Thông minh sáng tạo = 0 vội vã + 0 lo âu + 0 lệ thuộc

08/11/2019 - 06:30

PNO - Đó là công thức mà một đô thị thông minh, sáng tạo cần hướng tới khi xác định được thách thức và giải pháp, theo tiến sĩ Nguyễn Hoàng Bảo - giảng viên chính, Trường đại học Kinh tế TP.HCM.

Ông cho rằng, kẹt xe, rác thải, ô nhiễm, ngập nước, thực phẩm bẩn… đều xuất phát từ vấn đề tư duy. Giải pháp cơ bản là phải thay đổi tư duy. “Những điều này đã được chúng tôi góp ý từ lâu” - ông nói.

Tư duy một chiều và rời rạc
Phóng viên: Xin ông vui lòng đi thẳng vào giải pháp cho những vấn đề mà ông vừa nêu?

Dien dan Phat trien TP.HCM thong minh, sang tao Thong minh sang tao =  0 voi va + 0 lo au + 0 le thuoc

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Bảo: Theo tôi, chúng ta đã mở thêm nhiều đường sá, nhưng tốc độ phát triển giao thông đô thị vẫn kém hơn hoặc không kịp với phát triển kinh tế, dẫn đến tình trạng nghẽn mạch mặt đường.

Ở các nước phát triển, họ dùng giải pháp phân tầng. Nhật Bản có đến 9 tầng giao thông dưới lòng đất. Sài Gòn là đô thị được thiết kế cho 2-3 triệu dân, bây giờ đã trên 10 triệu mà cũng chỉ có một tầng trên mặt đất thì làm sao tránh được kẹt xe?

Về môi trường, mật độ cây xanh trên 1km2 đang dưới chuẩn, nên người ta bảo “ở TP.HCM dễ kiếm tiền nhưng khó thở”. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng không khí và sức khỏe người dân. Tôi đã đề xuất trồng cây xanh trên mái nhà và chỉ tiêu này cần đưa về từng quận, huyện chứ không thể để một ngành quản lý dọc nào đó thực hiện, vì họ chỉ làm theo nguồn lực hữu hạn mà thôi.

Chính phủ một số nước đóng vai trò phát động và người dân, doanh nghiệp sẽ trực tiếp tham gia. Liên quan đến vấn đề rác thải, TP.HCM nên học tập TP.Đà Nẵng về chế độ phạt thật triệt để đối với hành vi xả rác không đúng nơi quy định. Chương trình phân loại rác cũng vậy, cần học những kinh nghiệm ở các nước để tránh tình trạng phân loại đầu nguồn nhưng lại nhập làm một ở điểm tập kết, trung chuyển.

* Dường như tất cả đều đã có những bài học kinh nghiệm, mô hình từ các nước phát triển hoặc ngay chính tại Việt Nam…

- Chúng ta chịu ảnh hưởng quá nhiều của văn hóa Khổng giáo, cứ từ trên áp xuống, chứ không có đối thoại. Không có đối thoại thì làm sao phát triển được? Đấy, ngay như việc Báo Phụ Nữ TP.HCM phỏng vấn tôi đây, làm tôi nhớ ra: cũng lâu lắm rồi, từ khi đi học 10 năm ở nước ngoài về, mới có người đến hỏi ý kiến đóng góp cho thành phố.

Tư duy một chiều sẽ cho hệ quả phát triển tương ứng. Lấy ví dụ về ngập úng. Hiện tồn tại tư duy “Sơn Tinh - Thủy Tinh”, đắp cao chỗ này để nước lại tràn qua chỗ kia. Chúng ta không thiết lập cốt đường như ngày xưa hoặc như các nước phát triển hiện tại. Họ có cốt đường, tức là chiều cao mặt đường không được vượt qua cốt đường. Làm đường mà cao hơn cốt đường thì phải cào đi. Đằng này, Việt Nam ta có lẽ do chi phí đào xuống cao gấp đôi chi phí đắp lên, thành thử mạnh ai nấy đắp. Khi chỗ này cao lên thì nước sẽ tràn qua chỗ khác thấp hơn, chẳng giải quyết được gì và hậu quả là ngập.

Dien dan Phat trien TP.HCM thong minh, sang tao Thong minh sang tao =  0 voi va + 0 lo au + 0 le thuoc
 

Một giải pháp đơn giản để chống ngập, như người Hà Lan thường áp dụng, là cho nước mưa thấm xuống đất luôn. Còn đô thị của ta phủ kín xi măng, nhựa đường, chẳng còn chỗ đâu để nước thấm.

Ngoài tư duy một chiều, còn có sự phát triển rời rạc của các giá trị, hay nói cách khác là thiếu tính liên kết giữa các giá trị với nhau. Trường học chỉ dạy chứ không hề biết liên kết với các doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ biết làm, còn chính phủ thì mặc chính phủ, nhà nghiên cứu thì mặc nhà nghiên cứu, ít ai có liên quan đến ai. Ở nước ngoài, chính các trường học là nơi thường gửi các kiến nghị hoặc kết quả nghiên cứu của họ cho chính phủ xem xét, tham khảo.

Sự rời rạc còn thể hiện ở các bộ, ngành. Giao thông công chánh làm đường thì cứ làm đường, còn mặc thủy cục, điện lực, cáp viễn thông. Mạnh ai nấy làm, không hề có sự phối hợp để đồng bộ, tránh lãng phí. Ở cấp độ địa phương cũng vậy, phát triển rời rạc, địa phương nào biết địa phương đó, ít có tư duy phát triển liên vùng. Ví dụ, vị thế của TP.HCM trong vùng Đông Nam bộ trong thời gian tới là gì, tầm nhìn đó trong dài hạn của TP.HCM ra sao, chúng tôi cũng rất sẵn sàng đóng góp ý kiến…

Chính phủ bỏ quên sức mạnh cộng đồng

* Ông có thể góp một ý kiến hiện thực nhất cho tư duy liên vùng mà ông đề cập?

- TP.HCM cần phát triển cảng biển. Quốc gia nước khai thác cảng nước sâu lớn nhất Đông Nam Á là Singapore đang rất sợ con đường biển do Trung Quốc phát triển băng thẳng qua Vịnh Thái Lan nhờ kênh đào nhân tạo. Thế nhưng, tình thế này lại mang đến vị trí trung tâm cho Sài Gòn.

Để phát triển cảng biển, chắc chắn TP.HCM phải có kế hoạch phát triển kinh tế liên đới vùng đô thị. Điều này không những mở ra giao thương đường biển, mà còn kết nối giao thông xuyên Á và toàn cầu bằng đường bộ, đường hàng không.

Nhân đây, tôi cũng xin góp thêm ý nhỏ này. Một thành phố có bề dày lịch sử, văn hóa như Sài Gòn - TP.HCM, tại sao không phát triển mô hình thành phố thu nhỏ?

Madurodam, địa điểm tham quan “thành phố thu nhỏ” nổi tiếng ở The Hague (Hà Lan), luôn mang lại nguồn thu lớn cho thành phố từ bán vé, cũng như giúp du khách và cả người dân địa phương dễ tìm hiểu về lịch sử, văn hóa cốt lõi của thành phố. Madurodam hấp dẫn mọi lứa tuổi vì được thu nhỏ theo tỷ lệ tương ứng và mô phỏng sinh động hệt như thế giới thực với đường phố, xe cộ, tàu điện, người dân, công trình kiến trúc, cầu cảng, sân bay và mọi sinh hoạt diễn ra như thế giới tí hon. Không riêng gì Madurodam, các nước phát triển thường có địa điểm thu nhỏ tương tự.

* Xem ra còn quá nhiều thách thức “chủ quan” trên con đường phát triển TP.HCM theo hướng thông minh, sáng tạo?

- Dĩ nhiên, đối với định hướng đô thị thông minh thì các đòi hỏi về phát triển kinh tế chia sẻ (sharing economy), hay phát triển chuỗi khối (blockchain), trí tuệ nhân tạo, số hóa hàng hóa và dịch vụ là những thách thức luôn hiển hiện, nhưng không quá khó để thực hiện và mới chỉ là điều kiện cần, thiên về công nghệ.

Dien dan Phat trien TP.HCM thong minh, sang tao Thong minh sang tao =  0 voi va + 0 lo au + 0 le thuoc
Nút giao thông Đại học Quốc gia TP.HCM được khởi công vào tháng 4/2016, nằm trong dự án mở rộng Xa Lộ Hà Nội và quốc lộ 1 (đoạn từ ngã 3 Trạm 2, TP.Hồ Chí Minh đến nút giao Tân Vạn, Đồng Nai). Dự án do Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh (CII) làm chủ đầu tư, tổng kinh phí dự án lên đến 3.640 tỉ đồng - Ảnh: Minh Thanh

Cái khó là phải tư duy từ chất lượng cuộc sống. Đô thị thông minh, sáng tạo không cho phép sống vội vã, lo âu và lệ thuộc. Muốn như thế, dùng sức mạnh từ chính phủ là chưa đủ, dùng sức mạnh từ thị trường cũng chưa đủ, mà phải đừng quên sức mạnh của cộng đồng. Tôi hình dung, đô thị thông minh, sáng tạo giống như khi người dân đã tự ý thức việc hiến đất để con hẻm được mở rộng, giá trị mang đến thật to lớn cả về tinh thần lẫn kinh tế cho cả khu dân cư.

Cuối cùng, tôi cho rằng, đi liền với đô thị thông minh, sáng tạo là thể chế thông minh. Trước tiên, cần thông minh hơn so với thể chế hiện nay, đó là phải có sự tham gia của các thành phần, trong đó có trí thức. Thể chế đó có thể đối thoại từ dưới lên chứ không phải từ trên ấn xuống. Trong thời đại tri thức hiện nay, phải đặt đối thoại lên hàng đầu vì chúng ta không giấu giếm được bất cứ thứ gì khi nói sai, làm sai.

Công nghệ, tài chính, trí thức... là những thứ ta có trong tầm tay, nhưng rào cản thể chế đã ràng hết mọi thứ lại khiến cái gì cũng chậm chạp, thủ tục quá nhiều, can thiệp của Chính phủ quá lớn. Chúng ta cần một thể chế tốt, thông minh tức là minh bạch, sáng kiến cải cách phải từ dưới lên. Trí thức của ta hiện như những ngọn nến cháy đơn lẻ chứ chưa bùng lên thành ngọn đuốc, không được dùng, ít được lắng nghe.

* Có lẽ, ông muốn nói đến cơ chế chọn nhân sự hiện nay?

- Cơ chế chọn người tài phải dựa trên cơ sở hội đồng trung lập xét tuyển chứ không nên theo cơ chế “sống lâu lên lão làng”, hay cơ chế thứ bậc. Tại sao phải xếp hàng chờ đến lượt trong công tác nhân sự? Tôi có một học trò cho biết, em thuộc diện “quy hoạch”. Cứ sáu tháng một lần, sếp của em phải lên báo cáo cấp trên về sự tiến bộ của em, vì sau này em là đội ngũ kế thừa. Không biết có nước nào trên thế giới làm như thế không? 

Tại sao chúng ta kêu gọi tận dụng nhân tài mà lại triệt để áp dụng quy hoạch trước, liệu có nghịch lý? Muốn có nhân sự giỏi, phải tuân theo thị trường.

Thể chế thông minh ở đây là thể chế mà nhà nước tạo ra một hành lang pháp lý, rồi những thủ tục hành chính để các tác nhân trong ngành kinh tế vận hành một cách nhuần nhuyễn, với chi phí giao dịch thấp nhất và ổn định, phát triển. Còn thể chế tạo ra quá nhiều tham nhũng, đặc quyền đặc lợi, quá nhiều chi phí giao dịch thì đó là thể chế kém phát triển.

* Xin cảm ơn ông. 

Quốc Ngọc (Thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI