Doanh nghiệp chỉ thấy mình được hỗ trợ… trên ti vi

11/05/2020 - 07:39

PNO - Các gói hỗ trợ đã được giải ngân nhưng rất nhiều doanh nghiệp chưa thể tiếp cận chúng.

Hỗ trợ theo kiểu… đánh đố

Chính phủ, các bộ, ngành đã công bố các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn do dịch COVID-19 như giảm 10% giá bán lẻ điện, hỗ trợ về vốn (được giãn nợ, vay lãi suất ưu đãi, giảm phí), gia hạn thời gian nộp thuế, tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí, lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn, được vay tiền trả lương ngừng việc cho người lao động… nhưng hiện phần lớn DN đều chưa được hưởng các chính sách này. Nhiều DN đã làm thủ tục để nhận hỗ trợ nhưng nản lòng vì các yêu cầu như đánh đố.

Các doanh nghiệp kiệt sức do dịch COVID-19 nhưng muốn được hỗ trợ, phải hội đủ các điều kiện kiểu… đánh đố
Các doanh nghiệp kiệt sức do dịch COVID-19 nhưng muốn được hỗ trợ, phải hội đủ các điều kiện kiểu… đánh đố

“Đã rất nhiều lần, DN không tiếp cận được các gói hỗ trợ từ Nhà nước chứ không phải riêng lần này. Hiện nay, điều chúng tôi lo là tìm đơn hàng, đầu ra cho sản phẩm chứ không phải bỏ thời gian lo giấy tờ để đạt các yêu cầu nhằm nhận được sự hỗ trợ” - vị lãnh đạo công ty trên nói.

Ông cũng khẳng định, nếu không có gì thay đổi trong chính sách, sau ba tháng, chắc chắn sẽ không có bao nhiêu DN nhận được khoản hỗ trợ để trả lương. Các gói hỗ trợ dù bằng tiền nhưng cũng chỉ như món ăn tinh thần. Chẳng hạn, theo một lãnh đạo Công ty cổ phần May Nhà Bè, muốn vay được tiền để trả lương ngừng việc cho người lao động, phải có từ 20% hoặc tối thiểu 30 lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bị ngừng việc ít nhất một tháng; đã trả tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động trong thời gian từ ngày 1/4 đến hết ngày 30/6/2020; người sử dụng lao động không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng; đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương, phải gửi hồ sơ yêu cầu…

Đưa ra tiêu chí phải có lao động nghỉ việc, không lẽ DN đuổi lao động để đạt tiêu chí? Trong khi đó, các DN đang tìm mọi cách để giữ chân công nhân, chờ ngày phục hồi sản xuất. 

Ông Lê Văn Duẩn - Giám đốc Công ty Du lịch Thử Thách Việt - cho biết, công ty đang làm các thủ tục để được hưởng các chính sách tạm ngưng đóng bảo hiểm xã hội, thuế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động... nhưng thấy quá khó khăn, nhiều thủ tục phức tạp. Điều kiện bắt buộc là DN phải có từ 30 nhân sự trở lên, trong khi công ty chỉ có khoảng 20 người. Công ty đã tính đến khả năng không được hỗ trợ thì buộc phải cắt giảm 30-40% lương của người lao động mới hy vọng trụ được thêm một thời gian nữa. DN này hiện phải chuyển hướng tập trung khai thác lượng khách nội địa vì chưa biết đến khi nào các tour quốc tế mới được mở lại. Trước đây, lượng khách quốc tế của DN này chiếm tới 80-90%. 

Dệt may là một trong những ngành nghề chịu thiệt hại nhiều khi xảy ra dịch COVID-19
Dệt may là một trong những ngành nghề chịu thiệt hại nhiều khi xảy ra dịch COVID-19

Theo ông Lý Thành Sinh - Giám đốc Công ty TNHH Minh Long Hưng - ba tháng qua, công ty phải xoay xở vay lãi cao bên ngoài để trả lương nhằm giữ chân công nhân. Trong khi sản phẩm may mặc làm ra không thể tiêu thụ do người dân thắt chặt chi tiêu, công ty phải chuyển hướng sang may khẩu trang vải, tạp dề, đế lót nồi... để có công ăn việc làm cho công nhân. Nghe có gói hỗ trợ, DN muốn vay với lãi suất ưu đãi nhưng phải có tài sản thế chấp là nhà, xưởng, trong khi DN đã thế chấp nhà, xưởng từ trước.

Nằm trong số ít DN nhận được hỗ trợ mà chúng tôi biết, bà Nguyễn Thị Thủy Linh - Phó tổng giám đốc Phú Quốc Express - cho biết, mất hơn một tháng, làm hàng loạt thủ tục, số liệu chứng minh doanh thu sụt giảm, đời sống nhân viên khó khăn ra sao, kế hoạch trong tương lai gần, công ty mới được ngân hàng hỗ trợ giảm một phần lãi vay, gói vay trung hạn với lãi suất xấp xỉ 11%/năm được giảm còn 10,1%/năm và được lùi thời hạn trả nợ gốc ba tháng. 

“Mức giảm này chẳng thấm vào đâu so với các chi phí phát sinh hằng tháng như lương, bảo trì, bảo dưỡng tàu trong suốt thời gian cách ly xã hội. Việc gia hạn, miễn giảm thuế, các khoản liên quan đến chính sách xã hội vẫn chưa có bất cứ tín hiệu nào cho thấy mình sẽ được hỗ trợ” - bà Linh cho hay.

Chủ Doanh nghiệp ngao ngán

Ông Phạm Ngọc Hưng - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) - cho rằng, do tiêu chí đặt ra khó khăn nên dù 100% DN biết đến các gói hỗ trợ nhưng có đến 61% DN cho biết, việc tiếp cận các chính sách chưa thuận lợi. “Khi hỏi về lý do chưa thuận lợi, có 28% DN cho rằng các loại thủ tục còn phức tạp, 14% cho rằng cơ quan nhà nước chưa hướng dẫn nhiệt tình, 9% DN không có người làm do đã ngưng hoạt động và 49% DN không có ý kiến gì” - ông Hưng thông tin. 

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, dù họ còn có thể cầm chừng nhưng công nhân, người lao động cần được hỗ trợ khi phải tạm ngưng công việc
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, dù họ còn có thể cầm chừng nhưng công nhân, người lao động cần được hỗ trợ khi phải tạm ngưng công việc

Rất nhiều chủ DN tỏ ra ngán ngẩm khi đi tìm sự hỗ trợ. Ông Lý Thành Sinh cho rằng, gói hỗ trợ dường như chỉ nhắm vào một số đối tượng DN thực sự không xoay xở được, nợ lương công nhân, nợ thuế. Tiền hỗ trợ sẽ được chuyển thẳng vào tài khoản của người lao động hay cơ quan thuế để Nhà nước thu hồi lại số thuế này chứ không giúp được DN khôi phục sản xuất, kinh doanh. 

Ngay cả khi DN có tài sản thế chấp, cũng không dễ vay được tiền do các ngân hàng xét duyệt rất gắt gao. “Tôi tìm tới ngân hàng, nhân viên trả lời rằng dù chủ trương của Chính phủ là như vậy nhưng họ phải dựa vào chỉ đạo của hệ thống ngân hàng bên họ mà làm theo. Mặc dù Nhà nước có giúp đỡ nhưng DN không có cơ hội tiếp cận được gói hỗ trợ để vực dậy hoạt động sản xuất, kinh doanh sau dịch. Trong tình hình này, số DN đã, đang và sẽ phá sản rất nhiều. Sức mua trên thị trường cũng chưa phục hồi được. DN trụ lại và tồn tại được là khá lắm rồi, nói tới phát triển thì còn nhiều khó khăn lắm” - ông Sinh tâm sự.

Ông Đoàn Văn Khanh - Giám đốc DN tư nhân Long Thuận - chia sẻ, chỉ có tiền đóng bảo hiểm xã hội, thất nghiệp cho công nhân từ tháng Ba đến nay chưa bị ai đòi. Còn về gói hỗ trợ trả lương cho công nhân, đến nay, ông chưa nghe thông báo, chắc do địa phương thấy DN chưa đến nỗi chết liền nên chưa giúp đỡ. Đến nay, DN của ông vẫn phải nộp đầy đủ thuế hằng tháng chứ không được giãn thuế. Vì sao DN không chủ động liên hệ chính quyền địa phương để được hướng dẫn nhận hỗ trợ? Ông Khanh cho rằng, không biết liên hệ với đơn vị nào, vì cứ bị đá qua đá lại. “Hễ kêu gọi từ thiện, quyên góp tiền, chính quyền địa phương đến tận nhà kêu réo, còn đến khi DN cần hỗ trợ thì chính quyền địa phương mất tăm” - ông Khanh chua chát. 

Dù không làm thủ tục nhận gói hỗ trợ nào do vẫn còn cầm cự được, nhưng ông Hoàng Đức Huy - Giám đốc TransViet Travel - cho rằng, bất cứ DN nào cũng phải sử dụng lao động, mà hầu hết người lao động thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn, nên ông vẫn mong gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng đến được đối tượng thụ hưởng một cách sớm nhất có thể. TransViet Travel đã phải cho 60% nhân viên, người lao động tạm nghỉ việc không lương, số lao động này rất cần được hỗ trợ để trang trải cuộc sống, tiền nhà, tiền ăn, tiền sinh hoạt trong thời gian chờ đi làm lại. 

“Cách cho hơn của đem cho”

Theo ông Lý Thành Sinh, để giúp DN tiếp cận được gói vay ưu đãi nhằm vượt qua khó khăn, thay vì đặt nhiều điều kiện, thủ tục như đánh đố, Nhà nước có thể thông qua cơ quan thuế, hiệp hội DN, hiệp hội ngành nghề địa phương để đánh giá, xác nhận DN thực sự có khó khăn hay không. DN chỉ cần vay đúng số tiền đang cần và sử dụng đúng mục đích để phục hồi sản xuất, kinh doanh, thậm chí có thể không giải ngân trực tiếp cho DN vay mà chuyển thẳng cho bên cung cấp nguyên phụ liệu của công ty, DN sẽ khai báo thuế, hóa đơn, chứng từ đầy đủ, trả lãi suất đàng hoàng. 

Những công nhân thời vụ, lao động tự do là đối tượng cần được hỗ trợ trong thời điểm này
Những công nhân thời vụ, lao động tự do là đối tượng cần được hỗ trợ trong thời điểm này

Theo đại diện Công ty cổ phần May Nhà Bè, thay vì đưa ra gói hỗ trợ kèm xét duyệt tiêu chí, Chính phủ nên hỗ trợ trực tiếp bằng cách giảm tiền điện, nước, thuế. Ví dụ, giảm 50% tiền điện, sau đó lấy gói hỗ trợ này trả ngược lại cho điện lực là xong, không cần xét duyệt tiêu chí rườm rà.

“Trung Quốc đang cho phép DN không đóng thuế VAT từ đây đến cuối năm; Mỹ hỗ trợ mỗi người dân 1.000 USD. Đây mới là hỗ trợ thiết thực nhất. Việt Nam nghèo, nếu không có khả  năng như Mỹ hay Trung Quốc thì có thể giảm bớt một phần thuế cho DN. Trong khi đó, DN chỉ mới đề xuất giảm 50% thuế là Bộ Tài chính đã bác bỏ ngay và cho rằng thuế này là thuế gián tiếp. Chính sách giãn thuế cũng không mang tính hỗ trợ nhiều vì trước sau gì, doanh nghiệp cũng phải đóng thuế” - vị lãnh đạo DN này bức xúc. 

Đồng quan điểm, ông Phạm Ngọc Hưng cho rằng, khi xây dựng tiêu chí hỗ trợ, cần mở rộng đối tượng DN được hỗ trợ, thủ tục xin hỗ trợ cũng phải đơn giản nhất có thể, bởi dịch COVID-19 gây ảnh hưởng đến DN một cách trực tiếp lẫn gián tiếp.

Để hỗ trợ DN, Chính phủ cần kéo dài thời gian giãn thuế đến cuối năm thay vì chỉ có 3-5 tháng như hiện nay. Nếu DN nào bị phá sản và mua lại, cần có chính sách sẵn sàng giải cứu. Việc giúp DN tiếp cận gói hỗ trợ đang rất cấp bách, nên mỗi địa phương cần phải có một tổ công tác theo dõi, đôn đốc, giải quyết càng nhanh càng tốt. Đồng thời, cần có thêm nhiều giải pháp như kích cầu người dân tăng cường tiêu thụ sản phẩm trong nước, đẩy mạnh hơn nữa chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, kể cả các gói mua sắm công và tổ chức nhiều chương trình kết nối cung cầu” - ông Phạm Ngọc Hưng đề nghị. 

Cẩm - Lài - Thái

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI