Điểm chuẩn các trường phía Bắc tăng phi mã: Hơn 8 điểm/môn vẫn trượt đại học

16/09/2021 - 20:44

PNO - Điểm chuẩn ngành nào cũng tăng, có ngành tăng 2-3 điểm thậm chí có ngành tăng 11 điểm khiến nhiều thí sinh lâm cảnh trượt tất cả các nguyện vọng.

Điểm chuẩn Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội năm nay khiến nhiều thí sinh bất ngờ do điểm chuẩn cũng cao ngất. Cụ thể, ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành điểm chuẩn cao nhất với 26 điểm (năm 2020 lấy 15,05 điểm - tăng 10,95 điểm), ngành Tài chính - Ngân hàng với 25,25 điểm (tăng 10,05 điểm), ngành Kinh doanh quốc tế 25,5 điểm (tăng 9,9 điểm so với năm 2020). Còn các ngành học khác đều tăng từ 5 đến 9 điểm.

Nếu năm 2020 điểm chuẩn của Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội từ 15 đến 22,35 điểm thì năm nay từ 18 đến 26 điểm. Như vậy, năm nay thí sinh cần đến gần 9 điểm mỗi môn mới đủ khả năng trúng tuyển những ngành học điểm cao nhất.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Học viện Chính sách và Phát triển cũng có điểm chuẩn tăng mạnh ở các ngành xét tuyển theo hai tổ hợp có môn Tiếng Anh như A01 và D01.

Trong đó, 3 ngành tăng từ 5 điểm trở lên, gồm Kinh tế phát triển (tăng 5,85), Quản lý Nhà nước (tăng 5,75), Luật kinh tế (tăng 5 điểm). Hai ngành khác có mức tăng lớn là Kinh tế (tăng 4,95 điểm), Kế toán (tăng 4,8 điểm).

Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng là một trong những trường "nhảy vọt" về điểm trúng tuyển. Trong đó, ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, xét tuyển theo tổ hợp A00, A01, C00, D01, tăng đến 9 điểm, từ 16 điểm (năm 2020) lên 25 điểm (năm 2021). Ngành Marketing cũng có mức tăng tương đương, từ 17 lên 26 điểm. Tương tự, ngành Ngôn ngữ Anh tăng 9 điểm, từ 15 lên 24.

Tương tự, tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, điểm chuẩn khối D01 của ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành tăng gần 8 điểm, từ 16,7 (năm 2020) lên 23,95 điểm (năm 2021).

Ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội cho hay, năm nay, điểm chuẩn các ngành đào tạo của trường hầu như không tăng nhiều. “Các ngành Sư phạm Toán, Sư phạm tiếng Anh không biến động nhiều bởi tầm 28 điểm cũng có thể vào diện kịch trần, hơn 9 điểm/môn vốn đã quá cao”, ông Minh phân tích.

Được 24,5 điểm theo tổ hợp khối A00 nhưng Thúy Nga - nữ sinh Hà Nội - sốc khi mình trượt tất cả 9 nguyện vọng.

“Em đăng ký 4 nguyện vọng ưu tiên vào Đại học Thương mại nhưng năm nay trường này lấy điểm ngành thấp nhất cũng là 25,8 điểm nên e trượt 4 nguyện vọng vào ngành này. Ngoài ra em có đăng ký thêm một số ngành tại Học viện Chính sách và Phát triển cũng như Đại học Tài nguyên Môi trường thì cũng có ngành thiếu 0,5 điểm mới đỗ. Vậy là dù điểm thi không quá thấp nhưng em cũng trượt đại học. Em đang tìm một số trường xét tuyển nguyện vọng bổ sung nhưng em biết cơ hội với mình không nhiều”, Nga cho hay.

Nguyễn Hoàng L. (Nam Định) cũng đang không biết đi đâu về đâu khi 12 năm học luôn đứng top đầu của lớp, trải qua nhiều kỳ thi học sinh giỏi các cấp, đạt điểm 26 điểm khối C00 nhưng trượt cả 4 nguyện vọng vào ngành Báo chí, Văn học của Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Học viện Báo chí và Tuyên truyền....

Sau khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều thí sinh cũng đã dự đoán điểm chuẩn năm nay sẽ có xu hướng tăng do ảnh hưởng của các yếu tố khác nhau nhưng không lường được mức độ phi mã đến mức trượt tất cả các nguyện vọng.

PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trường đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, điểm chuẩn năm nay tăng do điểm thi tốt nghiệp cao hơn năm trước, thí sinh tăng số nguyện vọng xét tuyển nhiều lên, tập trung vào các trường top, ngành hot.

Còn theo TS. Trần Khắc Thạc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường đại học Thủy lợi thì điểm chuẩn tăng cao do số lượng thí sinh năm nay đông hơn những năm trước, tổng chỉ tiêu của toàn hệ thống đại học không tăng và phổ điểm kỳ thi THPT năm 2021 cao hơn những năm trước.

Hoàng Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI