Doanh nghiệp bất động sản xoay sở thích nghi với tình hình mới

07/09/2021 - 10:27

PNO - Dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường bất động sản, các doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực không ngừng để thích nghi với tình hình mới.

Rầm rộ mở bán online

Trong thời gian giãn cách xã hội nghiêm ngặt do dịch bệnh, các chủ đầu tư, đại lý môi giới bất động sản (BĐS) vẫn không ngừng thiết lập thông tin dự án, chính sách kinh doanh, cách thức và lộ trình bán hàng thông qua các hình thức trực tuyến như livestream để duy trì hoạt động. Nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn mở bán sản phẩm của dự án mới.

Hơn một tháng qua, nhà phát triển BĐS quốc tế Masterise Homes thuộc Tập đoàn Masterise Group liên tục tổ chức sự kiện trực tuyến giới thiệu dự án Masteri Centre Point (TP. Thủ Đức) thông qua nền tảng trực tuyến Masterise Homes app với hình thức livestream, khách hàng xem nhà qua video 360 độ, hình ảnh 3D. Trước khi bắt đầu sự kiện, Masterise Homes đã tổ chức các buổi đào tạo trực tuyến cho hơn 600 chuyên viên tư vấn của dự án. 

Các doanh nghiệp bất động sản đang đầu tư mạnh vào hình thức bán hàng online để duy trì, tìm cách mở rộng hoạt động trong thời gian dịch bệnh. (Trong ảnh: Khách hàng mở app Masterise Homes để xem thông tin về dự án)
Các doanh nghiệp bất động sản đang đầu tư mạnh vào hình thức bán hàng online để duy trì, tìm cách mở rộng hoạt động trong thời gian dịch bệnh. (Trong ảnh: Khách hàng mở app Masterise Homes để xem thông tin về dự án)

Tập đoàn Hưng Thịnh cũng vừa giới thiệu dự án Moonlight Centre Point (Q.Tân Bình) thông qua hình thức livestream. Ngày 3/9, FLC Homes (thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn FLC) cũng tổ chức giới thiệu dự án FLC Quảng Bình Beach & Golf Resort quy mô 2.000ha tại tỉnh Quảng Bình bằng hình thức trực tuyến. Tập đoàn Danh Khôi giới thiệu dự án Khu phức hợp đô thị thương mại dịch vụ và du lịch biển Lagi New City với quy mô 43,4ha tại thị xã La Gi, tỉnh 
Bình Thuận.

Mỗi tuần, Tập đoàn Thắng Lợi đều tổ chức giới thiệu các dự án, sản phẩm của DN thông qua hình thức livestream trên fanpage (trang trên mạng xã hội Facebook) của tập đoàn, trong đó có sử dụng công nghệ như sa bàn ảo, phần mềm True360, trải nghiệm nhà mẫu 360 độ. Tập đoàn BĐS An Gia cũng phục vụ và chăm sóc khách hàng thông qua các kênh online và ứng dụng AnGia+ nhằm đảm bảo sự thuận tiện và an toàn cho khách hàng giao dịch.  

Mới đây, Công ty Vinhomes cũng nâng cấp ứng dụng Vinhomes online theo tiêu chí tối ưu hóa trải nghiệm của người dùng, đem lại sự tiện lợi tối đa cho người mua nhà. Khách hàng có thể tham quan dự án qua sa bàn ảo, từ đó lựa chọn căn hộ mà mình yêu thích chỉ với vài cú 
nhấp chuột.

Ông Jason Turnbull - Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc tài chính của Masterise Homes - nhận định: “Đại dịch ảnh hưởng rất lớn đến thói quen mua sắm và đầu tư của mọi người. Hình thức giới thiệu trực tuyến vừa cho thấy sự thích ứng của DN với tình hình mới, vừa là bước chuẩn bị của chúng tôi cho sự trở lại sau đại dịch”.

Thích nghi để tồn tại

Theo ông David Jackson - Tổng giám đốc Colliers Việt Nam - các DN BĐS đã rất nhanh nhạy nắm bắt xu hướng, xoay xở trong khó khăn. Hình thức bán hàng online có lợi thế riêng là tạo sự tương tác đa dạng và tỏ ra thuận lợi khi Việt Nam có dân số trẻ, tỷ lệ sử dụng internet cao (hơn 70%).

Tính năng livestream của nhiều ứng dụng, nền tảng mạng xã hội sẽ gia tăng sức thuyết phục, giúp khách hàng có thể quan sát sản phẩm BĐS một cách sinh động, xác thực. Phương thức này còn giúp khách hàng ở xa có thêm kênh tiếp cận dự án. Nếu làm một cách chuyên nghiệp, có ê-kíp hỗ trợ với các thiết bị chuyên dụng, người thuyết trình có kiến thức và kỹ năng giới thiệu tốt, livestream sẽ là “vũ khí” rất lợi hại. 

“Nhìn chung, các phương thức này hết sức tiện lợi, chi phí rẻ và nhất là an toàn trong giai đoạn dịch bùng phát. Các kênh online hiện nay vẫn chưa thể thay đổi hoàn toàn kênh offline nhưng vẫn giúp DN gia tăng nhận diện thương hiệu và duy trì kết nối với khách hàng” - ông David Jackson nói.

Ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc nghiên cứu và phát triển, Công ty DKRA Vietnam - cho biết việc mở bán sản phẩm BĐS trực tuyến trong thời gian giãn cách xã hội đã mang lại những kết quả nhất định, cho thấy các chủ đầu tư đã rất linh hoạt. Xu hướng này bắt đầu từ năm ngoái nhưng chưa gây sự chú ý.

Sang năm 2021, khi các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng nhiều hơn, xu hướng này cho thấy nhiều lợi ích và sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới, ngay cả khi việc giãn cách xã hội từng bước được nới lỏng và gỡ bỏ. Hình thức bán hàng này giúp DN duy trì hoạt động kinh doanh, có doanh thu, tiết kiệm chi phí cho các sự kiện trực tiếp. Tất nhiên, với hình thức này, khách hàng khó cảm nhận đầy đủ được sản phẩm thực.  

Ông Lê Hoàng - Quản lý cao cấp mảng định giá của Tập đoàn Propzy - nhận định từ đầu năm 2020 đến tháng 8/2021, giao dịch BĐS tại TPHCM vẫn được ghi nhận đi ngang và tăng nhẹ ở vài khu vực. Cuối năm 2020, nhờ ngăn chặn dịch thành công, làn sóng đầu tư BĐS ở TPHCM dần phục hồi cho đến nửa đầu năm 2021. Dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng nhìn chung, giao dịch BĐS vẫn có chuyển biến tốt. Bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng ổn định và đang ở mức thấp nhất từ năm 2010 trở lại đây giúp áp lực trả nợ của nhà đầu tư và DN không bị tăng lên, kênh đầu tư BĐS vẫn đang được đánh giá tốt. 

Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc CBRE Việt Nam - lưu ý trong thời điểm này, khách hàng có tiềm lực tài chính có thể tìm mua sản phẩm giá rẻ, còn nhà đầu tư mới có thể tham gia thị trường vì đây là khoảng thời gian im ắng, dễ tìm được sản phẩm phù hợp với mình. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần kiểm soát được rủi ro về dòng tiền, nguồn tài chính của mình vì diễn biến đại dịch vẫn khó đoán định. 

Đồng quan điểm, chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang cho rằng: “Trong lúc ngồi nhà chống dịch, khách hàng có thể chọn lọc cẩn thận dự án, sản phẩm để đầu tư. Khách nên chọn những chủ đầu tư có sản phẩm bàn giao từ năm 2023 để khả năng an toàn cao hơn, chọn chủ đầu tư có chính sách thanh toán kéo dài, dự án đảm bảo đầy đủ tính pháp lý”. 

Vẫn có không ít doanh nghiệp bất động sản được thành lập trong đại dịch 

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện có khoảng 20% số sàn giao dịch BĐS hoạt động theo phương thức bán hàng trực tuyến, áp dụng công nghệ vào việc quản lý thông tin, quản lý giao dịch, thanh toán, quảng cáo, số còn lại vốn chỉ làm trung gian môi giới thì hầu như phải tạm dừng hoạt động.

Dù dịch bệnh đang hoành hành nhưng số DN BĐS thành lập mới vẫn tăng. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong sáu tháng đầu năm 2021, số DN kinh doanh BĐS đăng ký thành lập mới tăng 44,8%,  có 831 DN BĐS tạm ngừng trước đó nay quay lại hoạt động, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2020. Nhiều DN BĐS vẫn tiếp tục đặt ra mục tiêu lợi nhuận cao hơn năm 2020. 

Bộ Xây dựng nhận định, dịch bệnh bùng phát trên diện rộng và kế hoạch giãn cách xã hội kéo dài ở nhiều tỉnh, thành tạo tâm lý lo ngại thị trường BĐS sẽ trầm lắng trong quý II/2021. Tuy nhiên, thực tế, thị trường BĐS tại Việt Nam vẫn có dấu hiệu phục hồi, thậm chí một số phân khúc có triển vọng tăng trưởng tốt. Các DN BĐS vẫn rất tích cực bám thị trường, đẩy mạnh thanh khoản ngay cả trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội thông qua nhiều hình thức như giới thiệu và bán hàng trực tuyến.

Bích Trần

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI