Game online - bi kịch tiếp nối bi kịch

03/07/2014 - 15:00

PNO - PN - Mới đây, tờ Techinasia đưa tin: nghiện game online (trò chơi trực tuyến) khiến 100 triệu người Trung Quốc (TQ) bị tổn thương não. Game online không phải là vấn đề mới nhưng hệ lụy liên quan đến hiện tượng này thì không thể...

edf40wrjww2tblPage:Content

Game online - bi kich tiep noi bi kich

Một thanh niên phải nhập viện sau ba ngày chơi game liên tục ở một tiệm game tại Bắc Kinh - Ảnh: AP

Mới đây, dư luận TQ xôn xao trước cái chết của nữ học viên Guo Lingling (19 tuổi) ở trung tâm cai nghiện game có tên là Trung tâm Huấn luyện cuộc sống mới Trịnh Châu, thuộc tỉnh Hà Nam, TQ. Sự việc xảy ra hồi giữa tháng Sáu, hiện trung tâm tạm đóng cửa để chờ điều tra. Kết quả giám nghiệm tử thi kết luận: Lingling bị chấn thương hộp sọ và não, dẫn đến tử vong. Theo điều tra ban đầu, các huấn luyện viên và giám thị đã đấm, đá mạnh vào người Lingling chỉ vì cô vào nhà vệ sinh mà không xin phép.

Trên trang web của mình, trung tâm này cam kết: “Mục tiêu của chúng tôi là đón nhận, tôn trọng và chăm sóc những bạn trẻ đã sai lầm, giúp các em vui vẻ, khỏe mạnh, nhanh nhạy và cởi mở, giúp gia đình các em tìm lại hạnh phúc và hài hòa”. Các bạn học của Lingling lại kể một câu chuyện khác: “Hàng ngày, chúng em luôn lo sợ mình phạm lỗi. Không xếp chăn mền gọn gàng, nhìn các thầy với ánh mắt mà các thầy cho là thiếu tôn trọng sẽ bị phạt hít đất. Chúng em không được tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Muốn gửi thư cho gia đình phải đưa các thầy xem trước”. Khi mẹ của Lingling đến trường nhận đồ dùng của con mình, các học viên đã viết giấy rồi xếp thành máy bay giấy để ném về phía bà, trong đó có ghi số điện thoại của gia đình các em, năn nỉ bà báo hộ với gia đình để đưa các em ra khỏi nơi này.

Từ khi tình trạng nghiện game được nhắc đến như một vấn nạn ở TQ vào năm 2008, các trung tâm thế này bắt đầu xuất hiện. Phụ huynh tự nguyện gửi con mình đến đây và chấp nhận mọi biện pháp của trung tâm mà họ không biết nó có thể sai phương pháp hoàn toàn. Huấn luyện viên và giám thị được tuyển vào đây phần lớn từng phục vụ trong quân ngũ. Cái chết của Lingling không phải là bi kịch đầu tiên trong những trung tâm có cách huấn luyện theo phong cách quân đội, nghiêm ngặt và vô cùng khắt khe.

Theo tờ tin Legal Evening của TQ thì vài năm gần đây, đã có ít nhất 12 học viên bị đối xử thô bạo ở những trung tâm tương tự, bảy học viên trong số đó đã thiệt mạng. Năm 2009, Bộ Y tế TQ phải ra quyết định cấm một bệnh viện ở tỉnh Quảng Đông dùng phương pháp gây sốc điện với những người trẻ nghiện game. Tính đến thời điểm đó, bệnh viện này đã áp dụng cách trên với 3.000 người.

Giết người thân, ăn cắp tiền để chơi game, những bi kịch do nghiện game online vô độ đang hủy hoại giới trẻ TQ. Một mặt, các cơ quan quản lý TQ nói rằng họ đã yêu cầu các nhà phát triển game luôn phải có hệ thống chống nghiện nhằm bảo vệ người chơi, nhưng điều này không có tác dụng. Mặt khác, họ nhắm mắt làm ngơ trước thực trạng vô số game TQ không được đầu tư nghiêm túc, là sản phẩm nhái kém chất lượng từ các thị trường game phát triển, mục đích là bảo hộ thị trường trong nước. Đây lại chính là những game giá rẻ, dễ sinh lời nhưng hủy hoại bộ não người chơi vì chất lượng quá kém.

Bố của Fu Xiaokai, một học viên của trung tâm Trịnh Châu cho biết, ông sẽ tìm trung tâm mới cho con trai mình. Ngay sau khi trung tâm ở Trịnh Châu đóng cửa, cậu bé đã quay trở lại ngay với game online trước sự bất lực của bố mẹ. Bi kịch game online ở TQ có lẽ chưa có hồi kết…

THIÊN NHƯ (Theo Legal Evening, Quartz)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI