Donald Trump muốn biến Davos thành võ đài ‘hạ gục’ chủ nghĩa toàn cầu?

26/01/2018 - 13:00

PNO - Một loạt câu hỏi được đặt ra về sự “chết yểu” của Thế kỷ Mỹ đầy quyền lực, tất cả chỉ có 72 năm – từ 1945 đến 2017? Không lâu hơn thời gian trị vì nước Pháp của vua Louis XIV?

Tạp chí Time lý giải câu hỏi khó hiểu trên nhân sự kiện Diễn đàn Kinh tế Thế giới đang diễn ra ở Davos, Thụy Sĩ - đấu trường giữa Chủ nghĩa Bảo hộ do Mỹ quảng bá với Chủ nghĩa toàn cầu hóa, vốn cũng là một sản phẩm của Mỹ.

Donald Trump muon bien Davos thanh vo dai ‘ha guc’ chu nghia toan cau?
Donald Trump không phải lo lắng gì về đám đông biểu tình phản đối ở Davos - Ảnh: Time

Đối với một số người, nước Mỹ có quân đội không có đối thủ. Một số người khác cho rằng nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh nhất thế giới. Nhưng Mỹ cũng có vị tổng thống nhân danh việc đưa đất nước “vĩ đại trở lại” mà từ bỏ kiến ​​trúc toàn cầu do chính Hoa Kỳ thiết kế, bảo vệ và chiếm ưu thế nhiều thế hệ qua.

Hệ thống quốc tế này đã đóng góp rất nhiều trong việc củng cố sự vĩ đại của Hoa Kỳ ở vị trí hàng đầu. Gỡ bỏ nó không dễ dàng như đeo bao tay chơi trò xếp hình Jenga, nhưng Donald Trump đã cố gắng thử sức với món đồ chơi gỗ này.

Hoa Kỳ nổi lên thành quốc gia hùng mạnh nhất trên hành tinh từ đống đổ nát của Thế chiến II.

Trong những tháng cuối cùng trước khi mãn nhiệm, Tổng thống Franklin D. Roosevelt làm "bà đỡ" cho ra đời các tổ chức quốc tế mà các nước đều có phần để duy trì một thế giới hòa bình và ổn định với trung tâm là nước Mỹ.

Không phải ngẫu nhiên Liên Hợp Quốc (UN), Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tất cả đều tọa lạc tại Hoa Kỳ. Cũng không phải ngẫu nhiên, trong 70 năm sau Thế chiến II, các Tổng thống Mỹ đã “nhào nặn” chính sách đối ngoại để quy tụ các quốc gia trên thế giới đến với Mỹ.

Người Mỹ thậm chí nghĩ rằng các vấn đề như tự do, thị trường tự do, tiến bộ và nhân quyền là các giá trị Mỹ.

Tuy nhiên, tất cả đã bắt đầu thay đổi cách đây một năm.

Donald Trump muon bien Davos thanh vo dai ‘ha guc’ chu nghia toan cau?
Lần đầu tiên sau 18 năm, ông Trump là vị Tổng thống Mỹ đầu tiên dự diễn đàn kinh tế Davos - Ảnh: Business Insider

Trong diễn văn nhậm chức "Nước Mỹ trên hết” và trong các phát biểu quan trọng từ thời điểm đó, Tổng thống Trump đã đối xử với cái thế giới chủ yếu do nước Mỹ tạo ra như một kẻ thù lớn nhất của mình: Đó là những đồng minh vô ơn, những kẻ khủng bố cải trang thành người nhập cư, người lao động nước ngoài giành miếng ăn của người Mỹ…

Chủ nghĩa toàn cầu hóa (Globalism) bị ông Trump quay lưng lại là cái gì? Đó là ý tưởng đưa tất cả mọi thứ vào một chỗ: một thị trường, một hệ sinh thái, một trách nhiệm chung. Và sự gia tăng của nó trùng khớp với những tiến bộ đáng kinh ngạc: năm 1981, 44% dân số thế giới đang sống trong đói nghèo, nay chỉ còn 10%.

Tuy nhiên, mâu thuẫn phát sinh từ lợi nhuận. Tổ chức từ thiện Oxfam của Anh ước tính rằng 4 trong số 5USD được tạo ra năm 2017 chạy vào túi 1% số người giàu nhất thế giới.

Đây là một chủ đề năm nào cũng được thảo luận trong các phiên họp đột phá ở Davos. Nói một cách hình ảnh, Davos là nơi các tỷ phú nói chuyện với các triệu phú về những vấn đề của tầng lớp lao động.

Một diễn đàn như vậy chẳng liên quan gì đến Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhưng đây là lần đầu tiên sau 18 năm vắng mặt, ông là vị Tổng thống Mỹ đầu tiên tham dự diễn đàn kinh tế Davos.

Thay vì một cuộc rút lui mang tính chiến lược, có cảm giác chủ nghĩa toàn cầu cưỡng lại sự tàn nhẫn của một thế giới đang chuyển động rất nhanh, và nó đã tìm kiếm sự lãnh đạo ở một nơi khác.

Vai trò cầm chịch nền kinh tế thế giới hiện đang trong tầm ngắm của Trung Quốc.

Việt Hưng (Theo Time)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI