Gặp 2 “nữ tướng” đất võ tạo ra thuốc chữa ung thư đầu tiên của Việt Nam

08/03/2022 - 06:53

PNO - Đó cũng là cột mốc đánh dấu bước ngoặt của ngành dược Việt Nam khi lần đầu tiên tự chủ sản xuất được thuốc điều trị ung thư, có giá thấp hơn nhiều lần so với thuốc nhập khẩu.

Đúng ngày 8/3 của 12 năm trước, đề tài nghiên cứu về thuốc điều trị ung thư đầu tiên của Việt Nam, “Nghiên cứu sản xuất thuốc tiêm đông khô Carboplatin dùng điều trị ung thư”, của tập thể dược sĩ, kỹ sư Bidiphar đã được bảo vệ thành công. 

Đó cũng là cột mốc đánh dấu bước ngoặt của ngành dược Việt Nam khi lần đầu tiên tự chủ sản xuất được thuốc điều trị ung thư, với giá thấp hơn nhiều lần so với thuốc nhập khẩu. Thạc sĩ Bành Thị Ngọc Quỳnh, chủ nhiệm đề tài, đã được tặng giải thưởng KOVA về khoa học công nghệ ứng dụng lần thứ 12. Theo đánh giá của Ủy ban Giải thưởng KOVA, đề tài này đã được 25 bệnh viện trung ương, địa phương sử dụng điều trị cho bệnh nhân đạt hiệu quả rất tốt, có ý nghĩa lớn lao đối với người bệnh ung thư. 

Nhân ngày 8/3, cùng gặp gỡ 2 nhà khoa học nữ của dự án khoa học đó - chị Bành Thị Ngọc Quỳnh và Phạm Thị Thanh Hương - về hành trình tạo ra những liều thuốc ung thư đầu tiên tại Việt Nam.

Phóng viên: Trước 2008, với nhiều người, thuốc điều trị ung thư “mane in Vietnam” có lẽ chỉ là điều vọng tưởng… 

Bà Bành Thị Ngọc Quỳnh
Chị Bành Thị Ngọc Quỳnh

- Chị Bành Thị Ngọc Quỳnh: Trước 2008, thuốc điều trị ung thư ở Việt Nam phải nhập ngoại 100%, chi phí cho một lần điều trị có khi lên đến hàng trăm triệu đồng. Chứng kiến không ít những bệnh nhân ung thư đáng lẽ có thể chữa được nhưng vì không đủ tiền mua thuốc mà đành buông xuôi số phận, anh Nguyễn Văn Quá  - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc lúc ấy - cùng tập thể chúng tôi tự nhủ “mình phải làm thuốc ung thư thôi”.

Từ định hướng đó mà chúng tôi bắt tay vào tìm hiểu và chuẩn bị, đăng ký với Bộ Khoa học và Công nghệ để bắt đầu chinh phục đề tài “Nghiên cứu sản xuất thuốc tiêm đông khô Carboplatin dùng điều trị ung thư”. Tôi được giao làm chủ nhiệm đề tài đó. 

- Chị Phạm Thị Thanh Hương: Tỷ lệ mắc bệnh ung thư ở Việt Nam đang ngày càng cao nên nhu cầu thuốc điều trị ung thư ngày càng trở nên cấp thiết. Thời điểm đó, tại Việt Nam không có công ty nào làm, vì việc bào chế thuốc ung thư còn quá lạ và tốn nhiều nguồn lực. Nhưng chính vì thế chúng tôi lại càng quyết tâm làm. 

Bà Phạm Thị Thanh Hương
Chị Phạm Thị Thanh Hương

* Nhưng từ nung nấu ý định đến bắt tay thực hiện đôi khi là khoảng cách rất dài, nhất là đối với những điều thuộc về phạm trù “lần đầu tiên”. Các chị đã vượt qua như thế nào?

- Chị Bành Thị Ngọc Quỳnh: Thật khó để nói về sự khởi đầu này, vì nó hoàn toàn mới mẻ với chúng tôi. Chúng tôi lựa chọn nghiên cứu thuốc carboplatin vì đây là loại thuốc rất phổ biến, chỉ định điều trị cho rất nhiều loại ung thư tại Việt Nam. 

Khó khăn lớn nhất nằm ở chỗ: Thuốc điều trị ung thư sử dụng để hóa trị liệu là thuốc gây độc lên tế bào, hủy hoại tế bào, nên chỉ cần bị dính vào một chút thôi cũng ảnh hưởng không nhỏ đến cơ thể. Để sản xuất được thuốc này cần có công nghệ phân lập cách ly (isolator) giữ an toàn cho người nghiên cứu, đồng thời đảm bảo độ vô khuẩn của quá trình bào chế. Bào chế thuốc điều trị ung thư là làm việc trong môi trường độc hại. Lúc mới bắt đầu làm, tôi và các đồng nghiệp mỗi khi rời khỏi phòng thí nghiệm cũng phải khử trùng, rửa tay rất nhiều lần mới dám bước về nhà. Mặc dù các thiết bị bảo vệ rất đảm bảo, nhưng chúng tôi ít nhiều cũng có tâm lý lo sợ.

Chưa kể, đội ngũ nghiên cứu cũng hoàn toàn chưa có kinh nghiệm làm việc với thiết bị isolator này, giữa việc thao tác trực tiếp bằng tay với việc thao tác qua thiết bị thì khó làm hơn nhiều. Chúng tôi cần làm ra thuốc có các tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương với biệt dược gốc, mặc dù hãng đã công bố về các hóa chất, tiêu chuẩn để sản xuất ra biệt dược gốc, nhưng kỹ thuật bào chế, cũng như nguồn hóa chất, nguồn tá dược thì không bên nào công bố. Chúng tôi phải thử qua nhiều nguồn cung cấp, nhiều kỹ thuật khác nhau cho đến khi ra được thuốc có tiêu chuẩn tương đương như biệt dược gốc. 

- Chị Phạm Thị Thanh Hương: Có lẽ thuận lợi nhất của chúng tôi là vì đây là đề tài về thuốc điều trị ung thư đầu tiên nên nhận được sự ủng hộ rất lớn từ Bộ Khoa học và Công nghệ. Nhưng thật ra khi ấy quy trình, thiết bị, hóa chất cho nghiên cứu này hầu như không có tại Việt Nam và chúng tôi phải nhập khẩu hoàn toàn. Dẫu vậy, ngay cả việc chọn loại nào để nhập cũng không phải đơn giản vì mình chưa làm bao giờ. 

Trước đó, đội ngũ nghiên cứu chúng tôi cũng đi tham quan, học tập tại một số nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư trên thế giới, tuy nhiên không dễ dàng gì để các đơn vị khác chia sẻ cách làm cho mình, bởi đó là bí quyết công nghệ riêng của họ. Nên đội nghiên cứu phải tự mày mò nhiều, từ việc lựa chọn máy móc nào, hóa chất ra sao để đáp ứng được yêu cầu của nghiên cứu, sản xuất. Chọn được thiết bị rồi thì phải đào tạo cho đội ngũ cách thao tác và sử dụng sao cho vừa đúng, vừa an toàn.

* Sau 2 năm ròng rã, đề tài nghiên cứu thành công, cảm xúc của các chị khi ấy chắc rất khó tả?

- Chị Bành Thị Ngọc Quỳnh: Tôi còn nhớ ngày tôi bảo vệ đề tài trước hội đồng khoa học là đúng vào 8/3/2010, khi ấy thầy chủ tịch hội đồng còn cười bảo: “Hôm nay ngày quốc tế phụ nữ, chủ nhiệm đề tài lại là phụ nữ, thế này mà không thành công sao được”. Trong tất cả những ngày 8/3 thì có lẽ ngày 8/3 năm ấy là ngày quốc tế phụ nữ đáng nhớ nhất với tôi.

Và thuốc ung thư "made in Vietnam" đã ra đời với chất lượng tương đương với thuốc nhập ngoại mà giá thành thấp hơn từ 40 - 70%. Có những loại thuốc giá thậm chí chỉ bằng 1/10 so với biệt dược gốc!

- Chị Phạm Thị Thanh Hương: Chứng kiến những lọ thuốc đầu tiên đến được tay người bệnh với giá thành rẻ gấp nhiều lần so với thuốc gốc, chúng tôi cảm thấy những vất vả, mệt mỏi, lo lắng… của mình đã được đền đáp xứng đáng. Nói thật lòng là không thể có từ nào diễn tả được cảm xúc của chúng tôi lúc đó. Nó không chỉ là thành công của tập thể nghiên cứu mà lớn lao hơn, đó còn là thành công, niềm tự hào của ngành dược Việt Nam.

Từ thành công này, đơn vị chúng tôi tiếp tục được Nhà nước giao triển khai hàng loạt đề tài, dự án cấp quốc gia về thuốc điều trị ung thư với kinh phí lên đến 250 tỉ đồng - quy mô và kinh phí lớn nhất của Bộ Khoa học và Công nghệ cho hoạt động nghiên cứu sản xuất thuốc. 

* Là những nhà khoa học nữ, nhà quản lý nữ, các chị có lúc nào cảm thấy thiệt thòi hơn so với nam giới?

- Chị Bành Thị Ngọc Quỳnh: Ngày nay, người phụ nữ ngày càng nhiều trách nhiệm, vì không chỉ chăm lo con cái, gia đình, mà còn phải có công việc và sự nghiệp của riêng mình. Làm nghiên cứu khoa học thì việc cân đối giữa công việc và gia đình lại càng không dễ dàng vì có những khi chúng tôi không được rời phòng thí nghiệm để hoàn tất cho xong nghiên cứu, hay khi cần duy trì ca sản xuất để đảm bảo tiến độ đưa thuốc đến tay bệnh nhân. Nam giới thì dễ nhận được sự thông cảm hơn khi họ xao nhãng gia đình, nhưng phụ nữ thì dường như mặc định là phải chu toàn cả 2 vế. 

Vì vậy, hành trình nghiên cứu khoa học của tôi là cả sự cố gắng, đánh đổi bằng rất nhiều tâm huyết, tuổi trẻ và cả những phút giây bên gia đình. Những lúc như vậy, điều giúp chúng tôi vững tâm chính là nụ cười và niềm hạnh phúc của người bệnh.

* Có câu “Ai về Bình Định mà coi/Con gái Bình Định cầm roi đi quyền”, có phải phụ nữ Bình Định rất mạnh mẽ?

- Chị Phạm Thị Thanh Hương: Sinh ra và lớn lên trên vùng “đất võ trời văn” nên phụ nữ Bình Định đúng là khá cứng cỏi, nhưng chẳng riêng phụ nữ Bình Định, tôi thấy phụ nữ Việt Nam nói chung rất mạnh mẽ. Nhiều nhà quản lý là nữ giỏi lắm, họ cân bằng được giữa cái đầu lạnh và trái tim ấm, chu toàn trách nhiệm với xã hội lẫn gia đình.  

* Ngày 8/3, xin chúc cho hai chị sức khỏe, hạnh phúc và ngày càng thành công trên cả con đường khoa học.

Nguyên Vũ (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI