Đón học sinh đi học lại, trường học “căng mình” chắn Corona

29/04/2020 - 07:30

PNO - Dù lộ trình học sinh sẽ đi học lại theo từng khối lớp, không tập trung đồng loạt nhưng các trường cũng căng mình ứng phó.

Theo quyết định của UBND TP.HCM ban hành vào chiều 28/4, học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố bắt đầu đi học lại từ ngày 4/5. Nhiều trường đã lên kịch bản để học sinh đến trường an toàn trong mùa dịch.

Trường học chuẩn bị các điều kiện an toàn vệ sinh để đón học sinh đi học lại
Trường học chuẩn bị các điều kiện an toàn vệ sinh để đón học sinh đi học lại

Việc đón học sinh (HS) quay trở lại trường được tập thể thầy cô Trường THPT Nguyễn Du (Q.10) lên kịch bản từng bước. Ngày đầu tiên, HS sẽ không học mà chỉ làm quen với quy trình đi học trong mùa dịch. Cụ thể, trường chia thời gian HS vào lớp (từ 6g30-7g30) thành nhiều đợt. HS sẽ đi qua ba vòng: đầu tiên là đo thân nhiệt, HS nào từ 37 độ C sẽ chờ đo lại lần 2-3, từ 38 độ C sẽ báo phụ huynh và y tế; vòng hai gồm rửa tay sát khuẩn, nhận thêm hai khẩu trang vải và một chai nước rửa tay khô; vòng ba là lấy thông tin y tế. Khi lên lớp, giáo viên sẽ có bài tuyên truyền cho HS phòng chống dịch, đồng thời nói chuyện để ổn định tâm lý.

Trường THPT Trưng Vương (Q.1) đã lên kế hoạch khá kỹ lưỡng, từ vệ sinh toàn bộ phòng học, phòng chức năng, khu vực căn tin, nhà vệ sinh, các bề mặt… bằng dung dịch Cloramin B để đảm bảo môi trường sạch sẽ, thông thoáng đến vệ sinh khử khuẩn phòng học và các bề mặt tiếp xúc sau mỗi buổi học.

Cô Trương Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: trường đã mua 200 hộp khẩu trang y tế với 10.000 cái, 50 nhiệt kế điện tử để đo thân nhiệt HS, lắp thêm sáu bồn rửa tay. Ngày đầu tiên đi học, HS sẽ có mặt lúc 7g30, rửa tay trước khi lên lớp, ngồi yên vị trí và giữ khoảng cách chờ nhân viên đến đo nhiệt độ. Tiết học đầu tiên, HS phải xem clip hướng dẫn cách giữ gìn vệ sinh, tuân thủ các nguyên tắc y tế. Ngoài ra, HS được yêu cầu không mua, không ăn uống các loại thức ăn, nước uống bày bán ở lề đường. Khuyến khích ăn sáng tại nhà, trước khi đến lớp.

Băn khoăn việc giãn cách

Theo cô Trương Thị Bích Thủy, nếu chỉ có khối lớp 12 đi học trước thì bố trí giãn cách được. Nhưng nếu cả ba khối cùng đi học thì không biết phòng học ở đâu và bố trí ra sao.

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, cho biết, trường có sĩ số 30 HS/lớp nên để thực hiện giãn cách mỗi lớp chỉ tách làm hai lớp. Nhưng hầu hết các trường tại TP.HCM sĩ số từ 45-50 HS/lớp, nếu tách thì cần đến ba lớp, số lượng giáo viên đứng lớp theo đó phải tăng lên gấp ba hoặc chấp nhận dạy ba ca. Thêm vào đó, phòng học cũng không đủ để tách lớp. Và khi giáo viên phải dạy thêm ca hay hợp đồng thêm người thì phải trả thêm lương nhưng chưa thấy Sở GD-ĐT TP.HCM hướng dẫn cụ thể.

Một lớp học có diện tích 6x8=48 mét vuông trong điều kiện bố trí mỗi HS cách nhau và cách giáo viên (với điều kiện giáo viên không di chuyển trong lớp học) buộc các trường phải thực hiện biện pháp tách lớp.

Quản lý của một trường THPT có quy mô khoảng 1.500 HS cho biết, nếu để đảm bảo tiêu chí về bồn rửa tay thì số lượng HS đông như vậy phải cần đến khoảng 150 bồn rửa tay - là không thể. Đó là chưa kể, thực hiện đảm bảo khoảng cách 2 mét là vô cùng khó. Nếu đi học lại một tuần ba buổi thì dễ bố trí phòng và giáo viên. Còn nếu đi học đầy đủ sáu ngày thì hơi “căng”, nhất là về giáo viên vì cũng không thể bắt giáo viên khối 10-11 lên dạy khối 12.

Theo ông Phú, bộ tiêu chí an toàn gồm 10 tiêu chí thì nên bắt buộc tất cả tiêu chí nào cũng phải an toàn, cộng dồn là không nên bởi chỉ cần một cái không đảm bảo an toàn (những cái còn lại điểm cao) thì lỗ hổng dễ dàng phát sinh từ chỗ đó.

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI