“Đội gạo lên chùa”: Đời người là một cuộc từ bi...

28/02/2021 - 07:36

PNO - "Đội gạo lên chùa" như cố kiến giải thấu đáo mọi điều, từ con người vốn “nhân chi sơ tính bổn thiện” trở thành những ác nhân, thủ đoạn.

Những ngày cần hạn chế ra ngoài vì COVID-19, tôi mới có nhiều thời gian để đọc lại Đội gạo lên chùa - quyển tiểu thuyết dày gần 900 trang của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh (Nhà xuất bản Phụ Nữ). Gọi là “đọc lại” vì tác phẩm được xuất bản đã lâu, từ mười năm trước, từng được trao tặng giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2011.

Cứ khoảng 5 năm một lần, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh mới lại ra mắt tiểu thuyết (trước đó ông có Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng Ngàn) nhưng tác phẩm nào cũng đồ sộ, có giá trị cao, được tái bản nhiều lần. Nói như nhà nghiên cứu Phạm Xuân Thạch thì “tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh giống như một “kẻ cạnh tranh” với sử học, nó buộc chúng ta phải nhìn hiện thực với một con mắt phức tạp hơn. Nó buộc ta phải suy tư về những nền móng tồn tại bền bỉ của làng xã ở đồng bằng Bắc bộ, những cơ chế tự điều tiết về mặt tinh thần và về cả những gì đã bị những vận động của lịch sử tàn phá”. Đội gạo lên chùa là một trong những tác phẩm ấn tượng như vậy. 

Câu chuyện lưu lạc của nhân vật chính - cậu bé An, sau này là chú tiểu An rồi hòa thượng Khoan Hòa - được xây dựng bằng ngôn ngữ văn bản sống động, đôi lúc khiến người đọc như thể đang theo dõi những khung hình điện ảnh chạy dọc tâm trí. Bi, trí, dũng, đẹp và buồn, tuyệt vọng và cứu rỗi, đau đớn và hồi sinh… Cuộc trốn chạy khỏi ngôi làng đầy kẻ thù dẫn chị em An - Nguyệt đến chùa Sọ. Từ đó, cuộc đời mới của hai chị em mồ côi cha mẹ sau một trận Pháp càn được kể lại, soi chiếu trong ánh sáng của đức Phật, từ bi, bao dung, thấu hiểu và thức tỉnh. 

Chiến tranh và thân phận, hiện thực và đức tin, tình yêu và lòng thù hận… đều có trong Đội gạo lên chùa. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh không chỉ xây dựng số phận, cuộc đời của nhân vật chính mà còn tỉ mỉ, cận cảnh cuộc đời của tất cả các nhân vật khác trong tác phẩm về nguồn gốc, hoàn cảnh, lý do của những sự lựa chọn. Như thể ông đang cố kiến giải thấu đáo mọi điều, từ con người vốn “nhân chi sơ tính bổn thiện” trở thành những ác nhân, thủ đoạn. Hoặc cho dù buộc phải sống trong thời đoạn rối ren của xã hội, con người như thế nào, bằng cách nào, lựa chọn ra sao để có thể bảo vệ bản thân, dòng họ.

Không gian tiểu thuyết chủ yếu diễn ra ở làng Sọ - một ngôi làng nhỏ bé, hẻo lánh nhưng thân phận con người và hiện thực nơi ấy có tính đại diện. Những con người ấy mang khuôn mặt/hình dung/thân phận của muôn người ở làng quê Bắc bộ những năm chống Pháp.

Trong bĩ cực của thời đại, chùa Sọ - đại diện cho hình ảnh đức Phật, văn hóa Phật giáo - tỏa bóng từ bi, cứu rỗi, nương trú khiến người đọc thời điểm này đã rất khác hiện thực ngổn ngang bi thiết trong tiểu thuyết, nhưng ánh sáng của niềm tin, sự cứu rỗi vẫn như mạch ngầm truyền chảy trong từng trang chữ. Đời người là một cuộc từ bi. Các nhân vật sư thầy Vô Chấp, Vô Úy được xây dựng như biểu tượng của tinh thần Phật giáo.  

Cậu bé An từ tro tàn tuyệt vọng khoác lên tấm áo nhà sư, rồi nhận lệnh nhập ngũ, ra chiến trường, trở về sau ngày đất nước thống nhất, trở lại với cuộc sống đời thường… Một cuộc đời tưởng chừng nhỏ bé trong thân phận muôn người nhưng “tiếng nói vô danh” ấy lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết. “Kiếp nhân sinh là con đom đóm. Chẳng ai thắp mà vẫn sáng. Nghĩa là con người vốn có ánh sáng trong mình. Trong đêm đen, con đom đóm cố hết sức để tự phát sáng. Ánh sáng ấy nhỏ nhoi, yếu ớt lắm. Nhưng dù sao cũng là ánh sáng” - suy nghĩ của nhân vật An, tư tưởng của nhà văn toát lên thứ ánh sáng kỳ lạ ở trang cuối tác phẩm.  
Sau cơn bĩ cực, có những người dân nghèo của làng Sọ đã “đội gạo lên chùa” vì niềm tin, sự kính cẩn gửi về bóng từ bi... 

Bùi Tiểu Quyên

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI