Đừng chết ở Ả Rập Xê Út - Tiếng nói từ người trong cuộc

23/08/2019 - 14:00

PNO - Cuốn sách gây sửng sốt vì những sự thật không thể tưởng tượng về cuộc sống của những người đi lao động xuất khẩu ở vương quốc này.

Trốn thoát trở về sau 285 ngày làm nô lệ khổ sai ở Ả rập Xê út, tác giả Nghiêm Hương đã viết cuốn 'Đừng chết ở Ả rập Xê út', như một lời cảnh báo cho những ai đang muốn đi xuất khẩu lao động đến vương quốc này.

Nghiêm Hương (sinh năm 1974 tại Bắc Giang, hiện sống ở TP.HCM) đăng ký tìm việc nấu ăn thông qua công ty môi giới. Tháng 11/2014, chị bay sang Ả rập Xê út theo diện xuất khẩu lao động. Nhưng giấc mộng đổi đời biến mất ngay khi xuống sân bay Riyadh. “Thực tế phũ phàng hơn tất cả những gì tôi tưởng tượng. Không có lời cảnh báo nào về việc bạn sẽ bị cưỡng hiếp. Chẳng có lời nào cho bạn biết bạn sẽ bị biến thành nô lệ. Và không có đường về” - tác giả viết ngay từ trang đầu sách.

Học nấu ăn tại Trường Du lịch Hà Nội, học thiết kế thời trang tại Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, nhưng sang Ả rập Xê út, công việc chị Hương nhận được là giúp việc nhà. Thời gian làm việc 20 tiếng/ngày và sự hà khắc của chủ nhà gần như biến chị thành nô lệ. Ngoài việc bị đối xử tệ, đánh đập tàn nhẫn, chị còn bị ông chủ giở trò, bị bà chủ bắt nhốt trong phòng, bỏ đói suýt chết.

Dung chet o A Rap Xe Ut - Tieng noi tu nguoi trong cuoc
 

Đọc Đừng chết ở Ả rập Xê út, độc giả hẳn sẽ liên tưởng đến tiểu thuyết 12 năm nô lệ của Solomon Northup. Chỉ khác ở khoảng thời gian Nghiêm Hương phải đối mặt với công việc khổ sai: chỉ ba năm. Nếu không, chị phải đền hợp đồng 3.000 USD mới được trở về Việt Nam. Ở vương quốc của những gia đình giàu có hoặc “trưởng giả học làm sang” như Ả rập Xê út, họ xem người giúp việc là hạ đẳng, họ toàn quyền sai khiến, hành hạ đúng kiểu tôi đòi.

Cuốn sách gây sửng sốt vì những sự thật không thể tưởng tượng về cuộc sống của những người đi lao động xuất khẩu ở vương quốc này, không chỉ có người Việt mà có cả người nghèo ở Philippines, Bangladesh…

“Tôi viết Đừng chết ở Ả rập Xê út để giải tỏa nỗi ám ảnh về những phận người nô lệ dưới mác đi xuất khẩu lao động mà chính tôi là một nhân chứng sống. Cuốn sách này dành tặng những chị em đang đứng trước lựa chọn: đi hay không đi bán sức lao động ở xứ người” - tác giả tâm sự.

Là một người viết không chuyên, nhưng Nghiêm Hương ghi lại 285 ngày đau khổ nhất cuộc đời ấy bằng sự quan sát tỉ mỉ và nhiều chi tiết đủ thu hút người đọc. Tác phẩm như một cuốn phim chiếu chậm, với những hình ảnh tả thực về cả sự hào nhoáng của một quốc gia Hồi giáo giàu có lẫn những sự thật trần trụi đến kinh hoàng.

Nghiêm Hương may mắn được trở về Việt Nam, nhờ sự giúp đỡ của một người “nô lệ” nước khác - về bằng một lý do buộc phải tạo ra để lừa gia đình chủ. Không còn cách nào khác để trốn chạy khỏi cuộc sống như địa ngục. Từ một người tự do, tác giả trở thành kẻ phải sống dưới đáy xã hội, đến cả sinh mạng cũng có thể bị người khác định đoạt. Tất cả vì cú lừa của văn phòng môi giới, với những cam kết dành cho người lao động rằng, chỉ cần đi xuất khẩu 2-3 năm, làm “việc nhẹ lương cao”, sẽ đổi đời. 

Hoàng Hạc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI