Gieo hoa giữ đất

21/01/2023 - 08:01

PNO - Trước biến thiên thời cuộc, có những người đàn bà bám trụ giữ mảnh đất cha ông, biến những vùng sình lầy, bãi hoang thành sinh kế của gia đình. Với họ, đất đai chính là gốc gác, nguồn cội, nên giữ đất, cũng là giữ mình, giữ những điều tốt đẹp cho tương lai…

“Sự liều” đáng nể của nàng dâu

“Chỗ đất này trũng ghê lắm! Con tôi phải hì hụi cải tạo miết mới ra cái vườn. 2 mùa tết, 2 mùa hoa với mấy chục ngàn chậu bông vừa nở rộ thì ngập trong nước. Mất trắng! Vậy mà nó đâu chịu bỏ. Nó nói: “Má ơi, đất mình có tiềm năng, cứ để con làm”. Hồi đó, tôi rầu vô cùng mà đâu dám lộ ra mặt, sợ con nản theo. Giờ nghĩ lại, thấy cái sự liều của tụi nó cũng đáng nể”, bà Nguyễn Thị Đẩu - một nông dân tuổi 70 - hào hứng kể về hành trình làm nghề của vợ chồng cô con gái Tô Hồng Quyên, 41 tuổi. 

Dù đã là bà chủ có của ăn của để, chị Hồng Quyên vẫn từng ngày tất bật ngoài vườn chăm chút từng chậu hoa nền - Ảnh: Mẫn Nhi
Dù đã là bà chủ có của ăn của để, chị Hồng Quyên vẫn từng ngày tất bật ngoài vườn chăm chút từng chậu hoa nền - Ảnh: Mẫn Nhi

“Hồi đó” là năm 2011, chị Hồng Quyên bắt tay gầy dựng vườn hoa trên nền đất rộng 4.000m2 vốn là đất lúa của ba mẹ chồng ở khu phố Lân Ngoài (phường Long Phước, TP Thủ Đức, TPHCM). Nền thấp, thành ra đổ thêm bao nhiêu đất vào cũng không thấm vào đâu. “Vốn liếng, công sức dồn hết xuống vườn, để rồi nhìn tất cả chìm trong nước, cay đắng lắm, nhưng tôi không nản”, chị Hồng Quyên nhớ lại.

Nhưng năm 2011 chỉ là một cột mốc. Hành trình trở thành bà chủ vườn của chị Hồng Quyên gian nan hơn nhiều. Ước mong dựng vườn của chị ươm mầm từ thời chị tốt nghiệp ngành nông học, Trường đại học Nông Lâm TPHCM, chân ướt chân ráo vào Công ty Công viên Cây xanh TPHCM. Công việc ở vườn ươm hoa kiểng vất vả, thỉnh thoảng, cô gái Hồng Quyên tự thưởng cho mình một chuyến tham quan Đà Lạt. Những cánh đồng hoa bạt ngàn của xứ sương mù, những trải nghiệm mắt thấy tai nghe đã khiến giấc mơ về nông trại hoa hình thành trong cô gái trẻ hồi nào chẳng hay. 

Anh Nguyễn Phước Hưng - 39 tuổi, chồng chị Hồng Quyên - là người vùng Long Bình, TP Thủ Đức, làm việc ở vườn ươm cùng công ty với chị. Theo chồng về Long Bình, thấy nhà có mảnh đất rộng hơn 1.000m2 bỏ trống, tre gai mọc um tùm, Hồng Quyên xin phép ba mẹ chồng cho cải tạo để trồng hoa. Nghe ý con dâu, ông bà kêu trời: “Làm chi nổi, con ơi!”. Nhưng Hồng Quyên đã “lên tinh thần” sẵn, chị khẳng định: “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. 

Từ tháng 6 - 10/2006, cứ sau giờ làm, vợ chồng chị Hồng Quyên lại về vườn chặt tre, ban đất. Miệt mài hơn 4 tháng, khu vườn ra dáng ra hình, chị nhanh chóng bắt tay vào trồng lứa hoa tết đầu tiên, gồm 4.000 chậu vạn thọ, mào gà và hướng dương. Ngày ấy, đường sá còn khó đi, từ Long Bình lên trung tâm TPHCM bụi mịt mờ. Buổi chiều tan làm thì 7 giờ tối mới về tới nhà, ăn vội chén cơm, vợ chồng chị Hồng Quyên lại cắm mặt vào đất, làm suốt tới 1-2 giờ sáng mới nghỉ tay.

“Lứa hoa đầu đó, tôi mong dữ lắm, cứ canh từng ngày coi nở đều không, đẹp không, có bị hư hại chậu nào vì mưa trái mùa không. Đến ngày xuất vườn, chiều 25 tết tôi gom hết hoa, thuê xe chở lên tập kết tại chỗ thuê mặt bằng đặt từ đầu tháng Chạp. Nào ngờ tới sáng 26, chủ nhà kiếm chuyện không cho thuê nữa. Tôi muốn khóc, đành bán rẻ toàn bộ hoa cho chính người chủ nhà, tay không đi về”, chị Hồng Quyên nghẹn giọng khi nhắc chuyện xưa.

Vụ tết năm nay, chị trồng 50.000 chậu hoa nền các loại. Nhiều nhất là dạ yến thảo, cúc diễm châu, duyên cúc, dừa cạn ta, lá gấm, bách nhật và sao nhái. Chị đã tự gầy giống cây con của hầu hết các loại hoa trong vườn. Cũng nhờ vậy, khi bà con nông dân hay chị em trong phường có nhu cầu về cây giống và tìm hiểu kỹ thuật trồng hoa, chị luôn sẵn sàng hỗ trợ. “Vườn chị Quyên” từ lâu đã là câu cửa miệng của phụ nữ địa phương, những người yêu hoa, và cả những người đang manh nha ý tưởng “lao vào nghề nông”. 

Chị Quyên bộc bạch: “Những điều ấy khiến tôi hạnh phúc. Ai mà ngờ được, mảnh đất đầy tre gai năm nào lại có lúc phủ màu hoa tươi mới, rực rỡ. Và, ai mà ngờ được, sau những lần tay trắng đó, giờ tôi đã tự tin tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, thu nhập của anh chị em chừng 6 triệu đồng mỗi tháng, riêng vụ tết sẽ 
cao hơn”. 

Tôi đã lo không giữ được đất tổ tiên

Nắng sáng vừa hừng lên, bà Trần Thị Lan (ấp Trung, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi) kéo ống dây nước ra vườn tưới mấy giàn hoa lan. Mỗi tuần một lần, bà sẽ bón phân, xịt thuốc dưỡng lá, phòng ngừa sâu bệnh. Bà nói: “Trồng hoa lan phải chịu cực. Để dưỡng cây hoa lan từ cây giống lên chậu, ra hoa thì mất gần 1 năm. Thời gian trong ngày, hễ rảnh là tôi ra vườn ngắm nghía, tỉa tót từng chậu hoa, lặt bỏ từng lá vàng”. 

Bà dẫn tôi xem những chậu lan, hoa kiểng để một góc riêng trong vườn. Bà cười khoe: “Cây kiểng này tôi dành cho chị em của xã “đổi rác lấy quà” trong ngày hội môi trường sắp tới. Tụi “nó” tốt rồi, chăm tới tết là vừa độ nở hoa”.

Vườn bà Lan rộng gần 5.000m2 với các dòng hoa lan ngọc điểm, dã hạc, mokara, dendro... mang thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm cho gia chủ. Vườn là đất cha ông để lại. Thế nhưng, để giữ cơ ngơi này tới hôm nay, là cả sự mạo hiểm, dấn thân của người đàn bà yêu đất đai, yêu vườn tha thiết.

Lớn lên trong gia đình nông dân, năm 1979, bà Lan lập gia đình và về chung sống với nhà chồng tại ấp Trung, xã Tân Thông Hội này. Hơn 40 năm bám đất, làm vườn, vợ chồng bà Lan nuôi 4 đứa con lớn khôn, dựng vợ gả chồng, xây dựng nhà cửa. Hành trình kể lại nghe đơn giản, nhưng đó là quãng dài đầy nước mắt, mồ hôi: “Có đất đai, trâu bò, mà không có kinh nghiệm trồng tỉa, vợ chồng tôi thất bát liên miên. Cái nghèo vây bám, nuôi con ăn học thì lại mang nợ quanh năm. 18 năm trời trầy trật, khổ không tả hết, năm nào trúng mùa thì cũng chỉ đủ đắp đổi ngày 3 bữa. May sao, năm 2000, được nhiều người tư vấn chuyển đổi con giống, tôi bàn với chồng chuyển từ chăn nuôi bò vàng sang bò sữa để có thu nhập hằng ngày”. 

Sau nhiều đêm thức trắng tính toán, suy tư, vợ chồng bà Lan bán hết 10 con bò vàng lớn nhỏ trong chuồng mà chỉ mua được 1 con bò sữa đang mang thai với giá hơn 2 cây vàng. Đầu tư hết vốn liếng, bà Lan thấy trong dạ bồn chồn, bất an. Nhiều ngày, bà lân la sang các hộ chăn nuôi bò sữa để học hỏi kinh nghiệm. 2 tháng sau, bò sinh được 1 con bò con và bắt đầu cho sữa. Dù đã được hướng dẫn nhưng khi “lâm trận”, bà Lan mới thấy lúng túng. Loay hoay mãi vẫn không vắt được sữa, tức muốn khóc, bà Lan phải cầu cứu hàng xóm…

Bà Trần Thị Lan  dành thời gian chăm chút,  tỉa tót cho từng chậu hoa  trong vườn
Bà Trần Thị Lan dành thời gian chăm chút, tỉa tót cho từng chậu hoa trong vườn

Rồi thì, việc vắt sữa, cắt rốn cho bò con… bà Lan cũng thuần thục. Khi thấy công việc tiến triển, bà lại cùng chồng bàn việc vay 15 triệu đồng để mua thêm 1 con bò cho sữa. Cũng từ đó, để có kinh nghiệm, bà Lan chăm chỉ tham gia các khóa học bồi dưỡng, lớp nghề sơ cấp chăn nuôi bò sữa, học kinh nghiệm từ những người bạn... Nhiều năm trong nghề, bà Lan có thể tự bắt bệnh, sơ cấp cứu những bệnh thông thường ở bò. Nhưng cũng có những lúc rủi ro. “Bò sinh xong rồi quỵ cũng xem như mất của. Lúc dịch bệnh, mỗi ngày mất 1-2 con, xót xa lắm”, bà Lan nhớ lại. Sau 16 năm chuyển đổi vật nuôi, năm 2016, đàn bò gia đình bà lên đến 70 con từ nhỏ đến lớn. Cao điểm, mỗi ngày sản lượng sữa trong đàn vắt được khoảng 400kg, thu nhập của gia đình lên đến 90 triệu đồng/tháng, trừ chi phí bà còn lãi khoảng 40 triệu đồng/tháng. 

Khi công việc chăn nuôi còn “hái” ra tiền, bà nhiều lần động viên các con ráng tìm cách phát triển kinh tế ngay trên đất nhà mình, đừng bỏ đất. Nghe mẹ, người con trai lớn của bà Lan mới lân la tìm đến nhiều gia đình quen biết trong ấp, trong xã học nghề trồng hoa lan, rồi nhập cây con giống về trồng thí điểm trên 1.000 giống lan ngọc điểm. 

Đến năm 2018, chồng bị tai biến, công việc chăn nuôi mất đi người hỗ trợ, bà Lan quyết định bán bò cùng con trai phát triển hoa lan. Ban đầu, bà bỏ ra trăm triệu đồng để làm giàn, lưới, thêm trăm triệu đồng nữa để nhập thêm cây giống từ nước ngoài. Vườn lan được nhân giống và phát triển từng ngày… 

Đất đai cha ông để lại được bảo toàn, gia đình bình an, người đàn bà tuổi 65 thấy nhẹ lòng. Bà nói: “Những năm đất tăng giá, tôi và ông chồng cứ lo không giữ gìn được đất đai của tổ tiên. Giờ thì yên tâm rồi”. Bây giờ bà Lan trở nên thảnh thơi hơn để tham gia việc hội, với bà đó cũng là cách trả ơn cuộc đời, trả ơn hội với những lớp học làm kinh tế gia đình, dạy chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, giúp bà gìn giữ được đất của cha ông như ước nguyện. 

Mẫn Nhi - Song An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI