Đi lên từ đồng vốn Hội

13/11/2013 - 16:19

PNO - PN - Không phải “chọn mặt cho vay”, đồng vốn của Hội đã xuống từng địa bàn, đến với từng phụ nữ (PN). Đặc biệt, những chị càng khó khăn, đồng vốn ấy càng đến nhanh hơn. Đã có hàng trăm, hàng ngàn chị nhờ đồng vốn...

edf40wrjww2tblPage:Content

Cơ sở của chị Nguyễn Thị Hồng nằm sâu trong con hẻm 144/64 Nguyễn Khoái, P.2, Q.4, TP.HCM bày la liệt các sản phẩm làm đẹp tóc. Đón chúng tôi với nụ cười niềm nở, chị khoe những mẫu cột tóc, kẹp tóc mới nhất sẽ xuất xưởng trong dịp Tết năm nay. Ngày trước, lương công nhân không đủ sống, chị nhận len về đan móc giỏ để kiếm thêm thu nhập. Từ những đoạn len dư, chị nối lại móc dây cột tóc cho con gái. Chị nhận ra: “Đã là PN, chắc ai cũng xài dây cột tóc”. Từ đó chị nảy ra ý định làm kẹp tóc mưu sinh.

Ý tưởng là vậy, nhưng cần phải có vốn để mua nguyên liệu, làm nghề. Tiền ở đâu? May mắn, khi chị trình bày ý tưởng với Hội PN phường, ngay lập tức Hội xét duyệt cho vay năm triệu đồng. Chồng giúp sức bằng cách chế tạo bàn quay gắn hột xoàn đá lên kẹp tóc, chế cây lộn vải… giúp quy trình sản xuất cải tiến được nhiều thao tác, công đoạn nên sản phẩm sản xuất nhanh hơn, chất lượng tốt hơn.

Trung bình mỗi ngày chị làm được 200 - 300 kẹp và vài trăm dây cột tóc, nhưng vẫn không đủ hàng để giao. Hàng bán chạy, chị kêu thêm mấy chị em trong xóm vào phụ việc. Ai biết may thì may, ai chưa biết thì đính cườm, dán keo. Nhờ đó, nhiều lao động nữ tại địa phương có việc làm, thu nhập ba triệu đồng/tháng. Hiện chị có bốn thợ chính và hàng chục chị nhận hàng về nhà làm. Chị Hồng tâm sự: “Khi mình khó khăn, Hội đã giúp đỡ, bởi vậy mình không ngại giúp đỡ lại những chị em khác”.

Di len tu dong von Hoi

Từ năm triệu đồng khởi nghiệp, chị Hồng “kẹp tóc” (thứ hai từ phải qua) không chỉ khởi nghiệp thành công mà còn tạo nhiều việc làm cho PN địa phương

Dù cuộc sống khó khăn nhưng chị Mousaa Azi jah (dân tộc Chăm) ngụ 37/4 Quang Trung, P.8, Q.Gò Vấp, TP.HCM luôn nuôi ước vọng tạo nhiều việc làm cho PN dân tộc mình. Với số tiền 10 triệu đồng từ nguồn vay tín dụng tiết kiệm của Hội PN, chị phát triển tiệm may tại nhà thành cơ sở may với 20 lao động, chuyên may trang phục cho đồng bào Chăm và xuất khẩu đi các nước Malaysia, Indonesia… Ngoài những chị làm việc tại xưởng may, cơ sở của chị còn tạo việc làm cho nhiều chị khác như nhận hàng gia công kết cườm, thêu hoa văn với thu nhập từ bốn-năm triệu đồng/tháng.

Chị bộc bạch: “Hội đã giúp tôi thực hiện ước mơ của mình. Những lúc không ai tin tưởng cho mình vay thì Hội lại “dám” ủng hộ mình với nguồn vốn lớn”. Cảm cái tình của Hội, chị Mousaa Azi jah tích cực tham gia các phong trào Hội: chăm lo tốt cho lao động nữ, đóng góp với Hội trong chương trình chăm lo PN nghèo, chương trình học bổng Nguyễn Thị Minh Khai cho con em hội viên của phường, quận.

Từ ba triệu đồng vốn của Hội, chị Nguyễn Thị Dững (ấp Lào Táo Thượng, xã Trung Lập Thượng, H.Củ Chi, TP.HCM) mua thêm heo con và nuôi heo nái. Từ một, hai con heo nái, chị tăng dần đàn heo lên 10 con và 90 heo thịt. Năm 2008, dịch bệnh heo tai xanh, lở mồm long móng khiến chị rất lo lắng. Đúng lúc này, Hội PN gợi ý chị về mô hình nuôi lươn.

Thấy mô hình mới này đem lại hiệu quả kinh tế, chị mạnh dạn tìm hiểu. Không chỉ hỗ trợ vốn, Hội PN còn tạo điều kiện để chị tham gia các lớp tập huấn, học tập kỹ thuật, kinh nghiệm... Hiện, thu nhập từ nuôi heo và lươn khoảng 400 triệu đồng/năm. Gia đình chị đã thoát nghèo, hai con đều tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định. Chị chia sẻ: “Hội sát cánh với HV bất cứ lúc nào HV cần, từ vay vốn, cho tham quan mô hình mới, tập huấn chuyển đổi ngành nghề phù hợp… Những ân tình đó là “chất keo” gắn kết HV với Hội lâu bền”.

Để hỗ trợ PN phát triển kinh tế, giảm nghèo, thời gian tới, Thành Hội sẽ có nhiều chương trình như đề án “Hỗ trợ PN học nghề, tạo việc làm” giai đoạn 2010-2015 gắn kết chặt chẽ và lồng ghép phù hợp với đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Song song đó, Hội LHPN TP sẽ nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, tư vấn nghề, dạy nghề, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho PN.

Bà Trần Thị Bích Thủy - Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN TP cho biết: “Tính từ năm 2008 đến nay, bằng nhiều phương thức, các cấp Hội đã hỗ trợ hơn 240.000 lượt hộ nghèo, riêng hộ nghèo do PN làm chủ là trên 77.000 lượt hộ, hơn 46.000 hộ đã vươn lên thoát nghèo. Hội sẽ nỗ lực tìm kiếm nguồn vốn, giới thiệu thêm nhiều nghề mới cho chị em”.

 Lê Uyên Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI