Đỏ lửa nướng bánh chờ xuân

08/01/2023 - 07:30

PNO - Đợi tháng mưa lụt đi qua, nắng cuối Chạp bắt đầu hanh vàng nơi đọt cau trước nhà, má lại nhóm lò trấu tráng bánh còn tôi quạt nồi than hồng. Đây là mùa rộn ràng nhất năm.

 

Mấy chục năm qua, má luôn gắn bó với cái lò trấu tráng bánh - Ảnh: T.H.
Mấy chục năm qua, má luôn gắn bó với cái lò trấu tráng bánh - Ảnh: T.H.

Ngày tôi chưa ra đời, trong nhà đã luôn có 2 bếp lửa, một bếp củi nấu ăn và một bếp trấu tráng bánh tráng. Sau này, khi cuộc sống khấm khá hơn, má đổi bếp củi thành bếp ga, rồi chuyển sang bếp điện để kho cá, nấu canh. Cho tới lúc đó, lò tráng bánh vẫn đỏ lửa mỗi ngày.

Bên ngoài lò bánh tráng tô xi măng, bên trong là gạch đỏ, một đầu bịt kín để vừa cái nồi đồng lớn, một đầu lò hở nhằm cho vỏ trấu vào. Vỏ trấu cháy lâu, ngun ngún đỏ, muốn lửa lớn thì thêm mấy khúc củi dương liễu.
Gạo làm bánh tráng thường được má ngâm qua đêm rồi xay thành bột nước. Phải đảm bảo bột nước mịn, không quá đặc cũng không được lỏng. Sau đó, má áng chừng tỉ lệ gia vị thêm vào bột nước, đầy đủ muối, mắm, đường, bột ngọt, tỏi, hành tím, tiêu.

Tờ mờ sáng, khi mọi người còn say giấc, má đã lụi cụi thức dậy nhóm lò. Má đổ nước vô nồi, đặt trên miệng nồi tấm vải trắng mỏng kéo căng vừa khít. Khi nồi nước sôi sùng sục, má múc một vá bột nước, rắc chút mè và đổ lên miếng vải, nhanh tay dùng vá cán đều cho bột trải ra thành hình tròn trên lớp vải, rồi đậy nắp nồi.
Chừng 1, 2 phút sau, má mở nắp nồi, lấy đũa tre dài thọc dưới lớp bánh, từ từ lấy bánh ra rồi tiếp tục với vá bột khác... Trong lúc đợi bánh chín, cái bánh vừa lấy ra được trải đều lên vỉ lưới. 

Hồi má mới chân ướt chân ráo về làm dâu, bà nội đã truyền nghề cho má, rồi tới lượt má chỉ bày tôi từng công đoạn. Má tráng bánh còn tôi bưng vỉ ra vườn dựng lên phơi. Phơi bánh tráng phải chịu khó chạy theo nắng, mặt trời chiếu tới đâu thì đặt vỉ bánh tới đó.

Nhà tôi thường dùng thau nhôm đựng than nướng bánh. Thời chưa có quạt máy, phải dùng mo cau, bìa giấy quạt lia lịa. Bữa nắng, tôi hay bưng chậu nướng ra vườn mượn gió trời thổi than. Phải canh than vừa đủ đỏ: nếu than yếu, bánh sẽ chai sượng còn khi than phựt thành ngọn lửa dễ khiến bánh cháy đen.

Má luôn nướng bánh tráng mè bằng than củi. Má biểu than tổ ong độc hơn than gỗ, mùi khói khét ám vô khiến bánh tráng nướng không ngon. Trên thau than có một thanh sắt nhỏ bắc ngang. Bánh tráng được đặt lên thanh sắt đó, rồi dùng một thanh sắt khác đè nhẹ lên mép để bánh thẳng ra, không bị cong khi nướng.  

Từ hồi 4 tuổi, tôi đã ngồi chồm hổm ngó má nướng bánh, lau dùm mồ hôi đang thấm ướt tóc mai của má. Không biết từ khi nào, tôi đã học được cách nướng và trở bánh nhanh gọn như má. Nướng bánh phải lật thật nhanh tay, nướng vàng đều hết các mặt. Má bày tôi đeo thêm bao tay vải khi cầm bánh tráng để đỡ nóng. Bánh tráng nướng trên than hồng thơm phức, giòn rụm, beo béo. Vị bánh tráng mè có chút mặn ngọt, bẻ nhỏ ăn với mì Quảng, xúc hến xào, xúc mít trộn, nhúng nước cuốn thịt heo… là đúng bài. Đôi khi, bẻ miếng bánh tráng ăn không hoặc chấm chút nước mắm nhai rồm rộp cũng ngon cực kỳ.

Ngày nắng nướng bánh khá cực. Than nóng hong đỏ mặt, mồ hôi tuôn ra lem nhem bụi tro. Mùa mưa mà ngồi bên bếp trấu tráng bánh hay nồi than nướng bánh thì thích lắm, ấm phải biết. Vậy nhưng trời mưa dầm khó phơi khô bánh, phải sấy bằng than, bánh ẩm ẩm dịu dịu kém ngon. Vì lẽ đó, mùa nắng, má tôi luôn tranh thủ tráng bánh rồi cất vô bao, cột kỹ để dành. Cũng giống như bất kỳ người con nào của quê nghèo miền Trung, má chắt chiu từng chút nắng dành dụm cho những ngày mưa bão.

Đợi tháng mưa lụt đi qua, nắng cuối Chạp bắt đầu hanh vàng nơi đọt cau trước nhà, má lại nhóm lò trấu tráng bánh còn tôi quạt nồi than hồng. Đây là mùa rộn ràng nhất năm. Người người tới đặt bánh tráng để làm chạp mả, tất niên, cúng cơm tết. Má dặn kỹ, bánh tráng để ăn thì nứt mẻ xíu cũng được nhưng cái bánh đặt trên bàn thờ gia tiên phải tròn trịa, to dày và không nứt bể.

Cận tết, thay vì ngồi canh nồi bánh tét, bánh tổ hay bánh thuẫn như mọi nhà, năm nào tôi cũng canh lửa nướng bánh tráng mè cùng má. Có khi hàng xóm đem mấy đòn bánh tét qua biếu má, đổi lại, họ cầm ràng bánh tráng nướng về nhà. Người nhà quê hay cho đi để nhận lại những điều nhỏ bé, giản dị như vậy. Không ai cân đo đong đếm thiệt hơn làm chi.

Đều đặn mấy chục năm trời, má ngồi thổi than nướng bánh tới giao thừa. Chiều tối 30 tết, mấy bà mẹ quê hay tới tiệm gội đầu làm móng, chỉ mình má vẫn thoăn thoắt đôi tay với nồi than hồng. Mới mùng Hai tết, nhà nhà còn đang du xuân, má đã bắt đầu nhóm lò trấu tráng bánh. Chừng như má chỉ nghỉ ngơi được duy nhất ngày đầu năm.

Lò bánh tráng của má đỏ lửa thắp cho tôi những giấc mơ nho nhỏ. Xa nhà, tôi vẫn luôn giữ trong tim mình hương vị bánh tráng nướng thơm mè. Khi đứa con xa quê kéo chiếc vali dọc con đường làng, thấy mấy vỉ bánh tráng dựng trên hàng rào dưới nắng, biết rằng bao dấu yêu vẫn còn ở đó chờ ta trở về. 

Về nhà, trong gian bếp nhỏ, có đứa con gái lại quạt than phụ má nướng bánh chờ xuân. 

Ny An

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsaigonanvatvi /strCate=saigonanvat
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEangididauvi /strCate=angididau