Để lịch sử chạm đến trái tim

28/12/2022 - 06:33

PNO - Những ngày qua, dư luận bất ngờ trước những băng rôn chào mừng kỷ niệm 81 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam có nhiều lỗi. Nguyên nhân có thể do nhiều yếu tố, nhưng nhiều người cho rằng trong đó có việc dạy và học môn lịch sử chưa ổn.

 

Cố giáo sư Phan Huy Lê từng nhận xét chương trình giáo dục lịch sử đang dạy và học theo cách bắt trẻ “lao dịch” để phục vụ thi cử. Nhìn nhận sử học là một môn hấp dẫn với nội dung phong phú về lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới, ông Phan Huy Lê cho rằng để học sinh nhàm chán không phải tại lịch sử, mà nằm ở chương trình và cách dạy.

Có thể thấy, cách giảng dạy môn sử hiện nay như muốn biến học sinh thành “chuyên gia” trong lĩnh vực này. Vì thế, cần xác định mục tiêu dạy môn sử trong giáo dục phổ thông là xây dựng kiến thức nền tảng, để dù sau này các em có rẽ theo hướng đi nào thì vẫn có những hiểu biết nhất định về đất nước, lịch sử, văn hóa dân tộc. 

Là một giáo viên lịch sử luôn trăn trở đổi mới phương pháp giảng dạy, thầy Nguyễn Viết Đăng Du - giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TPHCM) - cho rằng, cách tiếp cận môn lịch sử của Việt Nam vẫn luôn theo sau các nước. Trong khi môn lịch sử ở nước ngoài mong muốn mang lại cảm hứng cho học sinh, thì mục tiêu của chúng ta là cố gắng bắt học sinh nhớ càng nhiều càng tốt. Do đó, chương trình dạy lịch sử cần đổi mới hơn nữa, đi gần hơn nữa về hướng truyền cảm hứng cho người học.

Để làm được điều đó, dĩ nhiên không chỉ đổi mới chương trình, mà phương pháp dạy sử cũng cần thay đổi rất nhiều. Thời gian qua, nhiều trường học đã tìm cách đổi mới phương thức dạy sử trực quan sinh động hơn. Học sinh được tham gia các tiết học trải nghiệm, đi tới những di tích lịch sử, giao lưu cùng nhân chứng…

Nhiều giáo viên nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin, chú trọng tìm hình ảnh, lược đồ để tái hiện sống động các sự kiện lịch sử. Như ở TPHCM, đây là năm học đầu tiên học sinh có cơ hội được học lịch sử cùng robot Batalis, được Bảo tàng Lịch sử TPHCM thiết kế dành riêng cho học sinh, nằm trong mục tiêu đổi mới dạy và học môn lịch sử.

Hay mới đây, hàng trăm học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TPHCM) được đặt chân đến thành cổ Quảng Trị, sông Thạch Hãn, nơi ghi dấu mùa hè đỏ lửa năm 1972 với chiến công của biết bao đoàn quân kiên cường. Được đến tận nơi, nhìn tận mắt, nhiều em đã rơm rớm nước mắt khi dâng hương, hành lễ tri ân những liệt sĩ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Với các em, một chuyến về nguồn như vậy thực sự thấm vào trí óc, chạm đến trái tim.

Rõ ràng, cách dạy sử thoát ly khỏi kiểu đọc - chép, học chay khô khan là hướng đi đúng. Cũng không nhất thiết phải đi xa, nói như phó giáo sư Tôn Nữ Quỳnh Trân - Hội Khoa học Lịch sử TPHCM, ngay tại TPHCM, mỗi con đường, mỗi địa danh đều gắn chặt với lịch sử hình thành và phát triển của mảnh đất này như địa đạo Củ Chi, dinh Độc Lập, nơi hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu... 

Tìm cách gắn kết những sự kiện trong quá khứ với hiện tại sẽ đưa môn lịch sử gần gũi, dễ cảm thụ hơn với giới trẻ. Nếu những trang sử hào hùng của dân tộc được truyền tải sinh động, chạm đến trái tim của thế hệ trẻ thì không chỉ là động lực để các em yêu thích học sử, mà quan trọng hơn, kiến thức lịch sử chuyển hóa thành nhận thức, là động lực điều chỉnh, thôi thúc các em trong hành trình đi đến tương lai. 

Bác Hồ từng nói “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Vì thế, nếu cứ kéo dài tình trạng dạy sử một cách máy móc, nặng nề sẽ khiến “căn bệnh” chán học sử thêm trầm kha. 

Sẽ thế nào nếu những chủ nhân tương lai của đất nước lại mù mờ về lịch sử và cội nguồn dân tộc? Điều đó không đơn thuần là hổng kiến thức 1 môn học mà còn thiếu đi “gốc tích”, nền tảng để hình thành ý thức dân tộc và trách nhiệm công dân. Trên con đường định vị bản thân, các em phải biết mình là ai, mình từ đâu để luôn nhớ về nguồn cội, có ý thức gìn giữ và dựng xây Tổ quốc. 

Phương Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI