"Dead Poets Society": Bài ca về sự tự do trong giáo dục

22/11/2022 - 05:59

PNO - Bộ phim của Robin Williams trở thành bất hủ khi khắc họa nỗ lực của một người thầy vĩ đại muốn học sinh thoát khỏi lối mòn trong tư tưởng.

Đã 33 năm trôi qua kể từ khi Dead Poets Society (tạm dịch: Hội Cố thi nhân) ra mắt công chúng. Ở mùa giải Oscar, tác phẩm của đạo diễn Peter Weir nhận 4 đề cử, trong đó thắng giải Biên kịch. Thế nhưng, giá trị của bộ phim còn lâu dài hơn cả những giải thưởng. Đến nay, Dead Poets Society vẫn được xem là một trong những tác phẩm hay nhất về học đường. Cụ thể hơn, đó là câu chuyện về một giáo viên đã thật sự tìm tòi và khai phóng suy nghĩ cho những học sinh thay vì đi theo lối mòn giảng dạy.

Cảnh cuối phim trở thành kinh điển
Cảnh cuối phim trở thành kinh điển

Câu chuyện diễn ra vào năm 1959 ở Trường trung học Welton danh giá thuộc Vermont (Anh), nổi tiếng với bốn tôn chỉ “Truyền thống, Danh dự, Kỷ luật, Ưu tú”. Nơi đây, từ ban giám hiệu đến giảng viên đều mang nặng tư tưởng nghiêm khắc để thúc ép học sinh học tập.

Trong năm học mới, thầy John Keating (Robin Williams) được bổ nhiệm. Ông cũng là học sinh cũ của trường Welton nhưng lại mang tư duy giảng dạy hoàn toàn khác biệt. Keating muốn học trò phải chủ động suy nghĩ nhiều hơn và thoát khỏi đường lối học tập quá cứng nhắc. Phong cách của ông khiến học sinh hồ hởi và thay đổi suy nghĩ nhưng lại thành cái gai trong mắt ban quản lý trường.

Những suy nghĩ tân tiến về giáo dục

Nhiều người Việt Nam xem nền giáo dục hiện tại ở Âu Mỹ như một môi trường đầy tự do, năng động. Tuy nhiên, Dead Poets Society cho thấy một góc nhìn hoàn toàn khác, một phần vì phim lấy bối cảnh thập niên 1950. Giai đoạn này trước kỷ nguyên đấu tranh cho công bằng xã hội ở Mỹ vào thập niên 1960. Một số quan điểm thời đó, đặc biệt ở nhóm gia đình da trắng khá giả như trong phim, cho rằng trẻ em có nghĩa vụ làm những gì cha mẹ muốn. Trong phim, xã hội được cấu trúc có thứ bậc, các thiếu niên được trông đợi sẽ tự động vâng lời. Xung đột chính của phim là giữa Neil Perry (Robert Sean Leonard) và cha mình, khi anh muốn diễn kịch thay vì đến Harvard học để trở thành bác sĩ. Cha của Neil không hề cân nhắc đến nguyện vọng của con trai mà chỉ buộc anh vâng lời. 

Phong cách giảng độc đáo của thầy Keating
Phong cách giảng độc đáo của thầy Keating

Trong thời đại này, các giáo viên giữ vai trò như phụ huynh đối với học sinh. Họ yêu cầu học sinh nghe lệnh và trừng phạt những người vi phạm quy tắc. Ban giám hiệu Welton xem nhu cầu kiểm soát học sinh là chính đáng bởi họ tin rằng sự tiến bộ của các thiếu niên này là do kỷ luật chặt chẽ.

Khi các nam sinh tái khởi động Hội Cố thi nhân (Dead Poets Society), một nhóm ngầm để họ có thể giao lưu và chia sẻ thơ ca, việc đó bị xem như một hành vi phạm tội có thể bị trừng phạt. Theo quy định của trường, học sinh không có quyền tự do thành lập các hội không chính thức bên ngoài các nhóm học tập. Tình tiết này cũng đủ nói lên sự hà khắc ở ngôi trường Welton.

Từ khi đứng lớp, thầy Keating muốn tạo ra một môi trường thuận lợi nhằm thúc đẩy sự tin tưởng và tham gia tích cực. Học sinh được thoát khỏi các phương pháp cứng nhắc, tiêu biểu như việc dùng phương pháp toán học đánh giá chất lượng tác phẩm văn học. Thay vào đó, họ được cảm nhận, chủ động suy nghĩ nhiều hơn và định hình việc học thông qua sự tham gia tích cực, có thể xem là một dạng dấn thân vào chủ đề được dạy. Ngay từ buổi đầu, Keating đã gây sốc bằng việc bảo học sinh xé các trang giấy theo đường lối cũ, cũng như nhắn nhủ thông điệp “carpe diem” (hãy sống hết mình cho hiện tại).

Keating hướng dẫn học sinh viết thơ từ chính kinh nghiệm sống của họ. Qua cách đặt câu hỏi, người thầy kích thích thảo luận và buộc học sinh suy nghĩ độc lập. Ông cũng khuyến khích họ làm việc nhóm trong các hoạt động ngoại khóa. Sự tin tưởng ngày càng bền chặt giữa Keating và các học sinh dẫn đến sự ủng hộ dành cho ông ngay cả khi nhà trường gây khó dễ.

Môn Keating dạy - văn học Anh - vốn xa lạ với nhiều người Việt, nhưng dù không thật sự hiểu nội dung từng buổi giảng, khán giả vẫn cảm nhận được nhiệt huyết và cái tâm người thầy mang đến lớp học. Hơn thế, việc Keating chấp nhận theo đuổi phương pháp giảng dạy này là một sự dấn thân. Ông hoàn toàn có thể giảng dạy theo cách truyền thống và thăng tiến trong trường. Song, Keating đã chấp nhận đối đầu với ban giám hiệu để có thể thay đổi suy nghĩ của học sinh. Nửa sau bộ phim đẩy cao kịch tính khi người thầy này trở thành cái gai trong mắt các nhà giáo dục bảo thủ.

Trailer phim Dead Poets Society: 

 

 

Một câu chuyện đậm chất con người

Nếu chỉ đơn thuần khắc họa cuộc đấu tranh trong ngành giáo dục, có lẽ Dead Poets Society chỉ dừng ở mức một bộ phim hạng khá. Tác phẩm được nâng tầm nhờ câu chuyện nhiều điểm nhấn và các nhân vật gần gũi với đời thường. Ắt hẳn không ít khán giả Việt Nam từng trải qua tình huống giống nhóm nam sinh trong phim. Ở cái tuổi chưa chín chắn, chúng ta cũng từng bị cha mẹ đặt cho những kỳ vọng quá lớn như trở thành luật sư, bác sĩ…

Trong phim, các nam sinh được mô tả đúng với sự ngây thơ, đầy nhiệt huyết của lứa tuổi mình. Họ tràn đầy khao khát chứng tỏ bản thân hay đơn giản chỉ là “ghi điểm” với các cô nàng xinh đẹp. Sự tương phản được thể hiện qua nhiều cảnh phim, giữa nét mặt vui tươi của các nam sinh khi được làm điều mình thích và sự bức bối khi không được người lớn thấu hiểu.

Một tình tiết bi kịch được đặt vào nửa sau phim giúp tạo ra những góc nhìn đa chiều về nội tâm nhân vật. Khi Neil đến gặp Keating xin lời khuyên về việc có nên theo đuổi kịch bất chấp việc cha phản đối, người thầy đã cổ vũ cậu. Ông khuyên Neil bảo vệ lập trường và chứng minh cho cha cậu thấy tình yêu với môn kịch. Nhưng rồi điều này dẫn đến thảm họa khi cha của Neil đến xem vở diễn, nổi giận và bắt con trai vào trường quân đội. Tuyệt vọng, Neil đã tự kết liễu đời mình ở cái tuổi còn quá nhiều năm tháng phía trước.

Bi kịch trên đẩy Keating vào cuộc giằng xé nội tâm. Phải chăng chính ông gián tiếp gây ra cái chết cho học trò? Nếu ông không truyền đạt sự tự do và cổ vũ Neil theo đuổi đam mê, liệu cậu có gặp phải bất hạnh? Nếu ông không phụ trách lớp học này, Neil có thể đã làm theo lời cha và sống một cuộc đời dài hơn, dù kém hứng thú hơn? Những trăn trở đó được Robin Williams thể hiện một cách chân thực qua nét mặt và phong thái đến tận cảnh cuối phim. 

Robin Williams nhận đề cử Oscar với vai diễn này
Robin Williams nhận đề cử Oscar với vai diễn này

Dead Poets Society không phải một bộ phim ngập tràn những nốt nhạc ngân vui của giáo dục khai phóng. Trái lại, nó mang không khí trầm buồn, đặc biệt là đoạn cuối. Keating chẳng phải người hùng có thể đơn độc phá bỏ đường lối cũ. Trái lại, ông phải ra đi bởi không thể chống lại hệ thống bảo thủ đồ sộ đã thành hình. Ở đoạn kết, nhiều nam sinh bất chấp sự đe dọa mà đứng lên bàn chào tạm biệt Keating, tạo ra một phân cảnh xúc động được nhớ đến nhiều năm sau. Đối mặt với sự ủng hộ dành cho mình, Keating nở nụ cười hài lòng nhưng ánh mắt vẫn chứa chan nỗi niềm.

Dù không trọn vẹn, đó vẫn là một chiến thắng của Keating. Cuối cùng, tác động của ông với học trò đã thay đổi đáng kể hầu hết họ từ tâm lý thụ động sang chủ động. Họ đã trở thành những con người giàu sức sống hơn và Keating có thể được xem là một nhà giáo thành công với triết lý vị nhân sinh. Về phía học sinh, Dead Poets Society cổ vũ sự độc lập suy nghĩ, còn về giáo viên là sự tận tâm trong giảng dạy - 2 giá trị không bao giờ phai mờ trong nền giáo dục ở bất kỳ quốc gia nào. 

Ân Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI