Đề nghị truy tố 11 người trong đường dây mua bán hóa đơn cực lớn

01/03/2013 - 17:49

PNO - Phòng Cảnh sát điều tra (CSĐT) tội phạm về Trật tự quản lý Kinh tế và Chức vụ (PC46) Công an TP.HCM vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ mua bán 11.521 tờ hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) ghi khống nội dung, trị giá hơn 3.160 tỉ đồng...

 Các bị can bị đề nghị truy tố gồm: Nguyễn Văn Nhi (ngụ Q.Gò Vấp, giám đốc một công ty TNHH), Huỳnh Trung Hiếu (ngụ Q.Bình Thạnh, buôn bán), Hoàng Ngọc Phương (ngụ Q.Bình Tân, nhân viên kế toán) về tội “mua bán trái phép hóa đơn” và Dương Kim Kết (ngụ Q.Bình Thạnh, giám đốc một công ty TNHH), Huỳnh Thị Kim Duyên (ngụ Q.Bình Tân, nhân viên một doanh nghiệp sản xuất giấy), Lê Thị Ngọc Anh (ngụ Q.12, nhân viên kế toán), Huỳnh Thị Thiên Hương (ngụ Q.Bình Thạnh, buôn bán), Phạm Thị Yến Nhi (ngụ Q.Tân Bình, giám đốc một công ty thiết kế tạo mẫu), Nguyễn Bá Hiền (ngụ Q.6, chủ doanh nghiệp giấy), Huỳnh Văn Hoàng (ngụ Q.6, chủ doanh nghiệp giấy), Châu Nam Dương (ngụ Q.11, giám đốc một công ty TNHH) về tội “trốn thuế”.

Theo kết luận điều tra, Nguyễn Văn Nhi là người cầm đầu tổ chức đường dây mua bán hóa đơn GTGT cực lớn này. Trong số 10 công ty mà Nhi làm “bình phong” để mua hóa đơn GTGT về bán thì Công ty TNHH thương mại-sản xuất-dịch vụ xuất nhập khẩu Lâm Đạt (gọi tắt là Công ty Lâm Đạt, trụ sở tại hẻm 136 Lê Văn Thọ, P.11, Q.Gò Vấp, TP.HCM) đứng ra mua số lượng quyển hóa đơn GTGT từ Cục thuế TP.HCM nhiều nhất.

Đáng chú ý, mặc dù Công ty Lâm Đạt không hoạt động mua bán gì nhưng Nhi vẫn cử nhân viên công ty đến Cục thuế TP.HCM mua số lượng lớn hóa đơn, sau đó chỉ đạo cho Ngọc Anh viết nội dung mua bán hàng khống, rồi giả chữ ký ông Lam (Giám đốc Công ty Lâm Đạt), đóng dấu… Xong, Nhi giao cho Hiếu bán cho các doanh nghiệp ở TP.HCM và các tỉnh, thành “đặt hàng” trước đó.

Từ năm 2007 đến ngày bị bắt (cuối năm 2010), Nhi cùng đồng bọn khai đã mua tổng cộng 10 công ty “ma” trên địa bàn thành phố để thực hiện hàng chục ngàn phi vụ mua bán hóa đơn GTGT. Cụ thể, 10 công ty “ma” này đã mua 231 quyển hóa đơn GTGT của cơ quan thuế và bán ra 11.521 tờ hóa đơn GTGT ghi khống nội dung, trị giá 3.160,6 tỉ đồng, thu lợi bất chính gần 6 tỉ đồng.

Do trong quá trình sản xuất, mua bán hàng hóa trôi nổi trên thị trường không có hóa đơn chứng từ, nên để cân đối đầu ra và đầu vào, nhiều doanh nghiệp đã tìm đến đường dây mua bán hóa đơn GTGT của Nhi. Ông Nguyễn Bá Hiền thừa nhận với cơ quan điều tra rằng, trong quá trình sản xuất thùng bao bì carton có mua giấy trôi nổi cho doanh nghiệp mình, sau đó bán ra xuất hóa đơn cho các khách hàng nhưng không có hóa đơn đầu vào. Vì vậy đã mua hóa đơn của Nhi nhằm hợp thức hóa nguyên vật liệu giấy đầu vào để kê khai khấu trừ thuế.

Riêng doanh nghiệp này đã mua 247 tờ hóa đơn GTGT ghi khống nội dung, trị giá hơn 50 tỉ đồng; trốn thuế hơn 4 tỉ đồng. Bằng thủ đoạn tương tự, bốn doanh nghiệp khác cũng đã trốn thuế hơn 10 tỉ đồng.

Điều đáng nói, do công tác cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và quản lý hoạt động doanh nghiệp của cơ quan chức năng quá lỏng lẻo nên tạo điều kiện thuận lợi cho các đường dây mua bán hóa đơn GTGT hoạt động trong thời gian dài.

Theo TNO

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI