Đi chùa đầu năm: Hiểu biết để giữ gìn văn hóa, tìm bình an

03/02/2023 - 08:19

PNO - Rằm tháng Giêng là thời điểm mọi người đi chùa, hành hương. Đây là nét văn hóa truyền thống lâu đời, nhưng ngày càng có nhiều hình ảnh phản cảm, không phù hợp như lấy tiền chà lên tượng phật; nhét tiền lên mái chùa… Thượng tọa Thích Nhật Từ (Trụ trì chùa Giác Ngộ) vừa chia sẻ với Báo Phụ nữ TPHCM về gìn giữ nét văn hóa Phật giáo của Việt Nam.

Phóng viên: Thưa thượng tọa, thượng tọa nhận định như thế nào về những hình ảnh không phù hợp, phản cảm được đề cập bên trên?

Thượng tọa Thích Nhật Từ: Đi chùa vào đầu năm, mùng Một tết, rằm tháng Giêng, các lễ hội chùa là nét văn hóa gắn liền với đời sống người Việt qua nhiều năm. Văn hóa là dòng chảy, luôn thay đổi không ngừng. Trong đó, sự thay đổi có những điều tích cực và phát sinh những tiêu cực.

Văn hóa Phật giáo xác định rõ hình thức không quan trọng bằng biểu đạt tâm thông qua hình thức đó. Việc dâng cúng nước không phải để bá tánh thập phương mang về uống để trừ khử bệnh tật, xui xẻo… Chạm, chà tiền lên tượng phật, chuông; nhét tiền lên mái chùa cũng không mang lại may mắn. Những niềm tin này là mê tín.

Việc này xảy ra ở một vài nơi, do công tác quản lý chưa bài bản, hoặc do niềm tin mê tín quá mức của quần chúng. Nhà chùa đã có nhắc nhở nhưng người dân vẫn không thực hiện theo. Khi đến chùa, việc xin lộc không quan trọng, bởi đây chỉ là biểu tượng cho mong muốn mà mọi người muốn đạt được.

Đốt giấy vàng mã xuất phát từ đạo Nho, đạo Lão, còn đạo Phật nói không với việc này. Theo Phật giáo, khi mất đi, con người sẽ tái sinh nên không còn cơ hội ở lòng đất để thụ hưởng bất kỳ điều gì. Chưa kể, đốt giấy tiền vàng mã quá nhiều gây tốn kém, ô nhiễm, không có giá trị sử dụng.

Thượng tọa Thích Nhật Từ (Phó trưởng Ban Trị sự kiêm Trưởng ban Phật giáo Quốc tế Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM, Phó viện trưởng thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM, Ủy viên thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam)

Trong đạo Phật có dạy mọi việc đều do nhân - duyên - quả. Con người khi có nỗ lực, kiên trì, không đầu hàng, sử dụng phương pháp đúng, tầm nhìn đúng, tư duy đúng sẽ đạt được điều mong ước. Những giá trị vật chất có được do nỗ lực của con người. Khi hiểu đúng, người dân sẽ góp phần giữ gìn nét văn hóa đẹp, truyền dạy lại cho con cháu. Đời sống văn hóa tinh thần là một phần gốc rễ của dân tộc.

* Với nhiều người, đi chùa là để tìm sự bình an.

- Về phương diện tâm lý, bất kỳ người có tôn giáo, hướng đến đấng thiêng liêng sẽ giúp họ thấy nỗi cô đơn, nỗi khổ niềm đau, sự uất ức… được chia sẻ, hiểu, thông cảm, nâng đỡ tinh thần để đứng vững, vượt qua. Đạo Phật có nói rõ đời sống đạo đức chuẩn mực giúp con người có được sự bình an thực sự. Từ bi, hỉ xả, bao dung, vị tha, giúp đỡ, hợp tác, đồng hành… mang đến sự bình an từ trong nhận thức đến hành vi. Việc gieo trồng những “hạt giống” này sớm hay muộn đều mang đến sự bình an, hạnh phúc dẫu con người có cầu nguyện hay không.

Ở góc độ xã hội thì vấn đề phức tạp hơn. Con người sống tốt, tôn trọng luật pháp, giữ gìn đạo đức… nhưng thỉnh thoảng bị tác động bởi các tác nhân khác từ đời thật đến mạng xã hội. Đó có thể là những lời phê bình, chỉ trích, vu cáo… Để vượt qua điều này, cần có hiểu biết, kỹ năng làm chủ cảm xúc, thái độ, phản ứng; tránh xa những kênh thông tin độc hại; nhìn nhận, đánh giá vấn đề thấu đáo từ chính mình. Khi thế giới nghe, nhìn trên mạng phát triển thì cảm xúc con người càng khó dự đoán.

Nếu có sai sót, hãy nghiêm túc thừa nhận, sửa sai. Những ý kiến được đưa ra nên theo chiều hướng xây dựng, tránh việc đối đầu, vì điều này chỉ gây ra sự kích động, dư luận xấu. Bình an là kết quả của một tương quan phức tạp, đa chiều, do con người lựa chọn để xây dựng, đạt được.

Rất đông người đi chùa Đồng, Yên Tử trong ngày mùng Mười tháng Giêng - Ảnh: Phạm Công
Rất đông người đi chùa Đồng, Yên Tử trong ngày mùng Mười tháng Giêng - Ảnh: Phạm Công

* Chưa đến thời điểm rằm tháng Giêng nhưng nhà nhà, người người lại chuẩn bị cho việc cúng sao, cầu an. Liệu có phải đó chỉ là giải pháp tâm lý giúp giảm những lo sợ trong lòng? 

- Gốc rễ của nỗi sợ là sự thiếu hiểu biết, không có kiến thức về các quy luật, sự vận hành… Khi đó, những niềm tin mê tín dị đoan có cơ hội sống dai. Có 3 điều để vượt qua nỗi sợ: tăng cường kiến thức, sự hiểu biết; giữ vững tâm lý, biết lựa chọn thông tin sạch, đúng đắn, tìm những nơi, những người có chuyên môn để tham vấn; không cúng bái theo tư duy “thà thừa hơn thiếu”.

Hiện nay, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều kênh cung cấp thông tin mê tín dị đoan. Trước nay, khi người dân tìm đến tận nơi mới có thể tiếp cận, nhưng nay thì khác. Chúng như cỏ hoang không cần chăm sóc vẫn sống tốt. Đây là vấn đề cần được giải quyết.

Các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước cùng với ý thức và trình độ của người dân được nâng cao giúp các hoạt động lễ chùa, tín ngưỡng có những thay đổi tích cực. Tuy nhiên, tình trạng chen lấn, xô đẩy, xả rác bừa bãi… vẫn xảy ra ở một số nơi. Để khắc phục thì ý thức của từng người dân càng cần được nâng cao hơn nữa; Nhà nước cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến và áp dụng các quy định pháp luật nghiêm minh, chặt chẽ hơn nữa.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Công ty luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) 

* Nên chăng, việc đi chùa sao cho đúng được hệ thống thành một nội dung cụ thể, được các chùa chủ động cung cấp cho người đi chùa, phật tử?

- Tôi nghĩ đây là một gợi ý hay. Trước tiên, tại chùa Giác Ngộ sẽ thực hiện một quyển cẩm nang ngắn gọn, để người đi chùa có thể tiếp cận được. Từ đây, mọi người có thể biết việc gì nên và không nên làm khi đi chùa, tránh xa các niềm tin mê tín dị đoan. Đạo Phật là con đường tỉnh thức, minh triết, phải vượt qua được những cám dỗ, mê tín - những điều dẫn đến sự sợ hãi, kẻ thù của hạnh phúc. Các chùa nên phát triển cẩm nang này, với nội dung ngắn gọn, có kèm hình ảnh để người dân dễ nắm bắt.

Đi chùa đầu năm là cơ hội để trải nghiệm văn hóa; ôn lại lời Phật dạy; lan truyền những thông điệp tích cực, xoa dịu nỗi khổ niềm đau thông qua các chương trình an sinh xã hội; thể hiện sự quan tâm đến cộng đồng, thế giới qua những khóa cầu nguyện. Tuy nhiên, đạt được bao nhiêu không phụ thuộc vào việc cầu, mà ở hành động, thực hiện.

* Xin cảm ơn thượng tọa. 

Thành Lâm (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI