Để tránh sinh con bị dị tật khi lần đầu làm mẹ

27/08/2020 - 07:14

PNO - Lần đầu làm mẹ, người phụ nữ gặp không ít bỡ ngỡ, bối rối, lo lắng. Để tránh những nguy cơ rủi ro trong quá trình thai nghén, sinh nở, chăm con nhỏ, các bà mẹ trẻ rất cần sự đồng hành, tư vấn của bác sĩ phụ sản có tâm và giàu kinh nghiệm.

 

Bác sĩ Võ Thị Mỹ Hạnh - Bệnh viện Hùng Vương - đang tư vấn cho một phụ nữ mang thai lần đầu
Bác sĩ Võ Thị Mỹ Hạnh - Bệnh viện Hùng Vương - đang tư vấn cho một phụ nữ mang thai lần đầu

Khám tiền hôn nhân quan tâm nhiều tới dị tật thai nhi 
Với cương vị Trưởng khoa Khám A, Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM, bác sĩ Võ Thị Mỹ Hạnh đã chứng kiến, sẻ chia, tư vấn cho rất nhiều tình huống éo le mà chị em lần đầu làm mẹ thường gặp phải. 

Khái niệm lần đầu làm mẹ của người phụ nữ tính từ lúc họ quyết định kết hôn, lên kế hoạch có con cho tới khi trải qua thời kỳ thai nghén, tới tận lúc lâm bồn và trải nghiệm nuôi con bằng dòng sữa mẹ. Có những lúc bác sĩ giúp thai phụ gỡ rối được tơ lòng, nhưng đôi lúc cũng chỉ biết đưa ra lời khuyên để họ tự quyết định rồi đứng bên cạnh lặng lẽ rơi nước mắt. Theo bác sĩ Hạnh, trước đây ý thức đi khám tiền sản vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, gần đây, dưới sự tác động của truyền thông, số người đi khám tiền sản gia tăng. 

Tại Bệnh viện Hùng Vương, hiện nay các cặp vợ chồng đến khám tiền sản tăng 70-80% so với 5 năm về trước. Cụ thể, số ca tới khám tiền sản chiếm từ 10-20% lượng bệnh nhân của phòng khám mỗi ngày. Ngày 24/7, vợ chồng chị P.T.K.D., ngụ tại Q.Tân Bình đến gặp bác sĩ Hạnh để được tư vấn và hướng dẫn khám tiền sản. Vợ chồng chị D. kết hôn đã gần một năm. Tuổi cũng không còn trẻ nên họ quyết định sinh con.

Chị D. trăn trở và muốn hỏi chuyên gia y tế trước khi có thai về các nguy cơ dị tật có thể xảy ra cho em bé. “Chị gái của tôi sinh con và đứa bé bị bệnh down, bởi thế tôi sợ bệnh có yếu tố di truyền”, chị D. tâm sự. Mối lo lắng như của chị D. không phải hiếm gặp ở người mới lập gia đình. Với các trường hợp này, bác sĩ Hạnh đã hướng dẫn họ sử dụng gói khám tiền sản.

Quy trình khám tiền sản tại Bệnh viện Hùng Vương như sau: các cặp vợ chồng gọi lên tổng đài của bệnh viện hoặc trực tiếp tới đăng ký tại Khoa Khám tiền sản ở lầu 4 tòa nhà bách hợp. Một gói khám tiền sản cho cả hai vợ chồng có giá khoảng 5 triệu đồng (nếu phát hiện các yếu tố nguy cơ cần làm thêm một số xét nghiệm chuyên sâu thì chi phí cao hơn). Các cặp vợ chồng sẽ được làm xét nghiệm máu, khám phụ khoa… Kết quả khám có ngay trong ngày hoặc chậm nhất là vài ngày tùy từng trường hợp. Sau khi có kết quả khám tiền sản, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể hơn về quá trình mang thai cũng như những rủi ro, nguy cơ gặp phải để họ lường trước và có kế hoạch chuẩn bị kỹ càng.

Lỡ uống thuốc cảm cúm, đau dạ dày

Những sự cố xảy ra nhiều nhất với các phụ nữ lần đầu mang thai ở giai đoạn ba tháng đầu của thai kỳ. Không ít phụ nữ khi ốm nghén xuất hiện dấu hiệu nhức đầu, chóng mặt, nôn ói… lại nhầm với bệnh cảm cúm và tự mua thuốc về điều trị. Mới đây nhất là trường hợp chị C.T.V., ngụ tại Q.6, TP.HCM. Chị V. tự mua thuốc cảm sốt uống cả tuần.

Sau đó, chị nghe bạn bè khuyên, mua que thử thai về và phát hiện hai vạch, đi siêu âm thấy có túi thai 5 tuần tuổi. Lúc này, vợ chồng chị vừa mừng vừa lo. Mừng vì cả hai nhà nội ngoại đang mong cháu nay sắp được toại lòng nhưng lại lo vì trót uống thuốc cảm sốt cả tuần. Rất may cho chị V., bác sĩ Hạnh cho biết thuốc cảm sốt thông thường đa số không gây ảnh hưởng tới em bé nếu dùng số lượng ít. Tuy nhiên, để có một thai kỳ hoàn toàn khỏe mạnh, chị D. phải khám thai định kỳ và theo dõi thật sát theo chỉ định.

Lại có cả trường hợp đau bụng, ói mửa đi mua thuốc đau dạ dày về uống rồi mới biết mình cấn bầu. Do đó, bác sĩ lưu ý các chị em nếu thấy cơ thể có triệu chứng mệt mỏi cần theo dõi và đi khám, tránh lạm dụng thuốc bừa bãi. 

Chụp X-quang xong mới biết đang có bầu 

Tình huống nguy hiểm tới thai nhi hay gặp nhất đó là bà mẹ trẻ chụp X-quang mà không biết mình đang có bầu. Cách đây không lâu, chị N.T.C.T., ngụ tại Q.8, TP.HCM được cơ quan tổ chức đi khám sức khỏe tổng quát. Chị T. không hề biết mình đang có thai và có chụp X-quang phổi.

Theo bác sĩ Hạnh, các trường hợp lỡ chụp X-quang ở giai đoạn thụ thai rất nguy hiểm vì gây đột biến phôi, thai nhi có nguy cơ dị tật về mắt, máu, bộ phận sinh dục. “Sau khi được tư vấn, cô ấy vẫn quyết định giữ thai vì đây là mong muốn của hai bên nội ngoại. Thai phụ sẽ phải làm rất nhiều kiểm tra trong quá trình mang thai nhưng những nguy cơ bất thường về hệ máu thì sau khi sinh mới biết được”, bác sĩ Hạnh nói. 

Nhân trường hợp của chị T., bác sĩ Hạnh khuyến cáo chị em phụ nữ, khi khám sức khỏe nếu làm thêm hạng mục chụp X-quang thì phải sau khi sạch kinh để chắc chắn mình không có thai. 

Biết thai dị tật nặng nhưng vẫn muốn giữ 

Phát hiện thai dị tật nặng ngay từ đầu nhưng vì nhiều lý do, một số bà mẹ kiên quyết không chấm dứt thai kỳ. Trường hợp của chị H.T.M., ngụ tại Q.Tân Phú, TP.HCM khiến bác sĩ Hạnh trăn trở mãi. Ngay trong quá trình khám thai định kỳ, thai nhi đã được xác định bị dị tật não úng thủy rất nặng. Chị M. được các bác sĩ tư vấn những nguy cơ xảy ra cho bà mẹ và em bé, biết luôn rằng dù được sinh ra em bé cũng không thể sống nhưng chị vẫn quyết tâm đồng hành cùng con đến giây phút cuối cùng.

Não úng thủy khiến đầu em bé phình to, bà mẹ sẽ không thể sinh thường, còn nếu sinh mổ thì vết rạch sẽ dài, lâu lành hơn và để lại sẹo rất xấu cho mẹ. Khi được tư vấn điều này, chị M. quyết sinh mổ, chấp nhận hết tất cả rủi ro, xấu xí về hình thể để sinh con ra với một hình hài lành lặn nhất, dù biết con có thể mất ngay lúc chào đời.

“Tôn trọng quyết định của cô ấy, chúng tôi chỉ có thể lặng đi, chảy nước mắt. Ca mổ diễn ra, sau khi chào đời khoảng một tiếng thì em bé qua đời”, bác sĩ Hạnh kể lại. Mới thấy, trên hành trình làm mẹ đâu chỉ có niềm vui hạnh phúc mà còn có cả những nỗi đau. 

Uống thuốc tiêu sữa bừa bãi 

Một số chị em trong quá trình cho con bú bị tắc sữa (sữa mẹ nhiều quá em bé bú không kịp), nghe lời đồn tự đi mua thuốc tiêu sữa về uống. Thật ra, khi tắc sữa, sản phụ có thể dùng máy hút sữa hoặc gọi dịch vụ chăm sóc của bệnh viện tới tận nhà. Các bà mẹ không nên tự ý sử dụng thuốc tiêu sữa bừa bãi vì có thể làm mất luôn sữa hoặc ảnh hưởng tới chất lượng sữa.

Những xét nghiệm cần làm trong thai kỳ cho người mẹ:
- Tổng phân tích tế bào máu.
- Xét nghiệm nhóm máu (việc biết được nhóm máu là hết sức quan trọng trong quá trình cấp cứu hoặc chuyển dạ. Không những thế, thai phụ còn cần được kiểm tra xem máu có yếu tố Rh hay không. Nếu người mẹ yếu tố Rh âm tính mà thai nhi Rh dương tính thì cơ thể của mẹ có thể tạo ra kháng thể phá hủy tế bào hồng cầu của em bé gây nguy hiểm).
- Xét nghiệm nước tiểu (phát hiện bệnh đái tháo đường, các vi khuẩn gây viêm đường tiết niệu, dấu hiệu tiền sản giật…).
- Xét nghiệm viêm gan C và B.
- Xét nghiệm bệnh lây truyền qua đường tình dục.
- Xét nghiệm lao.
- Xét nghiệm sàng lọc vi-rút Zika (nếu có yếu tố dịch tễ).

Những sàng lọc được khuyến cáo nên làm cho trẻ sơ sinh:
- Suy giáp bẩm sinh.
- Tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh.
- Suy giảm thính lực bẩm sinh.
- Xét nghiệm thiếu hụt men G6PD (một enzyme quan trọng trong các phản ứng sinh hóa ở hồng cầu, giúp màng tế bào hồng cầu bền vững trước các tác nhân ô-xy hóa).
Những sàng lọc ở trẻ sơ sinh trên sẽ được tiến hành theo cách thức sau: từ khi trẻ được 3-7 ngày tuổi, nhân viên y tế sẽ lấy máu từ gót chân hoặc tĩnh mạch để làm xét nghiệm. Việc làm xét nghiệm sàng lọc không gây ảnh hưởng tới sức khỏe của bé.

Thanh Huyền (ghi)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI