Đề xuất tăng mức xử phạt giao thông cao nhất tới 150 triệu đồng ở những địa phương nào?

15/05/2025 - 10:36

PNO - Dự thảo Luật trình Quốc hội quy định phạt tiền vi phạm giao thông đường bộ có thể cao hơn ở một số địa phương, song tối đa không quá 2 lần mức phạt chung.

Mức xử phạt giao thông ở một số địa phương có thể tăng lên gấp đôi, cao nhất tới 150 triệu đồng với cá nhân - ảnh: minh họa
Mức xử phạt giao thông ở một số địa phương có thể tăng lên gấp đôi, cao nhất tới 150 triệu đồng với cá nhân - Ảnh minh họa

Sáng 15/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội nghe tờ trình dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính.

Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự thảo quy định đối với địa bàn TP Hà Nội và khu vực nội thành của TP trực thuộc trung ương thì mức phạt tiền có thể cao hơn, tối đa không quá 2 lần mức phạt chung áp dụng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, an toàn xã hội; văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm.

Ông Hoàng Thanh Tùng cho rằng, bổ sung địa bàn TP Hà Nội là không cần thiết vì Luật Thủ đô đã quy định.

Việc bổ sung lĩnh vực văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm được áp dụng mức phạt tăng gấp 2 lần đối với khu vực nội thành của thành phố trực thuộc trung ương khác cần được tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động.

Mặt khác, quy định khu vực nội thành như trong dự thảo Luật cũng chưa thực sự phù hợp, không khả thi và khó xác định, nhất là trong điều kiện nhiều địa phương đang tiến hành sắp xếp, sáp nhập.

Theo luật hiện hành (khoản 1, 2 Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi năm 2020), mức phạt tiền tiền tối đa trong các lĩnh vực giao thông đối với cá nhân là 75 triệu đồng và tổ chức là 150 triệu đồng.

Dự thảo luật quy định
Dự thảo luật quy định các trường hợp được bán phương tiện giao thông vi phạm - Ảnh minh họa

Trước đó, trình bày tờ trình dự thảo, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình cho hay, dự luật mới đã sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính.

Việc sửa đổi theo hướng bổ sung quy định xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ trong trường hợp hết thời hạn tạm giữ mà đối tượng vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận và không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu.

Việc này dự kiến sửa đổi theo hướng quy định cụ thể những trường hợp cho phép bán ngay tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ.

Cụ thể như thời hạn sử dụng dưới 6 tháng tính từ thời điểm bị tạm giữ và không có điều kiện bảo quản kỹ thuật phù hợp; dễ bị hư hỏng, suy giảm chất lượng; có nguy cơ gây cháy nổ, ô nhiễm môi trường hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Những quy định này góp phần rút ngắn thời gian, quy trình xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, khắc phục tình trạng tồn đọng, quá tải trong bảo quản, quản lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ thời gian qua, đồng thời giúp tránh thất thoát, lãng phí tài sản.

Dự luật cũng nêu rõ, tiền thu được từ việc bán tang vật, phương tiện phải gửi vào tài khoản tạm giữ mở tại Kho bạc Nhà nước.

Nếu hết thời hạn quy định này mà người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp tang vật, phương tiện không đến nhận thì tiền thu được phải nộp vào ngân sách nhà nước.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI