Doanh nghiệp khó được chấp thuận giảm thuế VAT

06/05/2020 - 06:49

PNO - Đề xuất giảm 50% thuế giá trị gia tăng (VAT) để hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại do dịch COVID-19 đã bị các bộ, ngành bác, với lý do thuế này do người tiêu dùng chịu chứ không phải doanh nghiệp.

Không chỉ thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, lệ phí trước bạ khi đăng ký xe ô tô, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu… cũng khó được Bộ Tài chính chấp thuận giảm. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành để trình Thủ tướng dự thảo nghị quyết về các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong đại dịch COVID-19. 

nói thuế giá trị gia tăng không ảnh hưởng đến doanh nghiệp là không đúng. Nếu người dân không mua hàng hóa thì lấy gì doanh nghiệp tồn tại
Nói thuế giá trị gia tăng không ảnh hưởng đến doanh nghiệp là không đúng. Nếu người dân không mua hàng hóa thì lấy gì doanh nghiệp tồn tại.

Bộ Tài chính đề nghị bỏ nội dung đề xuất giảm 50% thuế giá trị gia tăng do thuế này là thuế gián thu, tức người tiêu dùng trả chứ không phải doanh nghiệp. Còn đối với doanh nghiệp, toàn bộ thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ với thuế giá trị gia tăng đầu ra khi xác định số thuế phải nộp, nên không ảnh hưởng đến chi phí. Trước đề nghị của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã không đưa đề xuất này vào bản tổng hợp trình Thủ tướng, thay vào đó là đề xuất cho phép hoãn nộp thuế giá trị gia tăng đến tháng 9/2020.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng không đồng ý giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã vì cho rằng nó trùng lắp với một số chính sách dự kiến áp dụng. Bộ này cũng không chấp thuận giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu đầu vào của các ngành vận tải, chỉ giảm thuế cho nguyên liệu bay để cứu ngành hàng không. Riêng các ngành khác, Bộ Tài chính lý giải, Luật Bảo vệ môi trường không quy định việc miễn, giảm thuế bảo vệ môi trường; còn với ngành vận tải, bộ này cho rằng không nên miễn giảm thuế do giá xăng dầu giảm mạnh.

Bộ Tài chính cũng không chấp thuận đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đến hết năm 2020, vì cho rằng sẽ vi phạm cam kết quốc tế khi phân biệt đối xử giữa hàng hóa sản xuất trong nước với hàng hóa nhập khẩu.

Trong khi đó, một số chuyên gia kinh tế không đồng tình với quan điểm này của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo họ, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhu cầu tiêu dùng nội địa yếu hẳn, sức mua giảm mạnh. Các ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu như nhựa, may mặc, giày da, điện tử, ô tô, đồ gỗ… phá sản hoặc đứng trước nguy cơ phá sản không chỉ vì thiếu nguyên liệu sản xuất mà có sản xuất cũng không ai mua. Hàng hóa không tiêu thụ được, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực như vận chuyển, lưu kho, bốc vác…

Hiện nay, khi mua bất kỳ một sản phẩm, dịch vụ hàng hóa nào, người tiêu dùng đều phải chịu 10% thuế giá trị gia tăng nên nếu giảm 50% thuế, sẽ kéo theo giá hàng hóa, dịch vụ giảm, từ đó kích thích người tiêu dùng gia tăng mua sắm, nhất là trong bối cảnh các nước đang đóng cửa biên giới, hàng Việt ùn ứ, không xuất được.

Theo ông Nguyễn Đức Nghĩa - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đại lý thuế TP.HCM - nói “thuế giá trị gia tăng không ảnh hưởng đến doanh nghiệp” là không đúng. Nếu người dân không mua hàng hóa thì doanh nghiệp lấy gì tồn tại. Hơn nữa, dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng đến người dân. Bằng chứng là, tính tới giữa tháng 4/2020, số lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là 5 triệu người. Với mỗi hộ gia đình, chỉ cần có một người lao động bị giảm hoặc mất thu nhập, cũng khiến họ thắt chặt chi tiêu.

Riêng với thuế bảo vệ môi trường, các chuyên gia cho rằng, từ khi áp dụng việc thu thuế từ năm 2012, tổng số thu từ sắc thuế này liên tục tăng, từ 11.000 tỷ đồng năm 2012 lên gần 69.000 tỷ đồng dự thu trong năm 2019, trong đó xăng dầu đóng góp hơn 90%. Thời gian qua, nguồn chi để bảo vệ môi trường cụ thể ra sao vẫn chưa được nêu rõ, gây bức xúc cho doanh nghiệp và dư luận. Do đó, đây là khoảng thời gian nên miễn giảm loại thuế này để hỗ trợ doanh nghiệp. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI