Gió mưa, buồn thương, mùa đông và mây mù sẽ tan...

31/10/2020 - 06:48

PNO - Những ngày miền Trung oằn mình trong bão lũ, bao đau thương mất mát lại chất chồng lên đôi vai những con người nhỏ bé.

Lúc này, hàng triệu con tim Việt Nam lại đồng lòng hướng đến, tìm về với những đồng bào đang chống chọi với dòng nước lũ. Những chuyển động của hy vọng lại dễ khiến người ta ngân nga trong lòng một giai điệu chưa bao giờ cũ - gió mưa, buồn thương, mùa đông và mây mù sẽ tan… Bài hát quen thuộc là thế, nhưng không nhiều người biết Bài ca hy vọng cũng ra đời trong bối cảnh ngặt nghèo...

Niềm tin từ những chia lìa

Nhạc sĩ Văn Ký tham gia cách mạng vào năm 15 tuổi. 18 tuổi, sau khi mối tình đầu bị chia cắt, Văn Ký viết ca khúc đầu tiên trong cuộc đời mình là Trăng xưa, khi ông còn chưa biết nốt nhạc nào. Ca khúc ngay lập tức giành được sự chú ý và yêu mến của nhiều người với lời ca và giai điệu lãng mạn, tinh tế. 

Nhận thấy khả năng âm nhạc đặc biệt của Văn Ký, cấp trên trong đơn vị cử ông đi học lớp âm nhạc Liên khu 4 tại Nghệ An. Cũng từ đây, những sáng tác đầu tay của ông đã ra đời như Bình Trị Thiên quật khởi, Tình hậu phương, Chiến thắng hòa bình… Năm 1954, hai nhạc cảnh của ông là Dân công lên đường Lúa thoái tô giành giải lớn tại Đại hội văn công toàn quốc.

Bản chép tay nhạc phẩm Bài ca hy vọng
Bản chép tay nhạc phẩm Bài ca hy vọng

Trong suốt cuộc đời âm nhạc của mình, Văn Ký sáng tác khoảng 400 tác phẩm, hầu như tất cả đều thể hiện tình yêu trong sáng và sắt son với quê hương đất nước, với con người và dân tộc. Trong số đó, ca khúc được đông đảo nhân dân yêu mến là Bài ca hy vọng, được ông viết vào năm 1958, khi ông 30 tuổi.

Văn Ký từng kể lại rằng đó là thời điểm đất nước bị chia cắt, phong trào cách mạng miền Nam bị đàn áp khốc liệt, Mỹ ngụy phá hoại hiệp định Geneva. Cảnh đất nước phân chia khiến người dân khắp cả nước đều vô cùng hoang mang và bất an. Cảm nhận rõ rệt nỗi lo chung của dân tộc, những chia lìa đau thương ở cả hai miền nhưng nhạc sĩ Văn Ký lại có những cảm xúc khác biệt. Ông kể lại, khi đó, “không ít người bi quan, hoang mang trước tương lai đất nước” nhưng bản thân ông lại vô cùng vững lòng và kiên định với niềm tin lớn lao vào cuộc cách mạng đang đến hồi gay cấn. Và những giai điệu cùng ca từ đầu tiên của Bài ca hy vọng đã đến với ông một cách thật đặc biệt: “Về tương lai, ngày quê hương màu xanh áo mới chứa chan niềm tin.Đường ta đi xanh thắm mộng đời...”.

Ít người biết rằng, Bài ca hy vọng được nhạc sĩ Văn Ký bắt đầu một cách “bất thường” với những câu hát bay bổng ở giữa bài chứ không phải từ những câu đầu tiên của bài hát như vậy. Sau đó, nhạc sĩ viết tiếp những đoạn cao trào với những nốt cao rạng rỡ nhất của ca khúc 

“... cùng ta cất cánh kìa ánh sáng chân trời mới đang bừng chiếu...”. Sau đó giai điệu từ từ đi xuống từng bậc ổn định và kết thúc với sự lắng lại của cảm xúc:

“Gió mưa, buồn thương, mùa đông và mây mù sẽ... tan”. 

Từ sự kết thúc đó, nhạc sĩ mới quay trở lại viết đoạn đầu của bài hát và hoàn thiện ca khúc mà không hề có sự không liền mạch nào.

Ngay sau khi sáng tác xong, nhạc sĩ tự đệm và hát cho vợ nghe. Sau khi nghe, vợ ông vô cùng xúc động và nói, ca khúc thực sự như tiếng lòng của miền Bắc gửi cho miền Nam, rất tha thiết và tình cảm. Văn Ký tiếp tục mang ca khúc “khoe” với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý và cũng được nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý khen ngợi về cách tư duy và phát triển ca khúc.

Tuy nhiên, sau đó, nhạc sĩ cất bài hát vào một chỗ, chưa gửi cho ca sĩ thu thanh. Phải sáu tháng sau, ông mới quyết định mang ca khúc tới Nhà xuất bản Âm nhạc. Tiếc thay, ca khúc bị từ chối với lý do quá lãng mạn và lạc quan, không phù hợp với hoàn cảnh cách mạng của đất nước khi đó. Nhà xuất bản yêu cầu Văn Ký sửa lại ca khúc cho phù hợp tình hình lúc bấy giờ.

"Tôi đọc lại bản nhạc của mình, tất nhiên chủ yếu là phần lời nhưng thấy không thể thêm bớt được một từ nào, nên không sửa” - nhạc sĩ Văn Ký kể lại. Sau đó, ông quyết định mang Bài ca hy vọng tới Đài tiếng nói Việt Nam và ngay lập tức, ca khúc được lãnh đạo đài đồng ý.

Ca khúc được phối khí và dàn dựng với phần đệm piano của chính nhạc sĩ Văn Ký cùng nghệ sĩ Hoàng Mãnh, tiếng sáo của Lê Bích và ca sĩ được “chọn mặt gửi vàng” là Khánh Vân với chất giọng sáng trong tha thiết. Đây cũng là một trong những ca khúc thành công nhất của nghệ sĩ Khánh Vân mà sau này khi cô có dịp hát cho Bác Hồ nghe, Bác đã rất xúc động và nói: “Cháu hãy hát Bài ca hy vọng cho đồng bào miền Nam nghe nhé".

Sau này, giai điệu của Bài ca hy vọng qua tiếng hát của ca sĩ Khánh Vân đã lan tỏa tới miền Nam ruột thịt, nơi đồng bào và chiến sĩ đang xả thân chống trả sự đàn áp của đế quốc. Bài hát đã trở thành vũ khí tinh thần cho những người hoạt động cách mạng miền Nam và được tuyên truyền rộng khắp. 

Đường ta đi lên, xây đời trong hoa thơm…

Nhạc sĩ Văn Ký kể lại rằng khi viết Bài ca hy vọng, ông không nghĩ ca khúc sẽ được đón nhận vào thời điểm đó. Đó chỉ như một chút xúc cảm ông ghi lại cho riêng mình, một tiếng nói tin tưởng sắt son vào ngày mai tươi đẹp hơn. “Tôi nghĩ đơn giản rằng, con người ta phải có niềm tin vào tương lai. Tương lai là màu xanh hy vọng. Nó như một ý chính của tác phẩm”. “Tôi chỉ muốn khẳng định với riêng mình điều mà mình đã suy nghĩ sâu sắc và tin tưởng, rằng cách mạng sẽ nhất định thắng lợi” - nhạc sĩ Văn Ký tâm sự.

Nhạc sĩ Văn Ký
Nhạc sĩ Văn Ký

Nhưng, có lẽ chính nhạc sĩ cũng không thể đoán trước được sự lan tỏa mạnh mẽ của ca khúc đến mọi miền đất nước. Ngay khi được vang lên trên Đài tiếng nói Việt Nam, Bài ca hy vọng đã gây ra một “làn sóng” với khán giả nghe đài. Hàng loạt thư từ khắp các tỉnh, thành gửi về yêu cầu phát lại ca khúc. Đâu đâu cũng vang lên tiếng hát Bài ca hy vọng.

Không tìm cách cụ thể hóa với những hình ảnh như nông trường, nhà máy, thống nhất… hay bắt gặp trong phần lớn ca khúc cùng giai đoạn này để kêu gọi sản xuất, chiến đấu, mà với những hình ảnh được khái quát hóa, lãng mạn hóa, ca khúc trở nên gợi cảm và có tính ẩn dụ. Bài hát không nặng nề giáo điều, triết lý suông mà bình thản, nhẹ nhàng nhưng lại có sức lay động. Cho đến tận bây giờ, Bài ca hy vọng vẫn luôn có thể vang lên ở nhiều hoàn cảnh và thời điểm khác nhau, trở thành một trong những khúc ca đi cùng năm tháng và được yêu mến nhất của lịch sử âm nhạc Việt Nam.

Không chỉ có vậy, với những giai điệu trữ tình, các thang âm được sắp xếp khéo léo, mềm mại, uyển chuyển, ca khúc dù bình dị nhưng vẫn mang âm hưởng hàn lâm, với nhạc tính tinh tế. Cho nên gần như suốt hơn nửa thế kỷ từ khi ra đời, các giọng soprano (nữ cao) nổi tiếng nhất của Việt Nam như Lê Dung, Bích Liên, Mỹ Bình, Măng Thị Hội, Tô Lan Phương, Ánh Tuyết, Rơ Chăm Pheng, Thanh Hoa… hay cả các giọng tenor (nam cao) như Trung Kiên, Quang Thọ đều đã từng thử sức với Bài ca hy vọng như một tác phẩm opera chuẩn mực.

Ca khúc cũng liên tục được chuyển soạn cho guitar, sáo trúc, violon, piano… phối khí cho dàn nhạc dân tộc, dàn nhạc giao hưởng, được sử dụng làm nhạc nền trong phim (phim Đừng đốt của đạo diễn Đặng Nhật Minh) và vang lên trong nhiều chương trình nghệ thuật lớn của đất nước.

62 năm trôi qua, đất nước đã đi qua chiến tranh, Nam Bắc hai miền đã thu về một mối, đúng như niềm tin và ý nguyện nhạc sĩ Văn Ký đã gửi gắm trong tác phẩm của mình. Nhưng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, chiến tranh hay hòa bình, dù bom rơi đạn lửa hay nghèo khổ bão lũ, Bài ca hy vọng vẫn là một trong những khúc ca biểu tượng về một niềm tin và hy vọng, về một con đường “ta đi lên, xây đời trong hoa thơm”... 

Lan Anh

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI