Đồng bạc đâm toạc... cửa chùa

13/10/2016 - 15:28

PNO - Cả năm trời tìm con, cuối cùng chị bị ra giá 100 triệu đồng nếu muốn chuộc con về. Đây không phải là cái giá trao đổi cho một vụ bắt cóc con tin, mà là giá tiền công nuôi trẻ của các sư thầy.

Hoàn cảnh gia đình chị Hào ở Kinh Môn (Hải Dương) éo le, phải gửi con tạm vô chùa, được các sư thầy nhận, đó là phúc. Nhưng chị không ngờ họa ẩn trong đó. Con chị bị chuyển đến tận Hải Phòng, thay tên đổi họ, thành trẻ mồ côi, có tên mẹ là người khác.

Cả năm trời tìm con, cuối cùng chị bị ra giá 100 triệu đồng nếu muốn chuộc con về. Đây không phải là cái giá trao đổi cho một vụ bắt cóc con tin, mà là giá tiền công nuôi trẻ của các sư thầy. Nghe mà sững sờ!

Ở đây có điều cần nói, là cháu sinh năm 2014; nếu tính toán kỹ ra, ăn cơm nhà chùa trong một năm, số tiền có hết 100 triệu không? Đó là nói giá thị trường, tiền trao cháo múc, sòng phẳng, chứ chốn Phật môn, nào ai dám nghĩ, thế mà vẫn xảy ra, như lời các sư thầy trong bài báo là “làm phúc cũng tùy”!

Lâu nay, cái câu cửa chùa luôn mở, hiện diện trong thực tế lẫn lời thuyết giảng, kinh kệ, bởi một trong những lý do tồn tại và phát triển củ a Phật giáo chính là sẻ chia yêu thương, cứu khổ cứu nạn; một trong những “hạnh” mà Phật dạy cho chúng sinh, là bố thí. Việc nhà chùa đón con chị Hào nuôi, cũng là một cách bố thí tình thương.

Dong bac dam toac... cua chua
ẢNh mang tính chất minh họa. Internet

Nhưng, việc làm tốt đẹp đó lại bị khởi phát và nuôi dưỡng bởi lòng tham, và đứa trẻ bỗng dưng trở thành vật đổi chác. Việc ra giá, lấy khai sinh rồi đổi họ tên cháu của sư thầy, rõ ràng là lừa đảo. Còn xét về môn quy nhà Phật, nó đã phạm một trong năm giới cấm, đó là dối trá. Mà đã như thế, chiếc áo sư thầy đang khoác chỉ là áo giấy. Nhưng chuyện không dừng lại ở đây, không đơn thuần là “đồng bạc đâm toạc đạo đức”.

Cả một năm trời, gia đình chị Hào đi tìm con, giờ thấy con đó nhưng không đón về được. Việc nhà chùa ra giá và dứt khoát không trả con nếu gia đình khiếu kiện (lời của sư thầy), đã khoét một hố sâu trong tâm tưởng bao người, hố sâu đó mang tên tội ác! Sư thầy không chịu, nghĩa là quyết ngăn cản chuyện đoàn tụ của gia đình chị Hào, chém vào lòng người mẹ nỗi đau mất con, và vô tình gieo cho đứa bé nỗi đau, mà sau này lớn lên, nhất định nó phải biết.

Đây là hành động vô nhân đạo mà xã hội phải lên án, luật pháp phải ra tay, bởi nhân danh bất kỳ điều gì mà băm nát tình mẹ con, đều không thể chấp nhận được. Sống chốn chùa chiền mà hành xử ác là tạo nghiệp chướng, đi ngược hoàn toàn lời Phật dạy.

Từ lâu, dân ta có thói quen gửi những đứa trẻ khó nuôi vô chùa, nhờ chùa cho cái tên, nuôi cho qua tuổi hạn thì xin về. Người ta gửi gắm ở đó lòng tin, rằng Phật pháp vô biên sẽ cứu giúp mình trong trong cơn thương khó, và điều đó đã nuôi dưỡng trong dư luận, trong lương dân lòng cảm kích, biết ơn và tôn quý chốn chùa chiền, vì sự an lạc tinh thần mà họ tìm thấy ở đó. Đây cũng chính là lý do tồn tại của Phật giáo trong lòng dân tộc, chúng sinh.

Nếu không mang lại niềm vui cho mẹ con chị Hào, thì sư thầy cũng đừng tạo ra đau khổ nữa. Hẳn rồi đây, sẽ chẳng có 100 triệu đồng nào đến tay như tham vọng của sư thầy, trong khi sư thầy đang và sẽ gánh thêm sự phẫn uất của xã hội khi đẩy gia đình chị Hào vào vòng đau khổ cùng cực. Chẳng biết sư thầy xuất thân chốn nào, để bây giờ vừa làm đệ tử Phật gia, vừa ra giá như ở chợ?

Nhưng dù gì đi nữa, sư thầy cũng có mẹ cha chứ chẳng phải từ trên trời rớt xuống, dưới đất nứt lên. Vậy thì thầy hãy tỉnh ra mà nghĩ, không lẽ đứa trẻ giá 100 triệu đó, mẹ cháu đang đứng ở cửa chùa khóc xin, còn cháu thì lễ Vu lan chẳng có bông hồng cài áo, bởi mẹ không còn? Đó là nói đạo lý. Còn về luật pháp, sư thầy cũng là một công dân. Hành vi của sư thầy, pháp luật cũng bất dung!

Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI