Đừng so rồi thấy thấp hơn chồng

08/01/2024 - 06:42

PNO - Quỳnh tuôn hết những ấm ức bấy lâu, rằng cô mệt rồi, không muốn sống trong mệt mỏi, căng thẳng như thế nữa. Từ nay cô chỉ lo 2 con, phần anh thì tự lo…

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Quỳnh là nhân viên bán hàng, học hết lớp Mười hai. Dũng - chồng Quỳnh - thì đã có bằng thạc sĩ. Ba mẹ Quỳnh nghèo, trong khi nhà Dũng có của ăn của để. Quỳnh mặc cảm khoảng cách giữa cô và chồng quá xa nên cố gắng hoàn thiện bản thân, chiều chuộng chồng.

Mọi việc trong nhà, từ quà biếu 2 bên nội ngoại, tới việc nấu nướng giặt giũ, dạy con học, đưa rước con… Quỳnh đều gánh vác để Dũng thấy cô đảm đang, chu toàn.

Quỳnh tự gắn cho mình nghĩa vụ phải hy sinh, choàng gánh mọi thứ để kê vào chỗ cô cảm thấy lệch so với Dũng. Nhưng điều đó lại khiến Dũng lười nhác, vô trách nhiệm. Quỳnh lo hết tiền chợ, điện nước, con cái học hành. Ban đầu, Dũng cảm động vì thái độ hiểu chuyện của vợ, nhưng lâu ngày, anh mặc nhiên xem đó là trách nhiệm của cô.

Con cái ngày càng lớn, chi phí càng nhiều. Quỳnh nhận thêm việc, làm thêm giờ. Cô cố co kéo, gánh đỡ đến mệt nhoài. Quỳnh sợ nếu mở miệng hỏi tiền chồng sẽ khiến anh xem thường, kiểu “tôi biết ngay mà, cô sẽ chẳng làm được gì”.

Quỳnh soi vào chồng rồi nghĩ bản thân kém cỏi nên cô phải cố gắng nhiều hơn. Cách cư xử đó đã dung dưỡng cho thói xấu của chồng, khiến anh trở nên vô tâm. Đành rằng Quỳnh có thể gánh vác mọi thứ, không cần chồng nhúng tay vào, nhưng đó là cách cô ngược đãi bản thân, tự đánh mất cơ hội được sống tốt hơn.

Mục đích ban đầu của hôn nhân là cùng nhau sẻ chia, cộng lực, cùng đóng góp cho mái nhà chung. Vợ chồng bình đẳng trong mọi nghĩa vụ và trách nhiệm. Một khi Dũng đã từ chối san sẻ thì vai trò người chồng, người cha cũng mờ nhạt dần.

Dũng lên chức trưởng phòng. Trong tiệc mừng, mọi người đều chúc mừng Quỳnh từ nay chỉ có sướng. Quỳnh cười mà lòng dạ héo hắt. Dũng giỏi giang, được nhiều người nể phục. Quỳnh càng lùi về phía sau, càng thấy thấp kém hơn chồng. Đó chỉ bởi vì cô đã tự dán nhãn xấu xí cho bản thân, không dám bước ra ánh sáng để sánh ngang với chồng.

Bạn bè tiếc cho Quỳnh không nhìn ra giá trị bản thân, rằng cô hoàn toàn có quyền tự hào về những gì đang có. Nhưng sự tự ti của Quỳnh khiến cô ngày càng trở nên xa chồng.

Mọi chuyện bùng nổ khi Quỳnh đề nghị chồng bỏ tiền làm lại sân và cổng rào khi đứa con lớn bị té vì sân trơn trượt do ngập nước mưa. Dũng hờ hững: “Em muốn làm gì thì làm”. Câu nói của Dũng khiến Quỳnh lạnh giá. Cô đã quá mệt mỏi với cách sống theo kiểu không nghe, không thấy, không biết của chồng.

Quỳnh bật lại: “Từ ngày cưới em, anh đóng góp gì cho gia đình? Nhìn khắp nhà xem, có mấy món đồ do anh mua, hay đều do em sắm sửa?”. Dũng sửng sốt nhìn Quỳnh. Anh yên lặng. Được đà, Quỳnh tuôn hết những ấm ức bấy lâu, rằng cô mệt rồi, không muốn sống trong mệt mỏi, căng thẳng như thế nữa. Từ nay cô chỉ lo 2 con, phần anh thì tự lo… Dũng đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác khi thấy Quỳnh “nổi loạn”.

Điều lạ là, từ ngày Quỳnh trở nên “hung dữ”, Dũng bỗng cả nể và có phần ngán vợ. Dường như anh đã nhận ra vợ không hề kém cỏi.

Từ chuyện Quỳnh và Dũng, chị em đừng nhầm tưởng giành hết việc nhà, tự chủ kinh tế, không để chồng gánh vác trách nhiệm là phụ nữ giỏi. Chỉ là các chị đang tự làm khó bản thân, tự giành lấy cái gánh quá nặng. Nhiều chị em đợi chồng nấu cơm trong bếp nhà khác, đưa tiền cho phụ nữ khác sắm sửa mới bàng hoàng thốt lên “sao ảnh ở với tui sướng vậy mà không chịu?”.

Thực ra, trong cuộc sống, chỉ nhận thôi thì nhàm chán lắm. Điều này, chị em nhận ra thì thường đã muộn.

Phụ nữ có trình độ, địa vị thấp hơn chồng không có nghĩa là sẽ thua kém chồng về mọi mặt. Có những việc phụ nữ làm tốt hơn đàn ông như chăm sóc, nuôi dạy con cái, giữ cho mái nhà luôn ấm áp… Hãy tỏa sáng theo cách của mình thay vì tự hạ thấp giá trị bản thân bằng cách so sánh với chồng. Mỗi người một nhiệm vụ. Làm tốt vai trò của mình đã là hoàn hảo. 

Thuỳ Gương

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI