Đơn sơ tấm thớt Định An

07/01/2021 - 07:09

PNO - Đời cây được tính bằng vân gỗ còn tên tuổi của làng thớt Định An nức tiếng Đồng Tháp được tính bằng cái tâm của người thợ và sự ưa chuộng lâu dài của người dân vùng sông nước.

Một quy trình cho cả trăm năm

Cũng như bao làng nghề nức tiếng khác ở miền Tây, chẳng ai biết làng thớt Định An có từ khi nào. Người ta xẻ cây làm thớt, làm được nhiều thì đem bán. Thế là từ đời này sang đời khác, cha truyền con nối, làng thớt cũng từ đó mà thành. Mà có chi đâu, chỉ là tấm thớt gỗ đơn sơ nhưng len lỏi khắp chốn kênh rạch.

Gọi là làng thớt Định An nhưng trong cái làng ấy chỉ có gần hai chục hộ đeo đuổi cái nghề thủ công này. Ông Năm Thọ (65 tuổi) cho biết, đa số các hộ làm thớt ở đây đều là thế hệ thứ 3, thứ 4. Con nhìn cha cưa gỗ, rồi bào, đẽo, chà nhám là biết được cách làm thớt. Cũng chẳng có sách vở hay công thức gì, một quy trình ấy lặp đi lặp lại cả trăm năm nay.

Ông Năm Thọ (65 tuổi) vì đã lớn tuổi nên bây giờ chỉ phụ con trai của mình.
Ông Năm Thọ (65 tuổi) vì đã lớn tuổi nên bây giờ chỉ phụ con trai của mình.

Gỗ để làm thớt ban đầu là mù u, sau này có thêm xà cừ, me. Thớt làm bằng gỗ mù u chắc, khi chặt không lưu vết đen và dùng được lâu. Còn thớt xà cừ thì tuổi thọ kém hơn, thớt me thì dễ mốc. Theo ông Năm Thọ, thực ra ngày trước khi ông bà nhà ông dựng nhà, dư mấy khúc gỗ mù u rồi đem ra cắt làm thớt, thấy được nên mua gỗ về làm. Thế là nhà này làm, nhà kia làm rồi thành làng thớt, rồi nức tiếng làng thớt Định An.

Khi chưa có máy móc hiện đại, người ta phải làm thớt thủ công. Gỗ mua về không phơi, đem thẳng vào rồi kéo cưa lừa xẻ, đẽo gọt. Mỗi ngày chỉ làm được vài chục tấm thớt. Thớt Định An chỉ phơi một nắng cho săn chứ không phơi lâu vì như vậy sẽ bị cong, nứt mặt thớt. Chỉ tay vào tấm lưng đen sạm của mình, ông Năm Thọ cười bảo ngày đó vì làm thủ công, ngồi hoài nên ai cũng bị còng lưng hết.

Mỗi người một việc, xưởng thớt lúc nào cũng rộn ràng tiếng cưa, tiếng đẽo.
Mỗi người một việc, xưởng thớt lúc nào cũng rộn ràng tiếng cưa, tiếng đẽo.

Tấm thớt đơn sơ nhưng với nhiều người, nó mang nặng ký ức của miền sông nước. Khi làng thớt phát triển, cần nhiều gỗ hơn, ông Năm Thọ và những người đàn ông khác đều phải lặn lội về An Giang hay xuống Sóc Trăng để mua nguyên liệu.

Ngày ấy kênh rạch chằng chịt, đi lại chủ yếu bằng xuồng, thuyền. Một chuyến gỗ phải mất vài ngày, thớt làm ra có ghe đến chở. Mùa nước lũ thì ngoài làm thớt còn đặt lờ, thả lưới. Làm thớt mùa nước lũ tuy cực nhưng vui vì được sống cùng với con nước.

 

Làng thớt Định An, Đồng Tháp 

Tấm thớt gỗ sạch sẽ nhất

Biết làm thớt từ ngày về làm dâu, chị Phạm Thị Thúy Muội (41 tuổi) cho biết bây giờ chỉ cần ngửi mùi thớt hay sờ vân gỗ là biết thớt được làm từ loại cây gì. Thớt làm từ gỗ mù u thì mịn và nhẹ hơn gỗ xà cừ. Trong khi đó, thớt làm từ gỗ me là nặng nhất, còn vân gỗ của thớt xà cừ là rõ nhất.

Sau khi cưa gỗ, chị Muội dọn dẹp đống gỗ vụn để tận dụng làm những đồ vật khác.
Sau khi cưa gỗ, chị Muội dọn dẹp đống gỗ vụn để tận dụng làm những đồ vật khác.

Còn với ông Năm Thọ, hơn nửa đời người đã quen với tiếng cưa, tiếng đẽo nên ngày nào không làm thớt là ông ăn không ngon, ngủ không yên.

Thớt Định An gồm nhiều loại, đường kính từ 20-50cm. Giá bỏ sỉ cho thương lái dao động từ 10.000 - 45.000 đồng. Một mét gỗ làm được từ 18 - 20 tấm thớt. Phần gỗ vụn sau khi lộng tròn bán cho người dân làm củi, phần còn lại được tái sử dụng để làm các vật dụng nhỏ như đòn, giá kê điện thoại.

Nói về tấm thớt Định An, chị Muội tự hào đây là chiếc thớt gỗ sạch sẽ nhất vì từ khi gỗ được mua về cho đến khi ra tấm thớt, người làm không sử dụng bất kỳ hóa chất nào. Đặc biệt, vì chỉ phơi đúng một nắng nên thớt Định An có mặt phẳng và không bị mốc.

Thớt sau khi chà nhám sẽ được đem đi phơi.
Thớt sau khi chà nhám sẽ được đem đi phơi.

Với chị Muội hay ông Năm Thọ, làm thớt tuy cực nhưng không sợ thất nghiệp. Vì nhà nào cũng phải có cái thớt để cắt, để chặt. Nhà không có thớt thì bếp đâu ấm cúng, đâu bình yên. Còn với người dân miền Tây sông nước, có thể không có tivi, không có tủ lạnh nhưng cái thớt mà không có thì đâu còn gọi là nhà. 

Về làng thớt, thấy thớt nằm la liệt khắp nẻo đường.
Về làng thớt, thấy thớt nằm la liệt khắp nẻo đường.

Hiện nay, nhờ có máy móc nên hai người có thể làm được 200 tấm thớt mỗi ngày. Thớt phơi xong thì có thương lái đến chở. Tuy các mặt hàng thớt sấy ngày càng nhiều nhưng nhìn vào chiếc thớt mình làm, ông Năm Thọ hay chị Muội đều cười và nói rằng, rồi người ta cũng sẽ lại dùng tấm thớt từ thời cha ông họ mà thôi.

Tấn Đồng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI