Đến lúc giảm VAT để kích thích tiêu dùng

25/03/2020 - 12:01

PNO - Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhu cầu tiêu dùng thị trường nội địa yếu hẳn, sức mua giảm mạnh. Nhiều doanh nghiệp và chuyên gia đề nghị cần phải giảm bớt thuế giá trị gia tăng (VAT) để kích cầu mua sắm trong giai đoạn này.

Ông Hồ Đức Lam – Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) cho rằng, dịch COVID-19 tác động “kép” đến ngành nhựa. Đầu tiên là các doanh nghiệp ngành nhựa không chỉ thiếu nguyên liệu đầu vào để sản xuất do phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc (thị trường nhập khẩu sản phẩm nhựa lớn thứ 4 của Việt Nam), ảnh hưởng đến tiến độ đơn hàng xuất khẩu. Riêng doanh nghiệp trong nước thì không tìm được thị trường đầu ra do nhu cầu tiêu dùng ở thị trường nội địa giảm hẳn trong mùa dịch.

“Nhiều doanh nghiệp với đặc thù bán chủ yếu cho các dự án bất động sản và các công trình đầu tư công lớn. Trước đây, số lượng dự án mới đã chậm lại nên lượng nhựa bán ra cũng giảm. Nhưng từ khi có dịch xảy ra thì lĩnh vực bất động sản càng đứng im. Riêng lĩnh vực nhựa tiêu dùng thì càng không khả quan do người dân thắt chặt chi tiêu” – ông Lam nói.

Không chỉ lĩnh vực nhựa, các lĩnh vực hàng hóa không quá thiết yếu như hàng dệt may, giày da, đồ gỗ, điện tử… nhu cầu mua sắm cũng giảm. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may – Thêu đan TPHCM cho biết, nhiều doanh nghiệp dệt may phá sản không chỉ vì thiếu nguyên liệu sản xuất mà dù có sản xuất cũng không có ai mua.

“Nhiều doanh nghiệp vừa nghe báo cáo từ hệ thống phân phối, có nơi than cả tháng không bán được sản phẩm nào nên trả hàng. Nguyên nhân sức mua thấp là do người dân đang bắt đầu có thu nhập mất ổn định do mất việc làm hoặc giảm thu nhập. Dự báo từ đây đến hết năm, thị trường may mặc nói chung rất ảm đảm vì sức phục hồi kém hơn các lĩnh vực khác” – ông Phạm Xuân Hồng thông tin.

Cần phải giảm thuế VAT để kích cầu người dân mua sắm tiêu dùng
Cần phải giảm thuế VAT để kích cầu người dân mua sắm tiêu dùng

Ở các lĩnh vực khác như mặt hàng nông sản, thực phẩm, theo dự báo của Bộ Công thương thì sức mua có thể được duy trì nhưng người dân cũng có xu hướng thắt chặt chi tiêu hơn trước. Hàng hóa không tiêu thụ được, kéo theo ảnh hưởng nhiều lĩnh vực như vận chuyển, lưu kho, bốc vác… Theo các Hiệp hội và các chuyên gia, để kích thích người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn cần phải giảm thuế VAT, từ đó giá hàng hóa sẽ rẻ hơn.

Hiện nay, thuế VAT hàng hóa tiêu dùng tại Việt Nam là 5-10%. Theo ông Lý Thành Sinh - Tổng giám đốc công ty cổ phần may thêu Minh Long Hưng cho biết, so với các lĩnh vực sản xuất khác, ngành hàng may mặc gặp khó khăn hơn bởi doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu nhưng không được hoàn thuế và phải chịu mức thuế đến 10%. Do thuế cao nên hàng hóa may mặc sản xuất bán ra cũng cao hơn so với hàng nhập trực tiếp từ Trung Quốc rất nhiều. Một sản phẩm nhưng chênh lệch từ 5.000 – 10.000 đồng cũng khiến người tiêu dùng trăn trở lựa chọn, nhất là trong bối cảnh khó khăn như hiện nay. “Chúng tôi mong muốn được hỗ trợ giảm phân nửa thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp để giảm giá thành sản phẩm” – Ông Lý Thành Sinh nói.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đại lý Thuế TPHCM cho rằng, sức mua hiện đang hạn chế thì ngành sản xuất sẽ trì trệ không tăng trưởng được. Trong khi đó ngành sản xuất nước ta từ trước đến nay vốn trì trệ, chưa thật sự tăng trưởng đúng tiềm năng, thu nhập người lao động còn thấp. Hiện Mỹ cũng đã điều chỉnh giảm 50% thuế VAT để hỗ trợ doanh nghiệp, tăng nhu cầu mua hàng của người dân. Do đó chúng ta cũng cần phải giảm 50% thuế VAT và thu nhập doanh nghiệp ngay từ đầu tháng 4/2020 này. Hàng hóa, dịch vụ nào áp dụng thuế suất 10% thì giảm xuống 5%, thuế suất 5% giảm xuống 2,5%.

“Ngoài giảm thuế, nhà nước cần có chính sách kích cầu mua sắm cụ thể để hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp” – ông Nghĩa đề xuất.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI