Đề nghị Sở GDĐT nghiên cứu chính sách đặc thù cho đội ngũ giáo viên

29/04/2022 - 14:14

PNO - Cử tri ngành GD-ĐT TPHCM mong mỏi tiếp cận nhà ở xã hội tại Hội nghị tiếp xúc cử tri ngành giáo dục thành phố của Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM.

Liên quan đến vấn đề tiếp cận nhà ở xã hội cho người lao động trong ngành giáo dục TPHCM, bà Nguyễn Thị Thu Nga - Phó giám đốc Sở Xây dựng TPHCM thông tin, những năm qua thành phố rất quan tâm đến chương trình phát triển nhà ở thành phố, mỗi nhiệm kỳ 5 năm đều có chương trình đề án phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội.

Gia đoạn 2016-2022, toàn thành phố có 19 dự án nhà ở xã hội hoàn thành đưa vào sử dụng, phần nào giải quyết được nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố. Song nhu cầu hiện nay là rất lớn do đó giai đoạn 2021-2025 thành phố tiếp tục ban hành quyết định tập trung phát triển nhà ở xã hội. Chỉ tiêu phấn đấu là 2,5 triệu m2 sàn, với 35.000 nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu của người lao động, trong đó có người lao động ngành giáo dục, tổng số 47 dự án nhà ở sẽ được triển khai. 

Bà Nguyễn Thị Thu Nga- Phó giám đốc Sở Xây dựng TPHCM
Bà Nguyễn Thị Thu Nga - Phó giám đốc Sở Xây dựng TPHCM

Bà Nguyễn Thị Thu Nga thông tin, hiện nay thành phố đang triển khai 5 dự án nhà ở xã hội, bao gồm dự án nhà ở xã hội ở An Lạc, Vĩnh Lộc, Hóc Môn, Bình Chánh và dự án nhà ở xã hội thuộc Tổng công ty xây dựng số 1, đều được Sở Xây dựng cập nhật công khai trên trang thông tin của Sở. 

“Đối với chế độ chính sách ưu đãi với quỹ nhà ở xã hội trên địa bàn TPHCM, trường hợp người có nhu cầu mua nhà ở xã hội là người đang hưởng lương mà không có khả năng mua có thể liên hệ với quỹ phát triển nhà ở thành phố để được hỗ trợ về các chính sách vay vốn theo quy định, với hạn mức vay vốn tối đa 70% giá trị căn nhà - tối đa 900 triệu đồng, với lãi suất 4,7%/ năm. Thời gian vay là tối đa là 20 năm. Luật Nhà ở 2014 có quy định rất rõ về tiêu chí tiếp cận, điều kiện được hưởng chính sách”, Phó giám đốc Sở Xây dựng cho hay.

Về quy trình, thủ tục đăng ký mua nhà ở xã hội, bà Nguyễn Thị Thu Nga cho biết, với dự án nhà ở xã hội thuộc đầu tư ngoài ngân sách thì khi có nhu cầu mua, người lao động liên hệ chủ đầu tư để đăng ký, nộp hồ sơ. Các hồ sơ này sẽ được Sở Xây dựng thẩm định trả lời trường hợp nào đủ điều kiện tham gia. Với dự án nhà ở xã hội thuộc dự án đầu tư ngân sách nhà nước thì nộp hồ sợ trực tiếp - song hiện nay dự án thuộc đầu tư từ ngân sách không còn trong chương trình 5 năm tới.

Sở GD-ĐT TPHCM cần nghiên cứu đề xuất chính sách đặc thù cho đội ngũ

Từ các ý kiến đóng góp của cử tri ngành giáo dục TPHCM, bà Văn Thị Bạch Tuyết - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM cho biết ghi nhận các ý kiến của cử tri, tổng hợp gửi đến UBND TP, các sở ngành liên quan. Kiến nghị nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, Đoàn sẽ có văn bản gửi đến những cơ quan này như ý kiến về tuổi nghỉ hưu, giáo viên người nước ngoài, chế độ chính sách cho giáo viên, quy định vị trí việc làm, công tác bồi dưỡng…

Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tiếp xúc cử tri ngành giáo dục thành phố
Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tiếp xúc cử tri ngành giáo dục thành phố

Đồng thời, bà Bạch Tuyết đề nghị Sở GD-ĐT TPHCM tổng hợp kiến nghị cử tri, tập trung giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền, có hướng dẫn giúp cơ sở thực hiện tốt. Tổng hợp ý kiến cử tri, làm việc với các sở ngành liên quan trên địa bàn thành phố để giải quyết bức xúc tại cơ sở. Đề nghị Sở GD-ĐT nghiên cứu đề xuất chính sách đặc thù cho đội ngũ giáo viên, cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố nếu thuộc thẩm quyển HĐND TP. 

Sở GD-ĐT nên kiến nghị với HĐND TP về kinh phí tập huấn cho đội ngũ khi triển khai chương trình GDPT 2018. Đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất triển khai chương trình mới trên địa bàn thành phố, đảm bảo tiêu chuẩn tối thiểu theo yêu cầu của Bộ để giáo viên triển khai tốt nhiệm vụ. Đặc biệt, xây dựng trường lớp để tổ chức được việc học 2 buổi/ngày theo chương trình GDPT 2018, nhất là ở bậc tiểu học.

Bà đề nghị Sở GD-ĐT phối hợp chặt chẽ với UBND các quận, huyện đề xuất với UBND TP mở rộng, xây dựng mới trường học, phòng học, từng bước thực hiện nhu cầu học 2 buổi/ngày trong chương trình mới trên địa bàn thành phố, nhất là ở các quận huyện có tỷ lệ tăng dân số cơ học cao như Q.12, Bình Tân, Tân Phú…

“Gắn với yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, khi Luật giáo dục sửa đổi có thêm 1 số quy định, đặt ra một số quy chuẩn ví dụ như bắt buộc thầy cô đứng lớp phải có bằng cử nhân sư phạm. Mong rằng thầy cô ủng hộ, tham gia các lớp bồi dưỡng để nâng cao trình độ năng lực, đáp ứng theo yêu cầu. Cũng mong trường quốc tế chia sẻ với quan điểm này của giáo dục Việt Nam, trước mắt đảm bảo chất lượng nhà giáo, đảm bảo chất lượng thế hệ học sinh”, bà Văn Thị Bạch Tuyết bày tỏ.

Quốc Trung 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI