Giáo viên "tố" bị miệt thị, gây khó khăn trong công tác, hiệu trưởng nói gì?

26/01/2021 - 16:26

PNO - Một giáo viên tổ hóa học Trường THPT Hùng Vương (quận 5, TPHCM) cho rằng mình bị hiệu trưởng gây khó khăn trong công tác, miệt thị, sỉ nhục.

Bà Huỳnh Thị Mỹ Nh., giáo viên tổ hóa học Trường THPT Hùng Vương gửi đơn đến Báo Phụ Nữ TPHCM cho rằng bị hiệu trưởng gây khó khăn trong công tác, khủng bố tinh thần, miệt thị sỉ nhục, kèm theo đó là đoạn ghi âm cuộc nói chuyện giữa hai người vào tháng 11/2020.

Theo bà Nh., hiệu trưởng nhiều lần mời bà vào phòng dọa nạt, mắng nhiếc, trấn áp tinh thần, không cho bà trình bày nên bà đã chủ động ghi âm để bảo vệ mình.

Học sinh trường THPT Hùng Vương
Học sinh Trường THPT Hùng Vương

Bà Nh. còn cho rằng, hiệu trưởng nhà trường và bà Lý Thị Mỹ L. - Tổ trưởng Tổ hóa học - đã gây khó dễ cho việc thao giảng cụm của bà; đồng thời gây áp lực để thay đổi quy mô thao giảng cụm thành thao giảng trường mà lý do đưa ra không thuyết phục, đã phủ nhận công sức của cô và học sinh. Bà L. có những động thái che giấu số điểm sau buổi thao giảng, có ý công bố chậm trễ không theo như thường lệ của tổ trước đó…

Theo giáo viên này, hiệu trưởng nhiều lần quy chụp, hạ uy tín về chuyên môn của bà mà không có căn cứ, thậm chí trái ngược với kết quả đánh giá công tác trong quá trình giảng dạy bởi không năm nào bà bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ...

Trả lời Báo Phụ Nữ TPHCM liên quan đến phản ánh này, ông Nguyễn Vân Yên - Hiệu trưởng - cho biết: "Tôi nhấn mạnh rằng buổi nói chuyện trong đoạn ghi âm mà cô Nh. gửi đến các cơ quan chức năng là buổi nói chuyện thẳng thắn đầu tiên của tôi với cô Nh. về các vấn đề của cô trong thời gian qua. Hôm đó, cũng là cô chủ động vào phòng hiệu trưởng để nói chuyện, chứ không có chuyện tôi mời cô vào, nên việc cô nói tôi nhiều lần mời cô vào dọa nạt khiến cô phải ghi âm để bảo vệ mình là thông tin sai sự thật. Và tôi cũng không biết cuộc nói chuyện giữa quản lý trường với giáo viên lại bị dẫn dắt để ghi âm".

“Tôi khẳng định đoạn ghi âm đó có cắt xén, dàn dựng đoạn cuối. Vì không thể có chuyện khi cô ấy không nói gì mà tôi lại to tiếng bảo là cô nói nữa tôi sẽ mời cô ra khỏi phòng. Bởi chuyện chỉ xuất phát từ vấn đề thao giảng của cô với Tổ hóa nhưng cô lại đưa vào nhóm làm việc tập thể nói, làm đơn, yêu cầu người này người kia phải giải thích… làm dấy lên dư luận, gây mất đoàn kết nội bộ nên tôi có góp ý, nhưng cô không nghe khiến tôi thiếu kiềm chế và có hơi to tiếng. Tôi thừa nhận đó là câu nói thiếu bình tĩnh”, ông Yên nói.

Trả lời về việc gây khó khăn cho việc thao giảng cụm của bà Nh., gây áp lực để thay đổi quy mô từ thao giảng cụm thành thao giảng trường, ông Yên cho biết: "Năm học này, cô Nh. là giáo viên được kiểm tra chuyên môn bằng hình thức dự giờ thăm lớp, thao giảng... Đầu năm, tổ chuyên môn nâng lên một bước thành thao giảng cụm. Nhưng do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngành có chủ trương là hạn chế tập trung đông nếu không thật cần thiết, phải là những chủ đề có yếu tố mới, sáng tạo mới đăng ký cấp cụm.

Thế là sau khi cô Nh. thực hiện thao giảng ở trường, tổ đánh giá góp ý là tốt nhưng không có tính mới nên chỉ dừng ở phạm vi cấp trường. Thế nhưng cô không đồng ý và cho rằng bị gây khó dễ, đòi lấy phiếu đánh giá cho điểm của từng thành viên đem photo là không đúng quy định… Bản thân tôi thấy trường hợp này cũng nhạy cảm nên có nói với cô Nh. là đưa giáo án của cô cho tôi để tôi xin ý kiến phòng chuyên môn của sở xem chủ đề đó có phù hợp thao giảng cấp cụm không để đăng ký".

Theo ông Yên, bà Nh. trước đây là nhân viên phòng thí nghiệm. Để tạo điều kiện cho bà phát triển công tác nên phân lớp dạy, phân công tác chủ nhiệm. Và dù hiệu quả công tác giảng dạy chưa cao, chưa tiến bộ nhưng ông vẫn cho bà cơ hội rèn luyện.

Chúng tôi thắc mắc nếu như bà Nh. không tiến bộ về mặt chuyên môn như ông nói thì tại sao ban giám hiệu vẫn sắp xếp để bà đứng lớp? Ông Yên cho rằng bà cũng có gia đình, rồi có con, sức khỏe không tốt nên không thể cứ để giữ phòng thí nghiệm hóa mãi. Ban đầu phân ít lớp, rồi bồi dưỡng hỗ trợ dần.

Theo ông Yên, hiện Thanh tra Sở GD-ĐT TPHCM đã tiếp nhận sự việc phản ánh của giáo viên và đang trong quá trình giải quyết.

Liên quan đến quy trình thao giảng chuyên môn, một số giáo viên THPT tại TPHCM cho biết: Sau khi thao giảng xong, giáo viên thực hiện sẽ được các giáo viên dự giờ nhận xét, góp ý và đánh giá vào phiếu dự giờ. Các phiếu này được tổ trưởng chuyên môn tập hợp lại và lưu giữ. Giáo viên muốn xem kết quả đánh giá vẫn được.

Công tác thao giảng cũng chỉ là một hoạt động chuyên môn nhằm góp ý, trao đổi nghiệp vụ nên thực hiện thao giảng cấp trường hay cụm chỉ khác về quy mô. Tuy nhiên, giáo viên thao giảng cụm sẽ có ưu thế khi đăng ký chiến sĩ thi đua cấp cơ sở hoặc chiến sĩ thi đua cấp thành phố.

Trong hồ sơ xem xét chiến sĩ thi đua sẽ bao gồm các phiếu dự giờ của giáo viên tham dự tiết thao giảng. Giáo viên đăng ký thao giảng sẽ được đọc lại các ý kiến và xem điểm của các phiếu đánh giá này trước khi giáo viên ký tên vào các phiếu đánh giá trong phần người dạy.

Theo một giáo viên THPT tại quận 10, mỗi năm đều có bình chọn chiến sĩ thi đua với những giáo viên có thành tích tốt. Nếu đạt chiến sĩ thi đua thì giáo viên sẽ nhận được bằng khen của ngành, có liên quan đến quyền lợi sau này. Còn thao giảng ở trường chỉ được ghi nhận chứ không có bằng khen.

Thông thường thao giảng cụm nhà trường chỉ chọn từ 1 đến 2 giáo viên, việc chọn giáo viên thao giảng cụm do tổ trưởng đề bạt hoặc giáo viên tự đăng ký.

Thanh Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI