Giảm tải cho hệ thống y tế nhờ điều trị tại nhà và khám bệnh từ xa

31/08/2021 - 06:21

PNO - Trước tình hình số ca nhiễm COVID-19 tăng nhanh gây áp lực lên hệ thống y tế, nhiều quốc gia đang tiến hành chính sách điều trị tại nhà cho những bệnh nhân vừa và nhẹ. Bên cạnh đó, mô hình khám bệnh từ xa đang thể hiện vai trò tích cực nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm chéo tại bệnh viện.

Tăng cường cách ly, điều trị tại nhà

Dù là một trong những quốc gia có tỷ lệ chủng ngừa cao nhất thế giới, nhưng từ giữa tháng Tám, các bệnh viện của Israel đã phải bắt đầu tiếp nhận thêm 2.000 nhân viên y tế nhằm chuẩn bị ứng phó với tình hình sẽ có khoảng 5.000 bệnh nhân COVID-19 nhập viện trong tháng Chín, với một nửa trong số đó là nghiêm trọng. Dù vậy, các bộ trưởng cấp cao đã cân nhắc kế hoạch khẩn cấp nhằm giảm tải cho hệ thống bệnh viện, bao gồm việc đưa một phần bệnh nhân COVID-19 không nguy cấp - chẳng hạn những ca chưa cần đến máy thở - về điều trị tại nhà.

Bệnh nhân COVID-19 đang hồi phục tại nhà ở Fukuoka sử dụng máy đo ô-xy để theo dõi  tình trạng sức khỏe - ẢNH: MAINICHI
Bệnh nhân COVID-19 đang hồi phục tại nhà ở Fukuoka sử dụng máy đo ô-xy để theo dõi tình trạng sức khỏe - Ảnh: Mainichi

Tương tự, chính phủ Nhật Bản cũng đưa ra chính sách mới với việc các bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng vừa phải sẽ cách ly tại nhà. Kế hoạch của Thủ tướng Suga Yoshihide nhằm tiết kiệm giường bệnh, chỉ dành nguồn lực cho những người có triệu chứng nghiêm trọng hoặc nguy cơ diễn biến xấu. Những người có nồng độ oxy (SpO2) trên 96% được coi là nhẹ, từ 96% xuống 93% được phân loại là “mức độ I - trung bình”, dưới 93% là “mức độ II - tích cực theo dõi”, và người cần chăm sóc đặc biệt được xếp loại nghiêm trọng. 

Một cư dân ở Tokyo là cô Takano (40 tuổi), kể lại nỗ lực gọi xe cấp cứu cho chồng cách đây hai tuần, khi lượng oxy trong máu của chồng cô giảm xuống 94% và cảm thấy khó thở: “Tôi được trung tâm y tế công cộng thông báo rằng bây giờ họ chỉ có thể điều động xe cứu thương cho những trường hợp có nồng độ oxy trong máu dưới 90%, và nếu tôi muốn chồng mình được chăm sóc y tế, tôi sẽ phải tự tìm sự trợ giúp”. Khi điều trị tại nhà, ít nhất mỗi ngày một lần, đại diện chính quyền địa phương sẽ kiểm tra nhiệt độ của bệnh nhân bằng ứng dụng trên điện thoại thông minh, đồng thời kiểm tra tình trạng thở, các triệu chứng khác như ho, khó chịu, buồn nôn hoặc tiêu chảy... 

Tại Thái Lan, trước đây tất cả bệnh nhân COVID-19 đều được đưa vào bệnh viện, nhưng từ tháng Bảy, chính quyền đã tiến hành cách ly tại nhà đối với hơn 30.000 người mắc bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng. Con số này dự kiến có thể tăng lên 100.000 người vào cuối tháng Tám.

Khám bệnh từ xa

Khám bệnh từ xa không chỉ hữu ích cho bệnh nhân và bác sĩ giữa đại dịch mà còn giúp liên kết các trung tâm y tế ở xa với các bác sĩ lâm sàng có chuyên môn cao, những chuyên gia tư vấn về chăm sóc bệnh nhân COVID-19; hỗ trợ các bác sĩ, y tá khi có ca phẫu thuật cần hội chẩn. Tại Mỹ, khi biến thể Delta lan nhanh, nhu cầu về các dịch vụ khám bệnh từ xa tăng lên, điều này do hệ thống bệnh viện cố gắng rút ngắn thời gian lưu trú và tránh nguy cơ lây nhiễm chéo tại bệnh viện, đồng thời rút ngắn thời gian đưa bệnh nhận đến các cấp độ chăm sóc y tế cao hơn. 

Y tá hoặc bác sĩ được chứng nhận từ trung tâm chỉ huy sẽ theo dõi các dấu hiệu quan trọng như nhịp tim hoặc nồng độ oxy máu của bệnh nhân thông qua điện thoại, cuộc gọi video hoặc các ứng dụng khác. Mỗi dữ liệu đều được ghi nhận theo thời gian thực, với nhóm chăm sóc trực tuyến có thể tham gia hội chẩn, hỗ trợ đặt lịch xét nghiệm, cập nhật toa thuốc hoặc trong trường hợp nghiêm trọng, giúp tìm kiếm nguồn ô-xy, máy thở và điều động phương tiện cấp cứu. 

Các nhà cung cấp dịch vụ cho biết, một số bệnh nhân đánh giá cao trải nghiệm khám bệnh từ xa. Marshall Lee, Giám đốc y tế của Phòng Chăm sóc đặc biệt “ảo” tại Đại học Khoa học & Sức khỏe bang Oregon, cho biết một số bệnh nhân gặp rắc rối khi sử dụng thiết bị công nghệ, nhưng họ đánh giá cao sáng kiến và sự tận tâm giữa lúc tình hình nhân sự của bệnh viện căng thẳng do đại dịch.

Nghiên cứu gần đây của ứng dụng Zoom cho thấy, ở Mỹ, 72% người được khảo sát muốn tham dự các cuộc hẹn chăm sóc sức khỏe từ xa và trực tiếp sau đại dịch, cho thấy nhu cầu rõ ràng về khám bệnh từ xa bên cạnh khám chữa bệnh truyền thống trong tương lai. 

Linh La (tổng hợp)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI