Những người trẻ viết tiếp tương lai ca trù

22/12/2020 - 12:18

PNO - Học khó, thời gian lâu dài, ít cơ hội biểu diễn, thu nhập thấp… là những khó khăn đối với bất cứ ai muốn theo đuổi bộ môn ca trù. Tuy nhiên, bất chấp những “chướng ngại vật” không hề nhỏ ấy, vẫn còn không ít người trẻ bền bỉ với nghề bằng sự chuyên tâm, nhiệt huyết.

Lửa nghề không tắt

Việc theo học ca trù đòi hỏi ở người theo nghề không chỉ có tài năng mà còn là sự kiên trì, nỗ lực không ngừng nghỉ. Dù những quy định đã bớt phần khắt khe so với ngày xưa, nhưng bộ môn đặc sắc này vẫn chỉ dung nạp những ai thực sự sống chết với nghề, với âm nhạc cổ truyền dân tộc.

Theo truyền thống, ca nương phải được đào tạo từ khi còn rất nhỏ (6-10 tuổi) để đảm bảo năng lực thẩm âm. Quá trình đào tạo cũng không kém phần gian nan, bởi đặc trưng ca trù yêu cầu phải dạy và học theo lối truyền khẩu từng câu một, chứ không thể tập theo bản ghi âm như những loại hình âm nhạc khác. Do đó, những giây phút thăng hoa trên sân khấu của ca nương được đánh đổi bằng hàng chục năm rèn luyện khắc nghiệt.

Bởi vậy, các ca nương dù còn trẻ vẫn có tuổi nghề ấn tượng. Ca nương Linh Hương (sinh năm 1996) và ca nương Huệ Phương (sinh năm 1999) đến từ giáo phường Thăng Long đã có xấp xỉ 15 năm gắn bó với nghề.

Xuất thân từ gia đình có truyền thống nghệ thuật, cả hai bén duyên với ca trù và theo đuổi con đường chuyên nghiệp từ khá sớm. Với họ, ca trù đã ăn sâu vào máu thịt, trở thành nguồn sống và niềm đam mê lớn lao, không thể thay thế.

Ca nương Linh Hương trong một sự kiện âm nhạc
Ca nương Linh Hương trong một sự kiện âm nhạc

Tiếp xúc với ca trù từ khi lên 5, gần như cả tuổi thơ của Huệ Phương là quá trình khám phá, bồi đắp tình yêu với môn nghệ thuật truyền thống này.

Ngày ấy, cô là một trong những học trò nhỏ tuổi nhất của nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc, trước khi cụ qua đời năm 2014 vì tuổi già sức yếu. Công cuộc “tầm sư học đạo” khá vất vả với một ca nương nhí lúc bấy giờ, nhưng lại đặt nền móng vững chắc cho sự nghiệp của cô những năm tháng về sau.

Bên cạnh đó, trên hành trình theo đuổi ca trù, Huệ Phương may mắn nhận được sự ủng hộ, khích lệ từ người thân và gia đình. Người trực tiếp đồng hành cùng cô là mẹ ( Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thị Huệ - đóa hoa nở muộn của ca trù).

Chính nghệ nhân Phạm Thị Huệ đã gieo vào cô những hạt mầm đầu tiên của tình yêu, sự gắn bó và say mê với bộ môn ca trù nói riêng và văn hóa truyền thống nói chung. Với nền tảng này, Huệ Phương có nhiều tiềm năng trở thành gương mặt sáng giá của thế hệ ca nương kế cận.

Ca nương Huệ Phương (ngoài cùng bên phải) gắn bó với ca trù từ nhỏ
Ca nương Huệ Phương (ngoài cùng bên phải) gắn bó với ca trù từ nhỏ

Giống như Huệ Phương, Linh Hương cũng bộc lộ năng khiếu âm nhạc từ rất sớm. Không chỉ học hát, gõ phách, cô còn chủ động học thêm các loại cổ cầm như đàn đáy, đàn tỳ bà,…để thỏa mãn đam mê với âm nhạc dân tộc. Linh Hương tâm sự, học ca trù đem đến cho cô cảm giác bình yên, lánh xa những bon chen, xô bồ của cuộc sống hiện đại.

Mặt khác, ca trù còn là con đường đưa cô về với nguồn cội, với những giá trị thẩm mỹ, văn hóa, nhân sinh của người Việt xưa. Theo Linh Hương, phần lời của các điệu khúc ca trù có tính thẩm mỹ rất cao nhờ mang đặc trưng thơ ca. Không chỉ có vậy, ca trù còn đúc kết những bài học triết lý sâu xa của tiền nhân.

Viện dẫn bài Chí nam nhi của Nguyễn Công Trứ, Linh Hương chia sẻ, đây là điệu khúc giúp cô nhận thức rõ hơn trách nhiệm cống hiến cho cuộc đời của mỗi cá nhân. Có thể nói rằng, chính những kết nối riêng tư ấy đã khiến nghệ nhân trẻ tuổi ngày càng yêu và gắn bó hơn với ca trù.

Viết tiếp tương lai ca trù

Trên cương vị người trong nghề, Linh Hương và Huệ Phương đều nhận thức được không ít khó khăn mà bộ môn của mình gặp phải.

Ca trù đã được UNESCO chính thức công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể cách đây hơn mười năm, nhưng làm sao để đảm bảo kinh tế, giúp nghệ nhân yên tâm cống hiến vẫn là một bài toán nan giải. Mặt khác, các nghệ nhân gạo cội không còn nhiều, khiến tinh thần nguyên bản của ca trù có nguy cơ mai một.

Tuy nhiên, theo hai ca nương, khó khăn lớn nhất là tìm được một chỗ đứng cho ca trù trong lòng khán giả Việt Nam, đặc biệt là khán giả trẻ.

Bấy lâu nay, ca trù vẫn được coi là âm nhạc hàn lâm bác học, khiến công chúng phần nào ngần ngại. Ngay cả khi so với những môn nghệ thuật truyền thống khác, như chèo, xẩm, cải lương,...ca trù cũng ít được biết đến, ít khán giả hơn, khiến đời sống sinh hoạt vẫn còn trầm lắng.

Linh Hương tâm sự, cô mong muốn những hình ảnh đẹp, thiện chí về ca trù sẽ xuất hiện nhiều hơn nữa trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Thế hệ kế cận đang giữ lửa cho ca trù (chính giữa: nghệ nhân Phạm Thị Huệ, bên phải: ca nương Linh Hương)
Thế hệ kế cận đang "giữ lửa" cho ca trù (chính giữa: nghệ nhân Phạm Thị Huệ, bên phải: ca nương Linh Hương)

Ca trù có thể trầm lắng nhưng chưa bao giờ biến mất trong đời sống đương đại. Nhiều nghệ sĩ tài năng, với tư duy âm nhạc hiện đại như ca nương Kiều Anh, nhạc sĩ Ngô Hồng Quang,...vẫn miệt mài thổi luồng gió mới vào ca trù, khiến ca trù dễ tiếp cận hơn với khán giả đại chúng.

Mặt khác, các hội nhóm, giáo phường ca trù trên cả nước đang không ngừng tìm kiếm và đào tạo tài năng trẻ - thế hệ kế cận sẽ tiếp tục "giữ lửa" cho ca trù. Ở đó, vẫn có không ít gương mặt triển vọng đã được phát hiện và trao cơ hội để tỏa sáng như Nguyễn Thị Thu Hà (sinh năm 2002), Nguyễn Thục Trinh (sinh năm 2008), Phạm Ngọc Bích (sinh năm 2012),...

Bài: Minh Trang

Ảnh: NVCC

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI