Đừng để chó dữ gây họa

31/07/2022 - 06:17

PNO - Đã xảy ra nhiều vụ chó dữ tấn công, gây chết người. Trong khi đó, các quy định về nhập chó, mua chó, nuôi chó dữ vẫn chưa chặt chẽ.

Nỗi ám ảnh chó dữ

Nhắc đến chuyện nuôi chó dữ, bà N.T.T. - 61 tuổi, ở lô Y, chung cư Ngô Gia Tự, Q.10 - vẫn còn ám ảnh. Bà kể, cách đây vài năm, hàng xóm của bà là ông T.T.T.S. nuôi một con chó becgie rất dữ tợn. Ông này thường dắt chó đi dọc hành lang chung cư để chó tè bậy và thả rông để không ai dám đến gần căn hộ của mình. Có lần, khi nhắc nhở ông S. về việc để chó phóng uế bừa bãi, bà T. bị ông này xua chó tấn công khiến bà phải nhập viện điều trị.

Chó thả rông trên đường ở khu vực gần vòng xoay Dân Chủ, Q.10, TP.HCM. Ảnh chụp vào sáng 28/7/2022  - Ảnh: Minh An
Chó thả rông trên đường ở khu vực gần vòng xoay Dân Chủ, Q.10, TPHCM. Ảnh chụp vào sáng 28/7/2022 - Ảnh: Minh An

“Sau vụ việc đó, cơ quan chức năng làm dữ, ông S. mới dẹp nuôi chó dữ ở chung cư. Tôi nghĩ, cần cấm nuôi chó ở chung cư để phòng tránh các tình huống nguy hiểm cho người dân” - bà T. đề nghị.

Trong khi đó, ở một số chung cư của TPHCM , nhiều cư dân vẫn ngang nhiên nuôi chó thả rông. Ngày 26/7, có mặt ở một chung cư thuộc P. An Lạc, Q. Bình Tân, chúng tôi bắt gặp một con chó nặng trên 10kg đi lại thoải mái ngay trong sảnh lớn. Ngoài khuôn viên chung cư, nhiều con chó khác cũng tự do đi lại, phóng uế bừa bãi. Chị Bích Hằng - sống ở chung cư này - kể: “Có hôm, các em nhỏ đang chơi ở công viên của chung cư thì chó cắn lộn kêu inh ỏi, tôi phải bế con chạy đi nơi khác cho an toàn”.

Ngày 22/7 vừa qua, một cháu bé tám tuổi ở tỉnh Bình Phước đã bị chó pitbull tấn công dẫn đến tử vong. Trước đó, vào tháng 3/2022, một bé gái sáu tháng tuổi ở Q.Bình Thạnh, TPHCM đã bị chó nhà nuôi cắn xuyên sọ. Gần nhất, trưa 26/7, một bé trai ba tuổi ở tỉnh Nghệ An đang đi bộ cùng mẹ trên đường thì bị một con chó 7kg tấn công; bé trai bị thương tích nặng ở đầu, tai và mặt, phải nhập viện cấp cứu.

Hiện ở Việt Nam, chưa có thống kê đầy đủ về số vụ chó nuôi tấn công người. Tuy nhiên, khi tìm trên Google từ khóa “chó cắn người”, trong 0,33 giây, sẽ hiển thị hơn 6,5 triệu kết quả. Các vụ việc chó cắn người xảy ra ở hầu như mọi tỉnh, thành.

Ở TP.Hà Nội, cũng từng xảy ra các vụ chó dữ tấn công người dẫn đến tử vong, chủ yếu do các giống chó nhập khẩu như pitbull, malinois gây ra. Tuy nhiên, tình trạng nuôi chó dữ ở TP. Hà Nội hiện nay vẫn khá phổ biến. 

Buổi chiều hằng ngày, trên các đường Trích Sài, Võng Thị quanh Hồ Tây, khá nhiều người dắt chó đi dạo, thậm chí cho chó xuống hồ tắm chung với người lạ, trong đó có cả trẻ con. Ngoài các giống chó dữ, người dân cũng nuôi chó ta thả rông, có thể cắn người hoặc gây tai nạn giao thông. 

Tình trạng thả rông chó dữ diễn ra khá phổ biến ở TP.Hà Nội (trong ảnh: Chó dữ thả tự do ở khu vực Hồ Tây, nơi có rất đông người đi tắm) - Ảnh: Bảo Khang
Tình trạng thả rông chó dữ diễn ra khá phổ biến ở TP. Hà Nội (trong ảnh: Chó dữ thả tự do ở khu vực Hồ Tây, nơi có rất đông người đi tắm) - Ảnh: Bảo Khang

Anh La Xuân Định - thành viên tổ bắt chó của P.Kim Giang - cho biết qua tiếp nhận thông tin hoặc tuần tra, tổ đã ghi nhận những con chó nặng tới 30kg thả rông, không thấy chủ đi cùng: “Tổ công tác chúng tôi toàn người lớn, trang bị thiết bị và được hướng dẫn nghiệp vụ, mới khống chế được những con chó lớn. Nếu những con chó này tấn công người đi đường hay trẻ con thì không biết hậu quả thế nào”.

Có tiền là mua được chó dữ

Dắt chúng tôi thăm nhà vườn ở H. Hóc Môn, TPHCM, ông Nguyễn Khải - 50 tuổi, ở Q.6, TPHCM - chỉ tay về phía một con chó nặng hơn 30kg, nói: “Đây là giống chó rottweiler, tôi vừa mua lại của một người quen ở TP. Vũng Tàu. Con này có giấy tờ khai sinh đầy đủ nên rất đắt, giá mấy chục ngàn euro lận”.

Theo ông Nguyễn Khải, rottweiler là giống chó của Đức, tính điềm đạm, ít sủa nên thích hợp để nuôi ở thành phố. Ông dặn: “Bây giờ, mua chó ngoại nhập dễ lắm. Mấy hội, nhóm chó cảnh trên mạng rao bán nhiều. Nhưng chỉ nên chọn những con chó có giấy tờ đầy đủ để tránh mua phải chó lai hoặc chưa được chích ngừa”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên mạng xã hội, có rất nhiều nhóm mua, bán chó ngoại nhập. Trong đó, giống chó pitbull được mua bán khá phổ biến. Những hội, nhóm trao đổi thông tin và mua, bán giống chó này thường có hàng chục ngàn thành viên.

Ngoài mạng xã hội, ở TPHCM , người cần mua chó ngoại nhập cũng có thể đến “chợ chó” trên đường Lê Hồng Phong, Q.10. Bà Diễm - kinh doanh chó ở đây - cho biết ngoài các giống chó cảnh nhỏ như lạp xưởng, phốc, husky, các tiệm ở đây còn bán các loại chó giữ nhà.

Theo ông Phùng Minh Chí - chuyên gia huấn luyện chó ở TPHCM - việc mua bán chó tràn lan trên mạng như hiện nay tiềm ẩn khá nhiều nguy cơ, đáng chú ý là việc phòng dịch bệnh không đảm bảo. Ngoài ra, có tình trạng người bán tiêm chích các chất kích thích, cho chó ăn thịt sống để có ngoại hình đẹp, dễ bán. Điều này sẽ tác động đến sự phát triển, thói quen và “tâm tính” của vật nuôi. Khi chó bị thừa năng lượng, stress, chúng sẽ trở nên hung dữ, dễ tấn công người.

Ông nói: “Nhiều người mua chó rồi đến nhờ chúng tôi huấn luyện. Qua tiếp xúc và huấn luyện, chúng tôi thấy, những chú chó bị nhốt trong lồng lâu ngày, cho ăn thịt sống sẽ rất dữ tợn. Chúng tôi có chuyên môn nên có thể áp chế được vật nuôi lúc đó nhưng người bình thường thì chưa chắc”.

Đừng để hối hận muộn màng

Ông Phùng Minh Chí kể, cách đây khoảng năm năm, ông có nhận huấn luyện một chú chó được nhập từ châu Âu về, có giá một lượng vàng. Sau khi huấn luyện bài bản, chú chó được bàn giao cho chủ một thời gian thì tấn công người, gây thương tích.

“Lúc đó, người chủ mang chó đến trách chúng tôi huấn luyện chưa bài bản. Tôi nói thật, đừng bao giờ ỷ lại rằng chó đã được huấn luyện thì không cắn người. Các loài chó dữ có thể bị huấn luyện viên thuần phục, nhưng chưa chắc phục tùng chủ nuôi. Ngoài ra, vật nuôi có thể bị nhiều thứ tác động dẫn đến mất ổn định tâm lý. Khi chó đã lao vào tấn công tức là đang dùng bản năng, nên chủ nuôi khó mà dùng mệnh lệnh để ngăn cản” - ông Phùng Minh Chí giải thích. 

Theo ông Chí, nuôi chó không phải là việc xấu, đáng lên án, điều quan trọng là lựa chọn giống chó phù hợp. Nếu nuôi ở nhà, chỉ nên chọn những giống chó hiền và cần tránh xa những giống chó dữ như pitpull hay becgie. Ông nói: “Để hạn chế việc chó nuôi tấn công người, cần có không gian nuôi dưỡng phù hợp và chủ nhân cần đưa chó đi kiểm tra sức khỏe, tâm lý thường xuyên. Trong không gian chật hẹp như căn hộ chung cư, nhà trọ, nhà phố, cần hạn chế nuôi các loài chó dữ bởi chó rất dễ stress, trở nên hung tợn. Khi tai nạn xảy ra rồi thì có hối hận cũng đã muộn”.

Ông Nguyễn Văn Bộ - nguyên Giám đốc Trung tâm Nuôi dạy chó nghiệp vụ, thuộc Viện Khoa học hình sự (C09), Bộ Công an - cho biết những năm 1990, việc nhập khẩu chó nghiệp vụ để huấn luyện phải do Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng đảm trách. Thời điểm đó, cũng có những hộ gia đình nuôi chó nghiệp vụ nhưng phải do công an, quân đội hướng dẫn nghiệp vụ và giám sát. “Hiện nay, việc nhập khẩu chó đã được nới lỏng rất nhiều nên khó kiểm soát cả về chất lượng lẫn số lượng chó dữ. Những giống chó này lại được nuôi dưỡng, huấn luyện và phối giống tràn lan nên càng khó kiểm soát” - ông nói.

Ông cho biết thêm, trước đây, việc thành lập hiệp hội chó nghiệp vụ do Bộ Nội vụ cấp phép. Những năm gần đây, người ta dễ dàng thành lập câu lạc bộ các giống chó khác nhau. Ông đề nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần căn cứ theo khuyến cáo của Hiệp hội Chó thế giới để cho nhập khẩu những giống chó nào phù hợp: “Hiệp hội Chó thế giới đã cảnh báo về độ nguy hiểm của giống chó pitbull; nhiều quốc gia cũng đã cấm nuôi giống chó này nhưng ở Việt Nam thì pitbull lại được nuôi dễ dàng như chó cảnh”. 

Theo điều 603 Bộ luật Dân sự năm 2015, khi chó cắn chết người, chủ nuôi chó phải bồi thường thiệt hại cho phía nạn nhân. Ngoài ra, cơ quan chức năng có thể xem xét, xử lý trách nhiệm hình sự đối với người nuôi chó theo điều 295 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Luật sư Nguyễn Anh Dũng  (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội)

Hiện nay, làn sóng tranh cãi về việc có nên cấm nuôi các loài chó dữ rất gay gắt. Tuy nhiên, không nhất thiết vì các vụ chó tấn công người mà cấm nuôi các giống chó này. Việc cần làm là phải xây dựng một hành lang pháp lý an toàn và hiệu quả. Theo đó, cần thiết lập điều kiện bắt buộc đối với các loài chó dữ, khi nhập khẩu các loại chó này ngoài việc phải tuân thủ theo các quy định của Luật Thú y 2015 còn phải được huấn luyện tại các trại huấn luyện trong một thời gian nhất định nhằm thuần chủng chúng trước khi đưa vào cộng đồng. Người muốn nuôi các loài chó dữ phải được cấp phép bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền và cần có một mức độ hiểu biết nhất định về đặc tính của các loài chó trên để hạn chế tối đa việc bản tính hoang dã của chúng trỗi dậy có thể gây nguy hại cho những người xung quanh. Nên xem xét vấn đề về cần đưa các loài chó dữ như pitbull, becgie… vào danh sách các loài thú dữ và cần được xếp vào nguồn nguy hiểm cao độ để có cơ chế điều chỉnh hợp lý hơn. 

Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TPHCM ) 

 

Sơn Vinh - Bảo Khang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI