Điểm chuẩn đại học chót vót, còn cơ hội nào cho thí sinh trượt đợt một?

17/09/2021 - 14:24

PNO - Từ chiều 15/9 đến 17 giờ ngày 16/9, các trường đại học trên cả nước công bố điểm chuẩn trúng tuyển bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2021. Kết quả cho thấy điểm chuẩn năm nay tăng đột biến. Cơ hội cho thí sinh trượt đợt này khá mong manh khi nhiều trường khẳng định khả năng sẽ không xét nguyện vọng bổ sung.

Ba môn đều 10 điểm chưa chắc đậu

Điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT của Trường đại học (ĐH) Hồng Đức (tỉnh Thanh Hóa) vào ngành sư phạm ngữ văn chất lượng cao lên đến 30,5. Mức điểm chuẩn này dành cho thí sinh không có điểm ưu tiên khu vực, đối tượng. Như vậy, thí sinh không được cộng điểm ưu tiên, dù thi đạt điểm 10 tuyệt đối ở cả ba môn xét tuyển (tổng điểm 30) vẫn không trúng tuyển. Ngành sư phạm lịch sử chất lượng cao cũng có điểm chuẩn lên đến 29,75. Không chỉ các ngành chất lượng cao, điểm chuẩn các ngành sư phạm đại trà cũng cao chót vót: sư phạm ngữ văn 27,75; sư phạm lịch sử 28,5; sư phạm địa lý 26,25. Đây là mức điểm chuẩn chưa từng có ngành, trường sư phạm nào đạt được trước đây.

Tương tự, điểm chuẩn nhiều ngành sư phạm của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng ở mức cao. Chẳng hạn, ngành sư phạm hóa học và sư phạm ngữ văn cùng lấy mức 27 điểm; sư phạm tiếng Anh 27,15 điểm… Còn Trường ĐH Sài Gòn, bốn ngành có điểm chuẩn cao nhất trường đều rơi vào  các ngành sư phạm: sư phạm toán, sư phạm ngữ văn, sư phạm hóa học và sư phạm tiếng Anh.

Thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM đợt một - ẢNH: PHÚC TRẦN
Thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM đợt một - ẢNH: PHÚC TRẦN

Theo lý giải của các trường, điểm thi của thí sinh năm nay rất cao, cộng thêm ngành sư phạm có nhiều thí sinh đăng ký dẫn đến điểm chuẩn cao hiếm thấy. Có lẽ, nghị định mới về hỗ trợ sinh viên sư phạm (được miễn học phí, cấp phí sinh hoạt hằng tháng) đã thu hút thí sinh giỏi. Đây chính là lý do điểm chuẩn các ngành sư phạm tăng mạnh so với năm trước. 

Ngành Hàn Quốc học của Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) ở tổ hợp văn - sử - địa có điểm chuẩn là 30. Như vậy, một thí sinh không có điểm ưu tiên khu vực, đối tượng phải đạt ba điểm 10 mới trúng tuyển. Năm 2020, ngành này cũng có điểm chuẩn 30. 

Tại Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), ngành Hàn Quốc học lấy từ 26 - 26,45 điểm, tùy tổ hợp. Thạc sĩ Trần Nam, Trưởng phòng Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp của trường, lý giải: Ngành Hàn Quốc học hay ngành tiếng Hàn đang có xu hướng phát triển mạnh tại nhiều trường, điểm chuẩn khá cao. Việc làm sau tốt nghiệp của cử nhân Hàn Quốc học rất tốt do đặc điểm nghề nghiệp rất rộng mở. Bên cạnh đó, tác động của làn sóng văn hóa Hàn Quốc khiến cho giới trẻ Việt Nam yêu mến đất nước Hàn Quốc hơn thông qua phim ảnh, ca nhạc, thời trang, mỹ phẩm… Nhiều học sinh đã có ý định học ngành này từ rất sớm.

Điểm chuẩn tăng… đột biến

Trong 24 giờ công bố điểm chuẩn vừa qua, nhiều trường, ngành đã có mức điểm trúng tuyển tăng cao đến ngỡ ngàng. Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM có đến 33 ngành có điểm chuẩn từ 25 điểm trở lên. Còn Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM lấy điểm chuẩn các ngành tăng hơn năm ngoái từ 1 - 4,5 điểm. Trong đó, ngành quản trị khách sạn có mức tăng nhiều nhất, đến 4,5 điểm. Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), Trường ĐH Mở TP.HCM, Trường ĐH Tài chính Marketing… đều có những ngành điểm chuẩn lên đến 25 - 27 điểm. 

Hay như Trường ĐH Ngoại thương có mức điểm chuẩn cao ngất khi ngành thấp nhất lấy từ 28,05 điểm và ngành cao nhất là 28,55 điểm trở lên. Nghĩa là mỗi môn thi phải đạt trên dưới 9,5 điểm mới trúng tuyển. 

Không ngoài dự đoán, các ngành học khối sức khỏe tiếp tục có mặt trong danh sách nhóm ngành điểm tuyển cao. Như tại Trường ĐH Y Dược TP.HCM, ngành cao nhất lên tới 28,20 điểm là y khoa. Các ngành khác cũng có mức cao từ 22 - 27,65 điểm. Tương tự, tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, điểm chuẩn các ngành từ 21,35 - 27,35 điểm. Trong đó, cao nhất vẫn là ngành răng hàm mặt với 27,35 điểm dành cho thí sinh toàn quốc và ở mức 26,6 dành cho thí sinh hộ khẩu TP.HCM. Kế đến là ngành y khoa với 27,35 điểm (thí sinh toàn quốc) và 26,35 điểm (thí sinh TP.HCM).

Còn tại khu vực phía Bắc, Trường ĐH Dược Hà Nội công bố điểm chuẩn vào hai ngành là dược học và hóa dược với mức điểm lần lượt là 26,25 và 26,05 điểm. Trường ĐH Y Hà Nội có ngành y khoa lấy điểm chuẩn 28,85; tiếp theo là ngành răng hàm mặt với 28,45 điểm.

Những ngành “hot” của các trường quân đội đều lấy mức điểm chuẩn 28 -gần 30 điểm. Như Học viện Kỹ thuật quân sự lấy 28,93 điểm với thí sinh nam, khu vực miền Bắc; 29,23 điểm với thí sinh nữ, khu vực miền Nam. Học viện Quân y lấy 28,50 điểm với thí sinh nữ, khu vực miền Bắc; 29,43 điểm với thí sinh nữ, khu vực miền Nam. Tại Học viện Biên phòng, ngành biên phòng lấy 28,52 điểm (thí sinh nam, Quân khu 7); 28,51 điểm (thí sinh nam, Quân khu 9).

Các ngành ngôn ngữ của Học viện Khoa học Quân sự đều lấy điểm rất cao: ngành ngôn ngữ Anh: 29,44 điểm, ngôn ngữ Nga: 29,30 điểm, ngôn ngữ Trung Quốc: 26,65 điểm…

Còn cửa nào cho thí sinh bị trượt?

Thạc sĩ Nguyễn Hải Trường An, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết: Có rất nhiều thí sinh đạt 24 - 25 điểm nhưng vẫn trượt vì theo quy chế, khi các thí sinh bằng điểm sẽ xét bằng tiêu chí phụ, nếu vẫn còn ngang nhau phải xét tới ưu tiên thứ tự nguyện vọng. Bởi có rất nhiều thí sinh điểm cao nhưng đăng ký thứ tự nguyện vọng chưa chính xác cũng rớt… rất đau. Tính tới thời điểm này, nhiều khả năng trường sẽ không xét nguyện vọng bổ sung (NVBS). 

Thí sinh tìm hiểu ngành nghề tại các ngày hội hướng nghiệp- tuyển sinh
Thí sinh tìm hiểu ngành nghề tại các ngày hội hướng nghiệp- tuyển sinh

Tương tự, thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, khẳng định trường sẽ kết thúc mùa tuyển sinh sau đợt nhập học này, kể cả bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT hay học bạ. Thực ra, thí sinh nếu trượt ở đợt xét tuyển lần này sẽ còn rất ít cơ hội ở NVBS, vì hầu hết trường ĐH công lập sẽ “chốt” sổ sau đợt một mà không tuyển NVBS. Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng không có nhiều khả năng tuyển NVBS. 

Còn tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết: Năm nay, nhiều khả năng trường cũng sẽ không xét tuyển bổ sung. Tuy vậy, thí sinh vẫn còn cơ hội vì trường còn một đợt xét học bạ vào ngày 30/9. Nếu tỷ lệ nhập học đúng như chỉ tiêu phân bổ, trường cũng sẽ kết thúc tuyển sinh vào ngày 30/9 để ổn định đào tạo.

Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn đang tiếp tục nhận hồ sơ xét tuyển đợt cuối bằng kết quả học bạ theo hai phương thức: xét tuyển học bạ lớp 12 và xét tuyển học bạ bằng kết quả năm học kỳ (hai học kỳ lớp 10, hai học kỳ lớp 11 và học kỳ I lớp 12), thời gian nhận hồ sơ kết thúc vào ngày 30/9. Đây được xem là cơ hội cuối cùng cho những thí sinh chưa trúng tuyển.

Trong khi đó, đại diện Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết phải đợi đợt nhập học này kết thúc mới biết chính xác có tuyển NVBS hay không.

Còn tiến sĩ Mai Đức Toàn, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Gia Định, cho hay sẽ tuyển thêm 200 chỉ tiêu bằng phương thức xét học bạ (đến hết ngày 25/9) và 200 chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT ở đợt xét NVBS.

 

Một nguồn tin cho hay nhiều khả năng, kỳ thi đánh giá năng lực đợt hai do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức sẽ không diễn ra do tình hình dịch bệnh tại TP.HCM và nhiều tỉnh, thành vẫn còn diễn biến phức tạp. Dự kiến hôm nay, 17/9, ĐH này sẽ có thông báo chính thức về kỳ thi.

Trao đổi vào tối 16/9, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM Vũ Hải Quân cho biết: Với tình hình hiện nay, rất khó để có thể tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực đợt hai. Đối với tình huống không thể tổ chức, các trường ĐH thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM đã thêm phương thức xét tuyển học bạ đối với thí sinh không thể dự thi tốt nghiệp do dịch COVID-19 và được xét đặc cách tốt nghiệp THPT. Các trường thành viên dành khoảng 5% để xét đối tượng này.

Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2021 được tổ chức đợt một vào ngày 28/3 cho 69.826 thí sinh tại: TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, An Giang, Bến Tre, Bạc Liêu và Buôn Ma Thuột. Đợt hai có hơn 26.000 thí sinh đăng ký dự thi và dự kiến tổ chức thi vào ngày 4/7 tại TP.HCM, An Giang, Khánh Hòa và Đà Nẵng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên kỳ thi đã được dời thời gian tổ chức cho đến nay.

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI