Giáo viên đừng mất bình tĩnh mà đánh mất mình

21/09/2021 - 11:05

PNO - Vẫn biết ai cũng có lúc nóng giận nhưng giới hạn sự nóng giận với người làm nghề giáo sẽ hẹp hơn rất nhiều.

Vẫn biết ai cũng có lúc nóng giận nhưng giới hạn sự nóng giận với người làm nghề giáo sẽ hẹp hơn rất nhiều. Chúng ta cũng không có quyền dùng những cái sai của học trò để bào chữa cho những vi phạm chuẩn mực nghề giáo của mình. Éo le ở chỗ đó nhưng đã theo nghề thì phải chấp nhận.

Khi hỏi các đồng nghiệp là giáo viên phổ thông lâu năm ở Anh rằng có khi nào nổi điên với học trò không? Họ bảo: Có lúc cũng gần như bốc hỏa nhưng phải kiềm chế. Có khi người ra khỏi lớp không phải là học sinh mà là giáo viên, ra ngoài để hít thở, để bình tĩnh rồi vào nói chuyện tử tế với học trò. Học sinh ở đâu thì cũng đủ trò để thử thách sự kiên nhẫn của giáo viên.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Câu chuyện thầy giáo đuổi sinh viên trên có lẽ là những giây phút thầy muốn quên đi nhất trong cuộc đời. Đó là bài học cho tất cả giáo viên về kiểm soát bản thân trong các tình huống dạy học. Ai làm giáo viên chắc hiểu có những tình huống bị học trò “chọc điên”. Các em xúm nhau mè nheo, nghịch tập thể, chống đối tập thể, cũng không phải vì trò ghét thầy, mà chỉ là tuổi trẻ có ngày muốn nổi loạn, nổi cơn lười chẳng hạn. Lúc đó, giáo viên bực lắm, có khi không kiềm chế được mà nói lớn, la rầy học trò dù trong tâm ý không hề ghét bỏ học trò.

Dù vậy, giáo viên vẫn cần biết giới hạn của việc thể hiện thái độ của mình trong giáo dục. Chúng ta phải kiên nhẫn với học trò, học trò càng nhỏ, càng kiên nhẫn, nhưng không được dễ tính. Khi cần chỉnh đốn học trò, chúng ta phải thật nghiêm để nói rõ điều mình không hài lòng. Tuy nhiên, thầy cô cũng không bao giờ được tước bỏ cơ hội được giãi bày của học trò, phải luôn cho trò cơ hội sửa sai. Và điều tối kỵ là không được xúc phạm người học, càng không nên giành “phần thắng” chỉ để hơn thua với học trò của mình.

Không ít giáo viên đang vượt qua giới hạn với người học nhưng lại kém khắt khe với bản thân trong lời ăn tiếng nói, cách ứng xử. Thầy giáo vừa qua nếu muốn nhắc nhở sinh viên thì chỉ cần nói sinh viên dùng tai nghe hoặc nếu không có thì chịu khó hỏi lại bài bạn. Việc thầy mời sinh viên ra khỏi lớp thực sự quá nặng vì sinh viên không gây rối và làm phiền lớp. Chưa hết, việc thầy yêu cầu các sinh viên nói lại câu: “Tôi có đủ giác quan…” thực sự còn xúc phạm hơn cả việc mời sinh viên ra khỏi lớp. Cách ứng xử này cho thấy giáo viên tự cho mình quyền được “dạy dỗ” học trò theo cách nào “tùy tôi” mà thiếu sự tôn trọng tối thiểu học trò như một cá nhân độc lập.

Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thị Thu Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI