương Giang chọn cho ba TS Bích Ngọc, Hồng Minh và Hoàng Lâm thể hiện, để hát những câu như “Xin cho mây che đủ phận người/ Xin cho tôi một sáng trời vui/ Xin cho tôi đến tận nụ cười/ Cho tôi quên một nấm mộ tươi”… Ba TS nhí phải gồng mình thể hiện những đoạn tình cảm, đem lại những cảm xúc gắng gượng, khiên cưỡng.

Ca sĩ Thu Phương, cố vấn của đội Hồ Hoài Anh - Lưu Hương Giang, cũng tỏ ra bất ngờ khi đôi HLV này chọn Xin cho tôi. Theo Thu Phương, chưa nói đến việc thể hiện, ngay cả việc cảm nhận và hiểu bài hát này cũng đã đòi hỏi sự trải nghiệm.

Các ca khúc có thể làm khó cả giọng ca chuyên nghiệp như Người mẹ của tôi, Chị tôi, Tóc gió thôi bay, Đất nước lời ru, Đường về xa xôi… cũng được các HLV chọn cho đội mình. Thậm chí, Phương Khanh còn phải hát Ave Maria - tuyệt phẩm thuộc dòng nhạc cổ điển.

Một ca sĩ từng ngồi ghế giám khảo chương trình này lý giải, vì ca khúc dành cho trẻ em quá ít và các bài hát đó không đủ “làm khó” TS, không khoe được giọng để cho thấy sự vượt trội của giọng hát này so với giọng hát kia.

Nhưng ca khúc thiếu nhi không có nhiều trường đoạn, không cao trào, không đòi hỏi kỹ thuật thanh nhạc cao, là bởi những điều đó không dà nh cho lứa tuổi này. “Viết một bài hát cho thiếu nhi, điều đầu tiên là phải chú ý đến tình cảm, ngôn từ sao cho trong sáng phù hợp với tâm lý của lứa tuổi này.

Tiếp đó là cao độ sao cho phù hợp với cấu tạo cơ thể chưa trưởng thành về vòm họng, dây thanh quản… của trẻ. Các em chỉ có thể hát hay khi ca khúc vừa sức với mình”, một nhạc sĩ cho biết.

Giong hat Viet nhi 2015
Công Quốc biến thành một “thôn nữ”, đi sau đó là những mỹ từ khen tặng

Không chỉ có Giọng hát Việt nhí mà nhiều chương trình giải trí dành cho trẻ em khác, việc “ấn” các em vào các bài hát người lớn đang diễn ra phổ biến. Không chỉ hát các bài khó, các em còn phải thể hiện những ca khúc “thời thượng” trên thị trường (dĩ nhiên của người lớn) như Em của ngày hôm qua (Sơn Tùng MT-P), Say you do (Tiên Tiên)…

Trên trang cá nhân, ca sĩ Thanh Duy Idol bày tỏ sự xót xa khi chứng kiến tình trạng này. Theo anh, việc các giọng ca nhí phải gồng mình hát những bài không thuộc về cảm xúc của mình khiến độ truyền cảm đến khán giả chưa trọn vẹn.

Trong liveshow của Giọng hát Việt nhí tối 4/10, TS Công Quốc của đội Cẩm Ly còn phải hóa thân thành nữ để thể hiện ca khúc Trăng quê. Sau đó, hàng loạt mỹ từ được các HLV dành cho TS này: “ngọt lịm”, “thôi miên khán giả”…

Ngay từ đầu mùa, chương trình này còn loan báo sẽ xuất hiện giọng hát “phi giới tính” để gây tò mò, dù rằng giới tính của trẻ em là điều cần phải được cân nhắc, cẩn trọng hết mức.

“Để một đứa bé giả gái rồi diễn và hát trên sân khấu là điều không nên. Vì điều này sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển và nhận thức về giới tính của đứa bé. Tôi không thấy điều ấy hay ho ở chỗ nào, hay thể hiện tài năng gì, kể cả nhìn ở khía cạnh nghệ thuật...”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nhận xét.

Gọi là dành cho trẻ em, nhưng trẻ em đang bị “người lớn hóa”.

Nguyên Vĩnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI