“Đi leo núi Phú Sĩ không?”

25/05/2024 - 13:24

PNO - Khi những tảng băng cuối cùng trên núi Phú Sĩ tan biến, người dân Nhật Bản và hàng ngàn du khách sẽ bắt đầu hành trình chinh phục đỉnh núi để tận hưởng khoảng khắc đón bình minh ở độ cao 3.776m.

Khung cảnh lộng lẫy của bình minh trên đỉnh núi ở độ cao 3.776m
Khung cảnh lộng lẫy của bình minh trên đỉnh núi ở độ cao 3.776m

“Đi leo núi Phú Sĩ không?” - tôi nhận tin nhắn từ một người bạn vào tháng Năm. Mới đi Nhật ngắm hoa anh đào trước đó vài tuần nên tôi khá lưỡng lự. Bạn tôi nhắn thêm câu: “Mỗi năm chỉ có 2 tháng mùa hè được leo lên đỉnh núi thôi, người ta xếp hàng để được leo lên đó ngắm mặt trời mọc đấy”. Tôi chốt hạ: “Đi”.

Chuyến đi chinh phục “nóc nhà nước Nhật”

Vốn yêu thích các hoạt động thể thao ngoài trời nên tôi không lo lắng gì khi được yêu cầu phải vận động tích cực thì mới có thể gia nhập hành trình. Chuyến đi Nhật trước đó tôi đã có dịp đến núi Phú Sĩ nhưng chỉ ở độ cao khoảng hơn 2.000m. Lần này được leo lên đỉnh núi, tôi rất háo hức.

Đối với người Nhật, núi Phú Sĩ không chỉ là biểu tượng du lịch mà còn là điểm đến tâm linh. Vì vậy, vào mùa hè, luôn có rất nhiều người sẵn sàng xếp hàng chờ đợi để được leo núi. Cách duy nhất để lên đỉnh là đi bộ.

Có 4 tuyến đường lên Phú Sĩ với độ khó từ thấp đến cao lần lượt là Yoshida, Fujinomiya, Subashiri và Gotemba. Nhóm của tôi sức khỏe không đồng đều, có người trước đó chưa bao giờ trekking nên cả nhóm chọn tuyến Yoshida - tuyến trekking được xem là dễ nhất và đẹp nhất - để chinh phục núi Phú Sĩ. Nói là dễ nhưng với tuyến này, người có tốc độ trung bình sẽ mất khoảng 9,5 tiếng đi lên núi và khoảng 4,5 tiếng để xuống núi. So với các tuyến trekking nổi tiếng ở Việt Nam thì độ khó phải cộng thêm 2, 3 cấp.

Cái nắng gay gắt của mùa hè khiến tuyết trên núi hoàn toàn tan biến. Chúng tôi bay đến Tokyo trước khi leo núi 1 ngày. Tất cả quyết định nghỉ ngơi dưỡng sức, chỉ đi quanh khách sạn một chút rồi về.

Ngắm mặt trời mọc ở độ cao 3.776m cùng những người bạn khắp 5 châu

Tuyến trail Yoshida được khoảng 70% du khách lựa chọn. Mỗi ngày có khoảng 2.000-3.000 khách trekking núi Phú Sĩ
Tuyến trail Yoshida được khoảng 70% du khách lựa chọn. Mỗi ngày có khoảng 2.000-3.000 khách trekking núi Phú Sĩ

Sáng hôm sau, tôi và các đồng đội đi xe lên trạm 5 của núi Phú Sĩ nằm ở độ cao 2.305m (từ dưới chân núi lên đến đỉnh được chia thành 10 trạm). Hôm đó là ngày cuối tuần nên trạm 5 có hàng ngàn người. Thời gian mở cửa leo núi hạn chế mà lượng người muốn chinh phục núi Phú Sĩ rất lớn. Theo thống kê, vào mùa hè, mỗi ngày nơi đây đón từ 3.000 đến 5.000 người leo núi đổ về.

Tuyến Yoshida được 70% người chinh phục núi Phú Sĩ lựa chọn. Vì vậy, hành trình của chúng tôi khá đông vui, nhộn nhịp. Đi trước chúng tôi là một nhóm người Nhật mặc yakuta và nói chuyện vui vẻ. Tôi nghe loáng thoáng những người này mỗi tuần leo núi 1 lần. Mỗi lần, họ lại chọn 1 tuyến leo khác cho đỡ… chán. Phía sau chúng tôi là một cô gái Nhật đi một mình. Chúng tôi có ý chờ để hỗ trợ cô khi cần. Dù không nói với nhau câu nào nhưng dường như cô cũng biết ý nên thi thoảng nhìn chúng tôi với ánh mắt biết ơn kèm nụ cười có phần e thẹn.

Khoảng 18g, các nhóm lần lượt đặt chân lên trạm 8 ở độ cao 3.250m (có nhiều trạm 8). Đây là điểm dừng chân ăn uống, nghỉ ngơi. Lúc này, trời chuyển khá lạnh. Ở trạm 8 có một căn nhà dài, nơi mọi người có thể ăn uống và ngủ. Một số người thấm mệt nên xin túi ngủ và chọn chỗ để nằm sớm. Bữa tối với món duy nhất được phục vụ là cơm cà ri. Món ăn này được chọn cho khách leo núi vì theo nghiên cứu, nó có khả năng cung cấp năng lượng cho những người hoạt động mạnh.

Du khách dừng chân ngắm biển mây bên dưới núi Phú Sĩ
Du khách dừng chân ngắm biển mây bên dưới núi Phú Sĩ

Trong lúc nghỉ ngơi, ăn uống, tôi và các đồng đội tranh thủ chụp ảnh, làm quen với các thành viên khác. Các nhóm đến từ Đan Mạch, Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan… nói chuyện bằng ngôn ngữ và chân tay loạn xạ nhưng rất vui.

Sau bữa tối, mọi người lần lượt lấy túi ngủ và lặng lẽ chọn chỗ để nghỉ ngơi. Dù được giới thiệu là tuyến trekking dễ đi nhất nhưng so với nhiều tuyến ở Việt Nam, đây vẫn là tuyến đi ở mức độ khó nên ai
cũng mệt.

Đang ngủ ngon lành sau nửa ngày vui vẻ, hơn 23g, nhân viên của lán nghỉ gọi mọi người dậy để chinh phục nốt đoạn đường cuối.

4 tiếng tiếp theo lại là một hành trình khó khăn bởi đường đi còn khó hơn chặng đường trước đó. Trời tối và lạnh, chúng tôi đều cố gắng “vượt lên chính mình”. Một số đoạn của tuyến đi này không có đường đi mà phải trèo qua các đoạn đá núi lửa. Chỉ cần không tập trung hoặc thiếu cẩn thận có thể trượt chân.

Bình minh khó quên

Tác giả tại lữ quán ở trạm 7 trên núi Phú Sĩ
Tác giả tại lữ quán ở trạm 7 trên núi Phú Sĩ

Khoảng 4g sáng, nhóm chúng tôi đã nhìn thấy chiếc cổng Torri với 2 bức tượng komainu (chó sư tử giám hộ) - dấu hiệu đã đến đỉnh núi. Chỉ cần bước qua cánh cổng nhỏ này là chính thức đặt chân lên độ cao 3.776m.
4g15 sáng, gần như tất cả các nhóm leo núi đều đã có mặt xung quanh khu vực đỉnh núi. Mọi người chọn chỗ ngồi hoặc đứng trên các tảng đá, hướng về phía Đông. Ánh sáng đầu tiên bắt đầu ló dạng. Mọi người đều yên lặng tận hưởng khoảnh khắc mặt trời từ từ nhô lên từ biển mây. Cảm giác đó thật hãnh diện mà ngôn từ không thể diễn tả. Cả hành trình leo núi đầy vất vả nhưng khoảnh khắc nhìn thấy mặt trời khiến ta có thể quên hết. Đó là bình minh đẹp nhất tôi từng được chiêm ngưỡng.

Chúng tôi vẫn tiếp tục dành thêm chút thời gian khám phá miệng núi lửa, chụp ảnh lưu niệm. Có người còn chọn dịch vụ gửi bưu thiếp về cho người thân, bạn bè hoặc chính mình ngay ở bưu điện nhỏ xíu trên đỉnh núi.
Người Nhật có câu: “Leo núi Phú Sĩ một lần là đủ. Chỉ có kẻ ngốc mới leo 2 lần”. Với tôi, đây là hành trình kỳ diệu bởi không chỉ được trải nghiệm những khó khăn của hành trình mà còn được đứng trên nóc nhà của nước Nhật chiêm ngưỡng ánh bình minh rực rỡ nơi đất nước mặt trời mọc. Đó còn là niềm vui được kết nối với những bạn đồng hành cũ và mới trong suốt chặng đường, bằng tâm hồn yêu thiên nhiên rộng lớn. Thế nên tôi đã nguyện… được làm kẻ ngốc.

• Dù là tuyến dễ nhất trong số 4 tuyến lên đỉnh núi nhưng độ khó của đường đi vẫn khá cao. Nếu thường xuyên tham gia các hoạt động thể thao ngoài trời, bạn sẽ rất phù hợp; ngược lại, bạn cần luyện tập ít nhất 3-4 tuần trước ngày khởi hành.

• Hành trình leo núi Phú Sĩ được xếp vào loại hấp dẫn nên luôn thu hút lượng lớn du khách. Đối với người Nhật, đây là ngọn núi thiêng nên có rất nhiều người leo núi. Vì vậy, du khách cần đặt dịch vụ sớm để tránh tình trạng các nhà nghỉ hết chỗ.

• Núi Phú Sĩ có rất nhiều trạm trùng tên nhau, chỉ khác tên các vị trí và vô số tuyến phụ. Tuyến đường đi lên và đi xuống cũng khác nhau nên khi leo, phải chú ý đi theo người hướng dẫn, tránh bị lạc đường hoặc lạc qua tuyến khác.

• Tất cả dịch vụ trên núi có giá thành khá cao nhưng hợp lý bởi không dễ để vận chuyển đồ lên núi. Bạn cần chuẩn bị tiền lẻ để sử dụng.

• Nếu muốn chinh phục đỉnh núi này, bạn nên đặt tour qua một công ty để được lo các dịch vụ như vé máy bay, khách sạn, các dịch vụ trên núi… để thoải mái tâm trí tập trung cho hành trình leo núi.

Hạ Hùng

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsaigonanvatvi /strCate=saigonanvat
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEangididauvi /strCate=angididau