Gần 100 tác phẩm và 30 năm đi tìm bản ngã của họa sĩ Bùi Tiến Tuấn

22/02/2025 - 20:20

PNO - Hiếm có họa sĩ nào tổ chức trưng bày tranh đồng thời tại 2 địa điểm, trên cùng 1 thành phố như Bùi Tiến Tuấn. Ở cột mốc 30 năm theo đuổi hội họa, có lẽ, sự độc lạ này cũng thể hiện nhiều điều.

Hoạ sĩ Bùi Tiến Tuấn
Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn có hành trình 30 năm thử sức ở nhiều thể loại, chất liệu hội họa khác nhau

Triển lãm Bùi Tiến Tuấn - Một hành trình chính thức khai mạc từ 22/2, tại 2 địa điểm ở TPHCM. 1 địa điểm vào cửa tự do và địa điểm còn lại cần đăng ký trước để được vào xem.

Với những người mến mộ tranh của Bùi Tiến Tuấn, cuộc triển lãm lần này là cơ hội quý để được nhìn ngắm về một hành trình hội họa của anh. Ở đó, Bùi Tiến Tuấn đã không ngừng “lột xác” để có được vị thế như ngày hôm nay.

Tự giới thiệu về triển lãm, Bùi Tiến Tuấn nói ngoài Tuấn của “tân mỹ nhân” trên lụa như nhiều người đã biết, khi đến triển lãm, công chúng sẽ thấy thêm Tuấn của thời kỳ hậu sinh viên với những trăn trở về hiện thực thị thành, suy tư trên chất liệu giấy dó hay mê đắm với những bức acrylic khổ lớn...

“Nghĩa là công chúng sẽ được nhìn thấy 1 bức tranh rộng lớn hơn, nhiều mảng ghép hơn, toàn cảnh hơn về hành trình sáng tạo của Tuấn” - lời chia sẻ từ họa sĩ.

Không gian triển lãm Bùi Tiến Tuấn - Một hành trình tại (Nhà trưng bày triển lãm thành phố, số 92 Lê Thánh Tôn, quận 1
Không gian triển lãm Bùi Tiến Tuấn - Một hành trình tại Nhà trưng bày triển lãm thành phố, số 92 Lê Thánh Tôn, quận 1

Bùi Tiến Tuấn - Một hành trình là triển lãm cá nhân thứ 12 trong sự nghiệp. Với số lượng này, Bùi Tiến Tuấn không còn xa lạ với thị trường, nhưng về mặt cá nhân, nam họa sĩ nhận mình đã có một vài thay đổi nhỏ, nhất là sống chậm rãi hơn, chiêm nghiệm đời sống nhiều hơn. Một trong những nguyên cớ tạo ra những thay đổi này là trận đại dịch COVID-19, cột mốc để con người biết trân trọng hơn những gì mình đang có.

Một số tác phẩm tại triển lãm
Một số tác phẩm tại triển lãm

Trong làng hội họa Việt Nam, Bùi Tiến Tuấn cùng một số ít họa sĩ được xem là có công giúp hồi sinh và canh tân tranh lụa Việt Nam. Thời gian trước đó, tranh lụa như bị thoái trào vì nhiều quan niệm còn cũ kỹ. Dòng tranh này cũng bị xem nhẹ trong đào tạo và chính ngoài thị trường, không có cá nhân nổi bật đủ sức gây chú ý. Với lụa, Bùi Tiến Tuấn nổi tiếng khi thể hiện vẻ đẹp của nữ giới với góc nhìn rất riêng.

Chia sẻ về nội dung này, nhà nghiên cứu Lý Đợi cho biết: “Phụ nữ trong tranh Bùi Tiến Tuấn thường không có dấu vết của nông thôn và nông nghiệp, mà thường là dân thị thành, chuộng thời trang, đôi khi hơi phù phiếm, thụ hưởng. Họ yêu mến và đề cao bản thân, tự lập trong suy nghĩ và hành vi của mình. Vì tự lập nên nỗi niềm, sự hân hoan, thậm chí sự cô đơn của họ cũng rất khác với những người phụ nữ lao động, tảo tần vì cuộc sống. Vì vậy mà bảng màu tranh lụa Bùi Tiến Tuấn cũng khác, thời trang hơn, tân kỳ hơn, tạo được sự phá cách”.

Bức Tuổi mộng mơ
Bức Tuổi mộng mơ được họa sĩ hoàn thiện năm 2024 trên chất liệu lụa

Theo nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn, có một đô thị ẩn giấu trong tranh của Bùi Tiến Tuấn, một đô thị mà ta không nhìn thấy nhà cửa hay ánh đèn, nhưng lại cảm nhận được nhịp sống của nó qua từng nhân vật. Phụ nữ trong tranh của anh là hiện thân của đô thị ấy. Họ vừa đẹp đẽ, quyến rũ, lại vừa mang một chút gì đó xa cách và mơ hồ.

“Không còn là những dáng hình e ấp, khép nép, phụ nữ trong tranh anh xuất hiện với sự tự tin, những ánh nhìn xa xăm nhưng đầy kiểm soát, và rất nhiều tư thế gợi cảm nhưng không dung tục. Họ tô son, họ kẻ lại mi mắt, họ chìm trong những khoảnh khắc rất riêng tư nhưng lại để cho người xem một cảm giác như đang đứng ngoài khung cửa sổ, dõi theo một bí mật nào đó” - anh nói thêm.

Triển lãm Bùi Tiến Tuấn - Một hành trình kéo dài từ nay đến hết ngày 9/3 tại 92 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1 và 106 Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, TP Thủ Đức.

Người xem tại triển lãm
Người xem bị thu hút trước những bức tranh lụa khổ lớn tại triển lãm

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI