Dịch COVID-19 kéo mua sắm chi tiêu của người tiêu dùng giảm mạnh

05/05/2020 - 17:23

PNO - Sau nhiều năm tăng, lần đầu tiên tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm giảm 4,27% so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo hoạt động công nghiệp và thương mại tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2020 của Bộ Công thương, hoạt động mua sắm hàng hóa, chi tiêu của người tiêu dùng giảm mạnh do dịch COVID-19.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 ước tính đạt 293,9 ngàn tỷ đồng, giảm 20,52% so với tháng trước và giảm 26% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,3%). Trong đó, doanh thu bán lẻ đạt 257,39 ngàn tỷ đồng, tương ứng giảm 13,45% và 15,31%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 16,8 ngàn tỷ đồng, giảm 50,4% và 64,72%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 88 tỷ đồng, giảm 97,55% và 45,17%; doanh thu dịch vụ khác đạt 19,65 ngàn tỷ đồng, giảm 47,24% và 53,34%.

Các Trung tâm thương mại vắng hoe, quần áo thời trang là một trong những nhóm hàng có daonh thu giảm mạnh
Các trung tâm thương mại vắng hoe, quần áo thời trang là một trong những nhóm hàng có doanh thu giảm mạnh

Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.519,9 ngàn tỷ đồng, giảm 4,27% so với cùng kỳ năm trước (tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng các năm 2015-2019 lần lượt là: 10,7%; 10%; 10%; 11,3%; 11,9%).

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 4 tháng đầu năm ước tính đạt 1.224,45 ngàn tỷ đồng, chiếm 80,56% tổng mức và chỉ tăng 0,41% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó chỉ có lương thực, thực phẩm tăng 4,48%; các ngành còn lại giảm: đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình giảm 1,23%; may mặc giảm 4,44%; phương tiện đi lại giảm 6,43%; vật phẩm văn hoá, giáo dục giảm 9,96%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 4 tháng đầu năm ước tính đạt 143,04 ngàn tỷ đồng, chiếm 9,41% tổng mức và giảm 23,62% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành 4 tháng ước tính đạt 7,86 ngàn tỷ đồng, chiếm 0,52% tổng mức và giảm 45,17% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ khác 4 tháng ước tính đạt 144,6 ngàn tỷ đồng, chiếm 9,51% tổng mức và giảm 13,22% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo Bộ Công thương, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại, cần tập trung bám sát diễn biến, chủ động và sẵn sàng các phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả với những biến động mới phát sinh và các sự cố có thể xảy ra.

Một trong những giải pháp trọng tâm Bộ Công thương đưa ra là phải bảo đảm đầy đủ thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho người dân. Phối hợp với các địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả hàng hóa trên thị trường nội địa, đặc biệt là các mặt hàng có thể mất cân đối cung cầu do nhu cầu đột biến từ dịch bệnh để kịp thời có biện pháp điều hành.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI