“Dương liễu” níu giữ hồn quê

31/12/2020 - 07:18

PNO - Đêm giao mùa, rặng dương liễu vi vu với cái gió hiu hắt từ khơi xa. Vở chòi luyến láy âm vực xứ sở trong tiếng sóng rì rầm.

Đó là một sân khấu tạm dựng bên bờ biển, vang lên mấy giai điệu rặt Quảng Ngãi. Diễn viên là những người đàn bà làng chài gió sương, tình tứ. Ở dưới, khán giả là người cùng làng, những gương mặt quen thuộc như đã đứng đó hàng thập niên vẫn ngước lên theo dõi từng điệu bộ của “diễn viên hàng xóm”…

Đêm xuân vang điệu bài chòi

Tuổi đã xế chiều, nhưng những phụ nữ ở xóm Cỏ, làng Long Thạnh 2, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, vẫn ngân nga làn điệu bài chòi làm say đắm lòng người. Họ như được sống lại tuổi thanh xuân khi kể chuyện hơn 30 năm trước.

Biểu diễn bài chòi tại buổi ra mắt thành lập Hội Bài chòi, hát hố Gò Cỏ, Phổ Thạnh
Biểu diễn bài chòi tại buổi ra mắt thành lập Hội Bài chòi, hát hố Gò Cỏ, Phổ Thạnh

Thuở ấy, dẫu cuộc sống bộn bề khốn khó nhưng xóm làng yên vui. Ngày, điệu bài chòi, hát hố bay trên núi đồi hay ruộng đồng giữa buổi lao động mệt nhọc. Đêm, cũng điệu hát đó, trầm ngâm bên ngọn đèn dầu, dưới mái nhà, mời gọi khách khứa. Những câu hát nhắc nhở cháu con “… Ngó lên núi đá vẫn còn/ Tình sâu nghĩa nặng cho con ghi lòng/ Con ơi hãy nhớ lời ông/ Ông cha ngã xuống con ngược dòng bơi lên/ Bây giờ núi đá vững bền/ Làng xưa, xóm Cỏ cũng vươn lên với đời…” được lưu truyền qua bao thế hệ.

“Ông bà hồi xưa hát bài chòi rồi truyền lại cho cháu con, hát miết thành quen. Nội dung lời ca chủ yếu diễn tả cảnh làng quê, làm nông hay đi biển, khuyên mọi người sống phải biết yêu thương nhau. Không chỉ bài chòi, dân trong xóm cùng những người ở xa đến hát hố chung vui…” - bà Huỳnh Thị Thương cho biết.

Tầm tháng Chín âm lịch đến cuối tháng Chạp, nhiều người dân xóm Cỏ tụ họp luyện tập bài chòi, hát hố… để biểu diễn văn nghệ vào dịp đầu xuân. Làng xóm rộn ràng trong đêm tối mịt mờ. Đón năm mới, mọi người dâng nén hương thơm lên bàn thờ tổ tiên, sang thăm hỏi bà con láng giềng rồi cùng nhau dựng sân khấu để biểu diễn văn nghệ trên bãi biển lộng gió.

Người lớn tuổi hồ hởi hạ cây xanh rồi dựng cột trên cát vàng. Phụ nữ cắt lá dừa, chặt nhánh ngâu xanh mướt tô điểm sàn diễn lộng lẫy, trẻ thơ trầm trồ khen ngợi. Đêm xuân, những chiếc đèn dầu treo trên cột quanh sân khấu tỏa ánh sáng vàng xua đi tăm tối. Rặng dương liễu vi vu như lời tự tình với gió từ khơi xa thổi vào bờ. Điệu bài chòi ngân nga hòa cùng sóng rì rầm vỗ vào bờ cát. Bao người hướng mắt về sân khấu đắm say cùng lời ca lẫn trong tiếng nhạc. Những câu hát hố với lối đối đáp dí dỏm khiến khán giả cười ngả nghiêng, vỗ tay tán thưởng. Họ mời nhau miếng bánh mứt đậm đà hương vị làng quê.

“Hồi đó chúng tôi diễn đến ba đêm liền, dân làng và người ở nơi khác đến xem rất đông. Dàn nhạc lúc trước xập xèng chứ không hay như bây giờ, nhưng bà con xem rồi vỗ tay vang dậy. Nhiều người mong đến tối để ôm chiếu trải ra bãi biển ngồi xem, vui lắm. Tiền bà con ủng hộ trả cho chủ dàn nhạc, còn ít nhiều lo chuyện xóm làng, chứ chúng tôi không lấy công cán gì cả…” - bà Bùi Thị Vân hồi tưởng.

“Nghệ sĩ” chân quê

Thuở lên mười, bà Thương được mẹ truyền dạy những câu hát bài chòi. Tiếng hát gieo vào lòng con trẻ niềm say mê làn điệu dân ca, bày tỏ nỗi lòng của những người dân quê chân chất. Giọng ca thơ bé của bà ngày ấy ru em chìm vào giấc ngủ trên cánh võng đung đưa. Khói lửa chiến tranh ngăn bà đến với con chữ bởi “chỉ vài bữa đến trường thì phải ở nhà, trốn dưới hầm vì bom đạn nổ tơi bời”. Người chú thương tình cầm tay cháu viết chữ nguệch ngoạc trên nền đất nâu lẫn cát vàng. Rồi, con chữ nhạt nhòa theo năm tháng khi người chú đi xa.

Biểu diễn bài chòi phục vụ du khách tham quan
Biểu diễn bài chòi phục vụ du khách tham quan

“Thời ấy khổ sở lắm, thường phải chui rúc dưới hầm chứ đâu được đi đứng hiên ngang như bây giờ. Nhiều người phải chuyển đến nơi khác sinh sống và cho con cháu đi học…”- bà nhớ lại. 

Khi trở thành thiếu nữ, bà được tiếp thêm “lửa” bài chòi bởi các cô, chú nghệ sĩ Đoàn Văn công liên khu 5 về xóm Cỏ biểu diễn. Giọng ca của bà ngày càng trong trẻo tựa chim sơn ca hót giữa trời xanh thẳm. Bà tập tành sáng tác, cải biên lời ca cho hợp với nếp sống nơi xóm làng. Ngặt nỗi, do không biết chữ nên bà gắng ghi nhớ ca từ rồi nhờ người khác chép hộ để lưu giữ, truyền lại cho cháu con. Bởi say mê bài chòi nên bà mày mò học chữ trước sự ngạc nhiên của bao người.

“Chị Thương viết chữ xấu nhưng sáng tác nhiều bài hay lắm. Có lẽ bài chòi thấm vào tim rồi chảy ra vậy mà…”- bà Bùi Thị Sen tâm sự. “Mỗi lần nghĩ ra được câu nào là tôi ghi vào tờ lịch nhỏ rồi mới nắn nót chép vào trong vở. Tôi hát trước rồi chị em hát sau, chứ chữ của tôi bác sĩ còn không đọc được nữa mà!” - bà Thương đùa. 

Giữ hồn quê

Xóm Cỏ chừng 80 căn nhà nằm bên sườn đồi, trong thung lũng nhỏ hẹp giữa những ngọn núi nhấp nhô. Bóng tà dương gác non đoài tạo nên khung cảnh lung linh, huyền ảo. Những con đường nhỏ lên cao - xuống thấp uốn lượn đẹp tựa tranh. Kè đá được xếp khéo léo giữ đất vườn khỏi sạt lở hiện diện tự thuở người Chăm Pa cư trú trên mảnh đất này. Những giếng cổ kè bằng đá nhuốm màu rêu phong bởi trăm năm mưa nắng.

Hơn 40 năm bài chòi, bà Bùi Thị Sen được mọi người tin tưởng cử giữ chức Chủ tịch Hội Bài chòi, hát hố, Gò Cỏ, Phổ Thạnh với 23 thành viên. Thi thoảng, các thành viên trong hội được mời biểu diễn bài chòi cho du khách đến tham quan, tìm hiểu văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chăm Pa nơi biển xanh cát vàng.

“Hội có ba thành viên nam, còn lại là phụ nữ và trẻ em, cả cụ bà 86 tuổi cũng tham gia. Chúng tôi mong muốn giữ gìn và giới thiệu làn điệu bài chòi với du khách xa gần. Tiền bồi dưỡng chẳng đáng là bao nhưng mọi người vui lắm…” - bà tâm sự.

 

Thiên tai, dịch họa bao lần gây đau thương, nhưng người dân nơi đây vẫn bám trụ trên đất đai tổ tiên. “Xóm Cỏ nằm cạnh điểm khai quật văn hóa Sa Huỳnh, là nơi cư trú của người Sa Huỳnh cổ hàng ngàn năm trước. Những bờ kè đá được sắp xếp khéo léo quanh vườn nhà có từ thời Chăm Pa…” - tiến sĩ khảo cổ học Đoàn Ngọc Khôi, Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi, khẳng định. 

Bao đời, cư dân nơi đây cần mẫn mưu sinh với ước mơ cuộc sống no ấm, xóm làng yên vui. Đàn ông lướt sóng ra khơi buông, kéo lưới trên chiếc ghe mỏng manh giữa muôn trùng sóng nước. Phụ nữ cuốc xới trên thửa ruộng nhỏ cạnh chân núi, vun trồng nơi gò đồi. Lời ca, nhịp phách làm vơi đi mỏi mệt sau những giờ lao động vất vả. Vậy nên họ luôn giữ gìn, trao truyền cho cháu con. Sớm chiều, bé thơ lảnh lót hát ca tựa chim non ríu rít đùa vui trong xuân mới.

“Hiện tôi đang truyền dạy bài chòi cho hai cháu nhỏ. Mới đầu các cháu thấy khó nên có vẻ nản lòng, nhưng tôi động viên rồi cũng hát được, giờ thích rồi thì thường hay hát. Giọng ca ngày càng tiến bộ, nhấn nhá nghe hay lắm…” - bà Thương cho biết.

Ở tuổi 63, bà Bùi Thị Vân vẫn nhớ như in ngày đầu tiên đến với bài chòi. Những lời ca dân dã cùng bà đi qua bao buồn vui trong đời. Nhịp phách hòa cùng tiếng ca trầm bổng góp vui cho xóm làng, khuyên “người với người sống để yêu nhau”. Với bà, bài chòi còn là sợi dây gắn kết những người thân trong gia đình khi phải cách xa vạn dặm.

“Đứa em sống ở nước ngoài gọi điện thoại về khóc nức nở khi xem trên mạng thấy tôi và chị em trong xóm hát bài chòi. Em rất muốn về thăm quê nhưng đi lại hết sức khó khăn, nhất là khi có dịch COVID-19. Vậy nên, bao năm qua chị em chúng tôi luôn tập luyện để hát thật hay và truyền dạy các cháu nhỏ tuổi…”- bà tâm sự.

Qua bao thăng trầm, bài chòi vẫn “nóng bỏng” trong tim những người phụ nữ chân quê. Lúc rảnh rỗi, họ ngân nga những lời ca mượt mà, gắn kết yêu thương cho đời thêm tươi đẹp. 

Minh Kỳ 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI