Diện mạo trong tranh của "Bỉ vỏ" và "Thương nhớ mười hai"

11/12/2021 - 18:01

PNO - "Bỉ vỏ", "Thương nhớ mười hai" - những tác phẩm khởi đầu cho Tủ sách Văn chương và Mỹ thuật - được in kèm bộ tranh minh họa đặc sắc.

Thương nhớ mười hai là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà văn Vũ Bằng, được nhà xuất bản Nguyễn Đình Vượng in lần đầu vào năm 1972. Phiên bản mới có bộ tranh minh họa của họa sĩ trẻ Duy Hưng - dựa trên cảm hứng tranh lụa của những năm đầu thế kỷ XX vừa được Đông A Books và Nhà xuất bản Văn học ấn hành.

Những bức tranh vẽ thiếu nữ, người phụ nữ, đôi vợ chồng... được minh họa trong tác phẩm đi cùng với những câu văn giàu mỹ cảm, gợi hình tượng của nhà văn: "Cái trăng tháng Giêng, non như người con gái mơn mởn đào tơ", "Người vợ bé nhỏ thắp hết tuần nhang này đến tuần nhang kia", "Lúc bóng tối chưa tan, chong một ngọn đèn con lên pha trà ngâm thơ", "Hai vợ chồng nhìn nhau không nói, đun nước rồi pha một ấm trà..."

Hai bản sách được đầu tư in rất đẹp
Hai bản sách được đầu tư in rất đẹp

Phong cách vẽ hoài cổ đặt bên cạnh những trang viết hoài niệm trữ tình khiến cho Thương nhớ mươi hai như một tuyệt tác của chữ cùng những gam màu. Bìa tác phẩm là hình đôi thiếu nữ bên loại trái cây đặc sản của miền Bắc: "Ờ phải, cũng vào cữ này đây, ở Bắc Việt bắt đầu có vải"...Tác phẩm gồm 13 chương sách, gồm mười hai chương dành để nói về mười hai tháng trong năm và chương cuối có tiêu đề: "Tết, hỡi cô mặc cái yếm xanh".

Trong phần Tự ngôn, nhà văn Vũ Bằng viết về mười hai tháng trong năm là “mười hai cuộc đổi thay tiết trời, mười hai sự rung động uyển chuyển của năm tháng, của chim muông, của sắc đẹp, của hoa lá, của thương yêu, tình tứ”.

Còn Bỉ vỏ là tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Nguyên Hồng, cũng là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất trong sự nghiệp của ông. Lần tái bản này, Đông A sử dụng bản in lần đầu vào năm 1938 của nhà xuất bản Đời nay. Tranh minh họa cho tác phẩm này do họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ đảm nhận. 

Buổi ra mắt hai tác phẩm vào sáng ngày 11/12 cũng là hoạt động khởi đầu cho Tủ sách Văn chương và Mỹ thuật
Buổi ra mắt hai tác phẩm vào sáng ngày 11/12 cũng là hoạt động khởi đầu cho Tủ sách Văn chương và Mỹ thuật

BTV Đạt Nhân - công ty sách Đông A cho biết, đơn vị lựa chọn những tác phẩm văn học đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc, nổi bật nhất trong sự nghiệp của nhà văn và đại diện cho một giai đoạn văn chương để đưa vào Tủ sách Văn chương và Mỹ thuật. Việc sử dụng các bản in lần đầu cũng là mong muốn hồi nguyên những giá trị cũ. 

Nhận định về giá trị khi một tác phẩm văn học kết hợp cùng hội họa, PGS.TS Võ Văn Nhơn, trường ĐH KHXH&NV TPHCM cho rằng, đó có thể sẽ là những ấn bản sách có giá trị hàng trăm năm.

"Cách đây nhiều năm, khi tôi đến thăm nhà lưu niệm Đông Hồ (Hà Tiên, Kiên Giang), nhìn thấy tác phẩm của nhà văn Nguyễn Tuân được in trên giấy dó, còn lưu thủ bút của nhà văn và phần tranh của họa sĩ Nguyễn Gia Trí. Bản sách ấy đã trở thành bảo vật của nhà lưu niệm. Văn học Việt Nam nói chung và văn học miền Nam nói riêng vẫn còn có rất nhiều tác phẩm hay có thể đưa vào Tủ sách, ví dụ Mê Thảo thời vang bóng, thơ Xuân Diệu, thơ Nguyễn Bính hay các tác phẩm của nhà văn Hồ Biểu Chánh..." - PGS.TS Võ Văn Nhơn gợi ý.

Một số tác phẩm minh họa trong Thương nhớ mười hai
Một số tác phẩm minh họa trong Thương nhớ mười hai

Bỉ vỏThương nhớ mười hai là hai tác phẩm khởi đầu cho Tủ sách Văn chương và Mỹ thuật. Các ấn bản được đầu tư chăm chút, in theo khổ 16cmx24cm. Trong lần in này, ngoài những ấn bản bìa cứng cao cấp có ruột in 4 màu, trên giấy GV76-BB định lượng 100gsm, Đông A còn phát hành phiên bản giới hạn và 105 bản đặc biệt.

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI