Gia đình Việt của sinh viên Lào

31/08/2022 - 06:20

PNO - Ngày 26/8 vừa qua, đoàn đại biểu Hội LHPN thủ đô Viêng Chăn, tỉnh Champasak (Lào) đã đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Hằng ở P.13, Q.4 trong chuyến công tác và làm việc tại TP.HCM. Các chị đã ấm lòng với câu chuyện người mẹ Việt chăm lo cho các con trai, con gái đến từ đất nước Lào như con đẻ của mình.

Yêu thương như con ruột

Tham gia chương trình “Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại TPHCM”, chị Hằng nhận nuôi hai bạn Nando Manivong và Xaiyaphone Inphaeng. Chị đặt cho hai con hai cái tên thân mật là Nando và Jac. Cả hai bạn đều là sinh viên năm ba, ngành y, nói tiếng Việt khá rành. 

Đến ký túc xá sinh viên Lào, ngày đầu “mẹ - con” cũng để lại cho nhau nhiều cảm xúc. “Từ trong ký túc xá, Nando và Jac chủ động đến nhận “mẹ Hằng” làm tôi ngạc nhiên và xúc động” - chị Hằng nhớ lại. Hai sinh viên cho biết: “Đăng ký tham gia chương trình, tụi con cứ đợi hoài. Con được cho số điện thoại và tìm kiếm hình ảnh của mẹ qua Zalo, nên nhìn thấy mẹ là con đã nhận ra ngay”. 

Chị Nguyễn Thị Hằng và các con là sinh viên Lào
Chị Nguyễn Thị Hằng và các con là sinh viên Lào

Ngoài Nando và Jac, chị Hằng còn nhận thêm ba sinh viên khác là Sipaseuth Keo, Duangmany Xaiyavong, Lona Phaengthongkham. Chị nói: “Nhà tuy nhỏ nhưng tình cảm bao la. Cả năm đứa tôi đều đối đãi, thương yêu như con ruột”. Bốn tháng sống chung một nhà, tình cảm mẹ con thực sự khăng khít như người trong gia đình, không còn khoảng cách hay ngại ngùng. Mỗi khi trống lịch học, có thời gian là các con lại về nhà phụ mẹ làm bếp. Con trai phụ làm thịt gà, con gái học cuốn chả giò. “Nhà lúc nào cũng rộn tiếng cười nói. Tôi muốn nấu món ăn Việt Nam thật ngon để giới thiệu cho các con cùng biết, trải nghiệm đời sống sinh hoạt hằng ngày của các gia đình Việt. Bữa cơm nào tôi cũng nấu nhiều thêm một chút để con có thể mang về ký túc xá cho bạn bè cùng thưởng thức”.

Trong gia đình có sự kiện gì chị Hằng cũng đều tạo điều kiện cho các con cùng tham gia. Vài tuần trước, đại gia đình họ đã có một chuyến nghỉ mát cùng nhau tại Vũng Tàu. Trước đó, chị Hằng cũng đưa các con đi ăn đám cưới người quen, tạo điều kiện để các con tham gia các hoạt động tại địa phương như ra quân dọn dẹp vệ sinh đường phố, thi nấu ăn nhân ngày Gia đình Việt Nam… để các con lưu giữ những kỷ niệm đẹp. 

Tạo mọi điều kiện để các con học tập và trải nghiệm 

Trong năm 2022, có 51 sinh viên Lào, Campuchia đang sống cùng 34 gia đình Việt Nam tại TPHCM. Tháng 5/2022, có 29 sinh viên Lào, Campuchia và đại diện 30 gia đình tham gia chương trình “Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại TPHCM” đã có cuộc giao lưu với nhau và giao lưu với các cán bộ Hội Phụ nữ. Gặp lại Sipaseuth Keo sau một tuần vắng mặt, bà Lê Thị Thu (P.8, Q.5) hỏi dồn: “Tuần rồi mẹ chờ miết mà không thấy con về?”. Sau khi nghe Sipaseuth Keo giải thích rằng cô vướng nhiều hoạt động ở trường, bà Thu dặn: “Cuối tuần này, mẹ phải vào bệnh viện chăm người thân, sẽ gởi chìa khóa nhà cho Hội Phụ nữ…”. Bà Thu nói, bà nghiêm khắc với Sipaseuth Keo như con cháu của mình, làm gì không đúng, bà không ngại la rầy và giải thích để bạn hiểu.

Không tham gia cùng hai con trong chuyến giao lưu vì có việc gia đình đột xuất, chị Nguyễn Thị Nguyệt Tú (P.14, Q.5) tiếc nuối vì bỏ lỡ những tiết mục múa hát do Tounie Soukhavong biểu diễn. “Tounie hát hay, múa giỏi, lúc nào cũng nhí nhảnh, xinh tươi, còn Oulayvanh thì hiền dịu hơn” - chị tự hào nhận xét về hai cô con gái nuôi.

Chị Nguyệt Tú cho biết, chị đã quá quen thuộc với du học sinh Lào, Campuchia nhờ tham gia chương trình “Tàu Thanh niên Đông Nam Á” từ nhiều năm trước. Sau những chuyến đi đó, các bạn vẫn nhớ gia đình mẹ nuôi, thỉnh thoảng lại rủ nhau sang chơi khiến chị cảm thấy rất đỗi gần gũi. Rồi như một điều thân quen, mỗi năm, khi chương trình “Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại TPHCM” được tổ chức, chị lại đăng ký tham gia. “Cũng may là nhà rộng, có phòng riêng nên tôi mới mạnh dạn đón các con về và chăm lo như con của mình” - chị tâm sự.

Những ngày Tounie và Oulayvanh mới về, chị Tú đã cùng với Hội LHPN P.14, Q.5 đưa các con đi thăm các di tích lịch sử tại Q.5, Nhà tưởng niệm Bác Hồ, chùa chiền, lăng mộ, để hiểu thêm về đặc trưng văn hóa ở Q.5 - nơi có rất đông người Hoa sinh sống. Buổi tối, chị bày biện nấu ăn để các con có cơ hội giao lưu văn hóa ẩm thực. Không chỉ biết đổ bánh xèo, làm gỏi cuốn, chả giò, Tounie và Oulayvanh còn trổ tài nấu những món ăn Lào cho mọi người cùng thưởng thức.

Từ chương trình, các bạn sinh viên Lào, Campuchia đã có thêm một “gia đình” thực sự tại Việt Nam, góp phần gắn kết tình cảm, hỗ trợ đời sống vật chất, tinh thần trong thời gian học tập. Các bạn cũng sẽ có điều kiện học thêm tiếng Việt, tìm hiểu về đất nước, con người, văn hóa, lịch sử, truyền thống và mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - Lào - Campuchia. 

Nhiều chương trình hợp tác bền chặt

Từ 25 - 30/8, đoàn đại biểu phụ nữ thủ đô Viêng Chăn và tỉnh Champasak (Lào) đã có chuyến công tác tại TPHCM.

Trong chuyến công tác lần này, Hội LHPN TPHCM tổ chức cho đoàn đi thăm gia đình Việt nhận nuôi sinh viên Lào, tham quan mô hình sản xuất của doanh nghiệp Việt, tham quan xe buýt trên sông, tham quan thành phố biển Vũng Tàu, ký kết thỏa thuận hợp tác với Hội LHPN thủ đô Viêng Chăn và tỉnh Champasak giai đoạn 2022-2026, tham dự chương trình triển lãm ảnh “Việt Nam - Lào thắm tình đoàn kết hữu nghị”, ra mắt Chi hội hữu nghị Việt Nam - Lào Nhà văn hóa Phụ nữ TPHCM. 

Lãnh đạo TP.HCM chào mừng đoàn đại biểu các địa phương Lào

Lãnh đạo TPHCM chào mừng đoàn đại biểu các địa phương Lào

5 năm qua hợp tác giữa Hội LHPN TPHCM với Hội LHPN thủ đô Viêng Chăn và Hội LHPN tỉnh Champasak đã có nhiều hoạt động thiết thực như: luân phiên tổ chức các đoàn qua lại, trao đổi những hoạt động trọng tâm; gặp gỡ và trao đổi về hoạt động của nữ doanh nhân; tham quan mô hình làm kinh tế của phụ nữ… 

Ngoài ra, Hội LHPN TPHCM cũng đã hỗ trợ phụ nữ thủ đô Viêng Chăn qua các hoạt động như: trao tặng máy tính, hỗ trợ học bổng cho con hội viên, phụ nữ; dạy nghề cho hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức 5 khóa đào tạo trang điểm, chải bới tóc, trang trí và tạo mẫu móng, cắt may vest nam và nữ nâng cao cho giáo viên nguồn.

Tại tỉnh Champasak, Hội LHPN TPHCM đã vận động kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà lưu trú của trung tâm dạy nghề, tặng máy tính - máy in cho trung tâm dạy nghề; tổ chức 2 khóa đào tạo cắt may vest nam và nữ; cắt, uốn và nhuộm tóc, tặng dụng cụ học nghề cho học viên. Tổng kinh phí mà Hội LHPN TPHCM đã vận động để thực hiện chương trình hợp tác với phía bạn Lào là hơn 3 tỷ đồng.


Thiên Ân - Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI