Điểm số quyết định thành bại tương lai?

Gánh nặng điểm số đè học sinh tức thở

07/05/2021 - 13:49

PNO - Đã bao giờ bạn nghe con phát biểu về điểm số, học hành thi cử? Lấy làm nhẹ nhõm bình thường, hay đấy là một gánh nặng mà con phải vượt qua?

LTS: Giữa mùa thi, một học trò lớp Tám phát biểu: “Con ước một ngày, giáo viên không dùng điểm số để đánh giá học sinh nữa, như các em tiểu học đó. Vì điểm số sẽ không quyết định được thành bại trong tương lai”. Điều ước này đang được không ít học sinh và phụ huynh ủng hộ. 
Vậy, nên nhìn nhận vấn đề này thế nào? 

Khi đọc điều ước của em học sinh trên, một ông bố tức giận: “Chỉ có đứa lười biếng mới ngụy biện như thế! Nếu học hành không đo bởi điểm số hay xếp hạng, thì chẳng lẽ lại cào bằng, muốn hay dở sao cũng được à?”.

Ông bố như trên, có khi chính là phụ huynh của một học sinh đang chán chuyện điểm số, nên mới có cảnh “bố ép, con ước” như thế.

Cảnh này khá phổ biến trong xã hội hiện nay. Tôi nhớ có lần về thăm cơ quan cũ, đồng nghiệp ân cần chào nhau rồi hỏi thăm: “Con em/chị học giỏi không?”. Tôi không rõ bao nhiêu bậc làm cha mẹ cảm thấy thoải mái khi trả lời câu hỏi ấy, riêng tôi thì không.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Giỏi hay dở, là tùy vào quan niệm, hay vào cái chuẩn mốc “xuất sắc, giỏi, tiên tiến, trung bình…” giấy trắng mực đen? Học sinh nghĩ gì về chuyện “không dùng điểm số để đánh giá”? Chắc hẳn đa phần chúng sẽ ủng hộ? Hay đâu đó vẫn có những cô bé cậu bé quen cố gắng làm hài lòng cha mẹ, chuyên chạy đua với người khác và với chính mình, không muốn từ bỏ con đường thành tích?

Vì đâu, mà con trẻ phải thốt lên đầy tâm tư như thế này? Việc học hành quá mỏi mệt chăng? Hay việc phải đạt được mức điểm số như mơ đã quàng lên đôi vai học trò một gánh nặng vô hình? Rõ ràng, khi bạn bè xung quanh điểm cao, mình lẹt đẹt làng nhàng thì coi không được.

Cha mẹ vì bảng điểm của con mà nở mặt nở mày hoặc tức giận thất vọng, là chuyện thật. Học chỉ vì điểm số đã là một thực trạng, và nạn nhân chính là con em chúng ta. Đôi khi điểm số ấy, phục vụ cho nhu cầu “thể hiện” cái tôi của cha mẹ là chính.

Phải công nhận rằng, một đứa trẻ độ cấp II lý luận “điểm số sẽ không quyết định được thành bại trong tương lai” là khá già dặn.

Tuổi của cha mẹ, khi trải nghiệm đã nhiều, được mất đã nếm qua, mới đủ tầm đủ sức để nhận ra, học hành bằng cấp chỉ là một phần, còn lại, là kỹ năng sống, là nhanh nhạy nắm bắt, là may mắn, là nhiều yếu tố khác nữa… mới khẳng định rõ vị thế của một người.

Không hiếm cảnh bạn bè trưởng thành gặp lại nhau, hỉ hả cười khi thấy cậu bạn chuyên “đội sổ” năm xưa nay đã thành đại gia và những ngôi sao toán học, văn học thì vất vả bươn chải.

Ngoài ra, vẫn còn kha khá vị “phụ huynh cá biệt”, lại muốn con cứ… thoải mái học dở. Cực đoan kiểu “điểm càng thấp càng tốt” cũng có. Còn lại, đa phần muốn rằng, con đạt mức trung bình, lên lớp là được, chẳng cần ganh đua, chứng tỏ với ai.

Đừng để tuổi thơ của chúng quá “khốc liệt” vất vả vì chuyện học. Mai này ra đời, bao nhiêu khổ nhọc, tại sao khi còn ngồi trên ghế nhà trường lại phải đối diện với áp lực. Mình trải qua rồi nên thấu hiểu…

Người làm cha mẹ liệu có đủ can đảm để hồn nhiên bất kể con thế nào không, hay vẫn cứ vì cái gọi là “thể diện” mà mắng mỏ, ép con học thêm, bắt con luyện thi vô trường chuyên trường điểm trường “top”, bất kể khả năng nguyện vọng của con, bất kể năm tháng ấu thơ vùn vụt không bao giờ quay lại?

Đã từng có lần nào, bạn thử lắng nghe xem, con mình phát biểu thế nào về điểm số, học hành thi cử? Lấy làm nhẹ nhõm bình thường, hay đấy là một cái ách nặng nề mà con phải tất tả vượt qua?

Hãy để con trẻ sống thật với khả năng của chúng, với độ tuổi của chúng, với sở thích khát vọng của chúng. Đừng xem điểm số là “cái cân” đánh giá toàn bộ một cô cậu học trò. Đấy là cách để xếp hạng việc “học chữ” mà thôi.

Ngoài học vấn đơn thuần, còn cần mở mang kiến thức văn hóa xã hội, bồi dưỡng năng khiếu, phát triển thực lực… Và thong thả vui chơi cũng là điều không thể bỏ quên trong thời niên thiếu của con em mình.

Nguyễn Hải Yến

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI