Du học sinh bị ảnh hưởng thế nào trước biến thể Omicron?

07/12/2021 - 06:22

PNO - Học kỳ mùa đông chuẩn bị bắt đầu nhưng trước biến thể mới Omicron, nhiều nước đang có những biện pháp ứng phó để đón sinh viên quốc tế theo học.

Siết chặt nhập cảnh nhưng linh hoạt cho du học sinh

Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam vừa thông báo về việc nhập cư vào nước này trước những lo ngại về biến thể Omicron. Theo đó, từ ngày 6/12, toàn bộ hành khách đến Mỹ, bao gồm công dân Mỹ, thường trú nhân và diện thị thực không định cư, bất kể tình trạng tiêm chủng ra sao, phải cung cấp bằng chứng về xét nghiệm COVID-19 âm tính một ngày trước chuyến bay hoặc bằng chứng trước đó đã chữa khỏi COVID-19 trong vòng 90 ngày. Trẻ em từ 2 - 17 tuổi vẫn phải đáp ứng yêu cầu xét nghiệm này. Toàn bộ hành khách không phải là công dân Mỹ khi đến Mỹ theo diện thị thực không định cư sẽ phải tiêm vắc xin COVID-19 đầy đủ và cung cấp bằng chứng tiêm chủng trước khi lên máy bay đến Mỹ.

Học sinh, sinh viên Việt Nam trong một buổi giới thiệu về giáo dục Mỹ - ẢNH: LÃNH SỰ QUÁN MỸ TẠI TP.HCM
Học sinh, sinh viên Việt Nam trong một buổi giới thiệu về giáo dục Mỹ - Ảnh: Lãnh sự quán Mỹ tại TPHCM

Thông báo này diễn ra trước học kỳ mùa xuân, trong khi thời điểm này nhiều du học sinh đã hoàn tất hồ sơ, chờ làm thủ tục để đến Mỹ du học. Trước đó, nhiều du học sinh khi sang trường học ở Mỹ mới bắt đầu đăng ký tiêm vắc xin tại các cơ sở được chỉ định. 

Trong thời điểm này, thủ tục làm thị thực (visa) du học cũng sẽ bị ảnh hưởng. Đại sứ quán Mỹ thông báo lịch hẹn phỏng vấn xin thị thực đang dần được mở lại theo tình hình nhân lực, hướng dẫn an toàn và quy định của Việt Nam. Các đương đơn có thể tiếp tục phải chờ thời gian lâu. Tuy nhiên, Đại sứ quán Mỹ khẳng định các đương đơn xin thị thực không định cư (bao gồm thị thực du học) cần đến Mỹ khẩn cấp có thể làm theo hướng dẫn để yêu cầu lịch hẹn khẩn.

Với các du học sinh cần gia hạn visa, trả lời báo chí ngày 3/12, bà Bintu Musa-Harry - tùy viên báo chí Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TPHCM - cho biết, do việc giãn cách xã hội vì COVID-19 và một số vấn đề còn tồn đọng, việc gia hạn thị thực qua đường bưu điện đến Tổng Lãnh sự quán sẽ phải mất nhiều thời gian hơn bình thường. Các trường hợp gia hạn thị thực sinh viên hiện có thể mất tới 10 tuần để xử lý.

Lãnh sự quán khuyến khích sinh viên nộp đơn xin thị thực càng sớm càng tốt và đảm bảo rằng tất cả các thông tin cung cấp là chính xác để tránh bất kỳ sự chậm trễ nào. Bà Bintu Musa-Harry cũng khẳng định nơi này đang ưu tiên các trường hợp cần đi lại gấp, trong đó bao gồm cả việc gia hạn thị thực sinh viên vì học kỳ mùa đông bắt đầu vào tháng 1/2022. 

Theo bà Bintu Musa-Harry, hiện nay, nhiều trường đại học, cao đẳng tại Mỹ đang cố gắng duy trì tính linh hoạt hơn để đáp ứng nhu cầu của sinh viên. Một số ví dụ về tính linh hoạt như: chính sách nhập học với các tùy chọn trong bài thi chuẩn hóa, chấp nhận kết quả bài thi tiếng Anh trực tuyến từ các tổ chức được phê duyệt, miễn lệ phí nộp hồ sơ cho sinh viên gặp khó khăn về tài chính và có thời hạn linh hoạt cho các yêu cầu nộp đơn bao gồm các giấy tờ chính thức.

Úc ưu tiên xử lý hồ sơ du học sinh 

Lo ngại trước việc bùng phát của biến thể Omicron, ngày 29/11, Chính phủ Úc đã quyết định tạm dừng kế hoạch mở cửa ngày 1/12 theo quyết định trước đó, thời gian mở cửa mới là ngày 15/12. Điều chỉnh này để Úc có thêm thời gian thu thập thông tin cần thiết nhằm hiểu rõ hơn về biến thể Omicron.

Trước đó, theo thông báo của Bộ Nội vụ Úc, hiện Chính phủ Úc đã phê duyệt kế hoạch nhập cư của sinh viên quốc tế cho các tiểu bang: New South Wales, Queensland, Victoria, Adelaide. Bộ Nội vụ Úc cũng cho biết do COVID-19, thời gian xử lý một số thị thực có thể bị ảnh hưởng và đơn xin thị thực có thể mất nhiều thời gian hơn để hoàn tất. Bộ đang ưu tiên xử lý các đơn xin thị thực cho những du khách được miễn các hạn chế đi lại để giúp những người cần đi lại gấp. Vì vậy, những du học sinh cần sang Úc đi học gấp cũng là người được ưu tiên xử lý.

Trong các quốc gia có số lượng du học sinh Việt Nam hằng năm đến học tập nhiều nhất, hiện tại Nhật Bản là nước có chính sách siết chặt nhất. Ngày 29/11, thông báo từ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, Chính phủ Nhật Bản đã ra quyết định “Đối sách tăng cường của biện pháp biên giới mới” liên quan đến dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới Omicron. Nhật Bản đã tạm dừng “Biện pháp nới lỏng hạn chế nhập cảnh mới” đối với người nước ngoài trong thời gian từ ngày 30/11 - 31/12. Quyết định này cũng sẽ có ảnh hưởng đến du học sinh và lao động kỹ năng Việt Nam chuẩn bị đến Nhật Bản. 

Cụ thể, tạm thời các thị thực đã được cấp trước ngày 2/12/2021 đều bị tạm dừng hiệu lực. Tất cả những người nhập cảnh vào Nhật Bản trong thời gian này đều phải nộp giấy chứng nhận xét nghiệm trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh, nếu không sẽ không được phép nhập cảnh, bị từ chối cho lên máy bay. Hơn nữa, tất cả những người nhập cảnh trong thời gian này, ngoài việc thực hiện xét nghiệm khi nhập cảnh còn được yêu cầu cam kết với các hạng mục phòng dịch. 

Rối rắm chuyện Hà Nội đón học sinh lớp 12 quay lại trường

Trước tình hình dịch bệnh tại TP.Hà Nội diễn biến phức tạp, số ca F0 tăng đột biến, ngày 5/12, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội thông báo điều chỉnh quy mô cho học sinh (HS) đi học trực tiếp kể từ ngày 6/12. 

Cụ thể, HS khối 12 của 30 quận, huyện, thị xã đi học trực tiếp theo phương thức: 50% học trực tiếp thứ Hai, Tư, Sáu, các ngày còn lại học trực tuyến; 50% học trực tiếp thứ Ba, Năm, Bảy, các ngày còn lại học trực tuyến. Các trường chỉ bố trí cho HS đi học một buổi/ngày. HS lớp Chín của 18 huyện, thị xã vẫn học trực tiếp như trước đó… Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, chia sẻ việc bố trí học luân phiên như trên nhằm giảm thời gian HS đi lại trên đường nhưng vẫn đảm bảo việc tiếp thu kiến thức chuẩn bị cho các kỳ thi sắp tới. 

Tuy vậy, việc thay đổi phương án này khiến những trường thiếu giáo viên gặp khó khăn trong việc sắp xếp thời khóa biểu để vừa dạy 50% trực tiếp trên lớp, vừa dạy 50% trực tuyến ở nhà. Thầy Hoàng Châu Tuấn, Hiệu trưởng Trường THPT Bất Bạt (H.Ba Vì, TP.Hà Nội), nói: “Cách chia như trên sẽ phát sinh khá nhiều khó khăn nhất là với những trường đang thiếu giáo viên. Đó là chưa kể chia đôi khối học rõ ràng sẽ khá rối nếu giáo viên dạy cùng lúc nhiều lớp, bởi phải vừa chạy đến trường dạy trực tiếp vừa đảm bảo dạy trực tuyến ở nhà. Nhưng trước mắt, có lẽ phải thực hiện theo quy định của sở GD-ĐT rồi xử lý dần các phát sinh”. 

Thầy Nguyễn Công Sở, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Văn Thiêm (Q.Long Biên, TP.Hà Nội), cho rằng trong điều kiện này, các trường cũng phải có điều chỉnh linh hoạt, khó khăn đến đâu khắc phục đến đó. Ví như yêu cầu giáo viên dù dạy trực tuyến hay trực tiếp thì cũng phải đến trường, vì hiện nay các trường cũng phủ sóng wifi. Điều này khắc phục được việc tiết một dạy trực tiếp, tiết hai giáo viên lo về nhà dạy trực tuyến rồi tiết ba lại dạy trực tiếp...

Trước đó, ngày 3/12, Sở GD-ĐT Hà Nội có công văn thông báo về việc học sinh khối 10, 11, 12 học trực tiếp tại trường, cơ sở giáo dục từ ngày 6/12. 

Đại Minh


Tâm Phan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI