Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế “địa chỉ đỏ” giáo dục tinh thần yêu nước

05/10/2022 - 17:54

PNO - Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế được đào vào năm 1967. Đây là nơi diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng, có ý nghĩa của quân dân Trị -Thiên.

Ngày 5/10, Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế (P. Hương Vân, thị xã Hương Trà) được Sở VH-TT Thừa Thiên - Huế  tổ chức lễ khánh thành sau thời gian tu bổ, tôn tạo. Đây là công trình di tích lịch sử cách mạng do ông Lê Tư Minh (Tư Minh) - Phó Bí thư Khu uỷ, Bí thư Thành ủy Huế, Chỉ huy trưởng Mặt trận Huế chỉ đạo đào địa đạo.

Ông Nguyễn Văn Phương, chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế tham gia địa đạo
Ông Nguyễn Văn Phương, chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tham quan địa đạo

Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế được đào vào tháng 8/1967, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn khốc liệt. Thực hiện ý đồ chiến lược của Trung ương, nhằm mở hướng tiến công ở Đường 9, tạo điều kiện cho các chiến trường phát triển, nhất là chiến trường Trị Thiên Huế, Khu uỷ Trị Thiên Huế đã quyết định đào địa đạo tại khu vực Khe Trái nhằm tạo thế liên hoàn giữa vùng núi, đồng bằng và đô thị, phá thế kìm kẹp, chia rẽ của địch. Đồng thời làm căn cứ chỉ huy, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Bộ chỉ huy Quân khu trực tiếp chỉ đạo các mũi tiến công vào thành phố Huế trong dịp Tết Mậu Thân 1968.

Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế nhìn từ trên cao
Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế nhìn từ trên cao

Việc đào địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế được tiến hành tuyệt đối bí mật, trong điều kiện hết sức khó khăn và nguy hiểm. Lực lượng đào địa đạo đa số là người đồng bào dân tộc, cùng một số lực lượng công an trinh sát... Việc đào địa đạo được tiến hành khẩn trương, dụng cụ thô sơ như cuốc, xẻng, thuổng, rìu rựa... đất đá được bí mật vận chuyển đổ xuống suối để tránh địch phát hiện. Sau một thời gian triển khai gấp rút, địa đạo đã được hoàn tất, trở thành “đại bản doanh” trụ sở của Bộ Chỉ huy Quân khu Trị Thiên Huế.

Đường vào địa đạo phải theo đi đò theo hướng từ lòng hồ thủy  điện Hương Điền đi lên
Đường vào địa đạo phải theo đi đò theo hướng từ lòng hồ thủy điện Hương Điền đi lên

Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế có hình chữ Y, gồm có 3 cửa ra vào, nằm trên triền dốc 2/3 của đồi 160, có tổng chiều dài hơn 100m. Trong lòng địa đạo có phòng ngủ, phòng hội họp, trụ mắc võng. Bên ngoài địa đạo có bếp Hoàng Cầm, hầm cảnh vệ, trận địa pháo, giao thông hào...

Các cựu chiến binh cùng lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên- Huế tham quan địa đạo
Các cựu chiến binh cùng lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế tham quan địa đạo 

Qua thời gian, dưới tác động của thiên nhiên, một số cửa địa đạo đã bị vùi lấp. Năm 1997, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh (nay là Bảo tàng Lịch sử) tiến hành khai thông địa đạo và phát hiện một số hiện vật như bi đông đựng nước, máy khâu, xoong nồi, nắp bếp... Đây là những hiện vật đặc biệt có giá trị lịch sử, thông qua những hiện vật đã minh chứng cho những ngày hoạt động của cán bộ và chiến sĩ tại đây.

Bên trong địa đạo Trị Thiên Huế
Bên trong địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế

Với những giá trị lịch sử tiêu biểu nói trên, ngày 13/2/1996, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ban hành Quyết định số 310/QĐ-BT xếp hạng Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế nhằm phục vụ du khách đến tham quan, nghiên cứu, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phê duyệt dự án bảo tồn, phát huy Khu chứng tích, với kinh phí hơn 6 tỷ đồng, gồm tu bổ, phục hồi 3 cửa hầm địa đạo theo nguyên trạng….

Phát biểu tại buổi lễ khánh thành, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương bày tỏ niềm tự hào về sự hình thành, hoạt động của Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế trong quá trình kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI