Đâu là giới hạn khi sử dụng AI trong sáng tạo văn học, nghệ thuật?

28/08/2023 - 06:12

PNO - Trí tuệ nhân tạo (AI) đang được ứng dụng ngày càng nhiều hơn trong sáng tác văn học, mỹ thuật, âm nhạc… ở Việt Nam. Cùng với đó, nhiều tranh luận cũng diễn ra xung quanh việc ứng dụng AI như thế nào, vấn đề bản quyền các dữ liệu mà AI sử dụng…

Những bước đầu tiên

Nữ ca sĩ Vũ Thanh Vân vừa giới thiệu MV Khó để yêu: Part 1&2 dài hơn 11 phút, trích từ EP (đĩa mở rộng) Hết sức thật lòng, ra mắt năm 2022. Đáng chú ý khi đây là một thử nghiệm AI, với phần hình ảnh được tạo ra bởi công nghệ Image-to-image (img2img) - tạo ra các hình ảnh theo ý muốn dựa vào hình ảnh thô sơ đầu vào. Điều này thể hiện rõ nhất ở nửa sau MV, khi bối cảnh và các hình tượng có liên quan đến vũ trụ đã được tạo ra một cách mới lạ. MV lần này được AC3 - studio chuyên về sáng tạo đa phương tiện ở Pháp, có chi nhánh tại Việt Nam, thực hiện hậu kỳ trong hơn 1 tháng.

Các hình ảnh do AI tạo ra trong MV Khó để yêu: Part 1&2 của Vũ Thanh Vân - Ảnh cắt từ MV
Các hình ảnh do AI tạo ra trong MV Khó để yêu: Part 1&2 của Vũ Thanh Vân - Ảnh cắt từ MV

Trong mảng văn chương, các nhà văn trẻ cũng có những cách sử dụng công nghệ này một cách sáng tạo. Linh Lan Books với tiểu thuyết Ác duyên có thể nói là tác phẩm đầu tiên dùng AI vào việc sáng tạo cốt truyện. Nhà văn Đức Anh - đại diện Linh Lan Books - chia sẻ: “Bản thân tác phẩm mới này có sự góp sức của AI về tư duy triển khai cốt truyện, điển hình là cách xây dựng nhân vật phụ. Đó là lý do tại sao một số nhân vật phụ có câu chuyện khá sâu”.

Ngoài ra, AI cũng được khá nhiều họa sĩ coi như phương tiện để phục vụ công việc. Tuy không khẳng định chính thức nhưng đã bắt đầu có những bìa sách được sáng tạo dựa vào công nghệ này, thường được nhận thấy ở các chi tiết thiếu sự chính xác mà máy chưa học được.

Về phía công chúng, nhìn chung là có sự đón nhận tương đối tích cực. Trước đó, khi Chat GPT mới xuất hiện, nhiều người cố gắng đăng ký tài khoản để tìm hiểu công nghệ. Những ứng dụng khác như sửa đổi ảnh sang các phong cách anime (phim hoạt hình Nhật Bản) hay của hãng phim Ghibli… gần đây cũng gây sốt trên mạng xã hội.

Nhiều tranh cãi 

Công bằng mà nói, nếu được sử dụng đúng đắn, AI là công cụ hỗ trợ sáng tạo rất tốt. Song làm sao để sử dụng “đúng” vẫn là câu hỏi cần được giải đáp. Mới đây, D.B. - một công ty sách chuyên xuất bản truyện tranh của các tác giả Việt Nam - sử dụng ứng dụng Loopsie để chỉnh sửa hình ảnh tác giả của mình theo phong cách anime Nhật Bản đã vấp phải những phản ứng trái chiều, bởi có liên quan đến bản quyền hình ảnh của các tác giả.

Tiểu thuyết Ác duyên có sự kết hợp với AI trong cách xây dựng cốt truyện - Ảnh do Linh Lan Books cung cấp
Tiểu thuyết Ác duyên có sự kết hợp với AI trong cách xây dựng cốt truyện - Ảnh do Linh Lan Books cung cấp

Lâm Hoàng Trúc - tác giả của bộ truyện tranh nổi tiếng Mùa hè bất tận - là một trong số những cá nhân đã bị sử dụng hình ảnh khi chưa được cho phép. Trên trang cá nhân, cô chia sẻ: “D.B. nên xin lỗi các tác giả về việc sử dụng AI để chỉnh sửa chân dung của họ”. Cô cũng chia sẻ bản thân hoàn toàn không đồng tình với hành động trên cũng như việc hình ảnh bị đăng tải trên mạng xã hội. Cô nói: “Thứ giữ lại giá trị và danh dự cho họa sĩ là chính sức lao động của họ”. Và “đối với họa sĩ, được vẽ là ân huệ, đối với AI là những mệnh lệnh. Mình trở thành họa sĩ vì mình muốn vẽ”.

Tranh cãi nổ ra do Loopsie nói riêng và các công nghệ AI nói chung đều có nguồn đầu vào dùng để “huấn luyện” cũng như “đào tạo” thuật toán của mình lấy từ Big Data (dữ liệu lớn), không có sự cho phép của người sở hữu cũng như trái với pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ. Việc một họa sĩ làm việc trong lĩnh vực sáng tạo bị sử dụng hình ảnh cá nhân bởi một phương tiện không đảm bảo về pháp lý cũng như đạo đức là vấn đề tương đối nhạy cảm. 

Với MV Khó để yêu: Part 1&2 của Vũ Thanh Vân, bên cạnh những lời khen ngợi về sự mới lạ, cũng vấp phải nhiều sự phản đối, khi phần credit (ghi nhận đóng góp của ê kíp) không hề liệt kê đến các sản phẩm mà thông qua đó AI tạo ra hình ảnh cho MV.

Họa sĩ minh họa Tamypu (Thái Mỹ Phương) cũng chia sẻ rằng, bản thân không có định kiến với AI vì chúng là công cụ được tạo ra để hỗ trợ người dùng. Tuy nhiên, việc tiếp tục phát triển mà không cân nhắc đến ý kiến cũng như quyền lợi của những bên liên quan là rất đáng quan ngại. Có thể nói, AI không hoàn toàn có lỗi mà quan trọng là việc sử dụng và mục đích của người đứng sau nó.

Nhà văn Đức Anh cũng nói rõ hơn về việc sử dụng AI trong dự án của mình: “Hiện tại, chúng tôi chỉ muốn sử dụng AI làm trợ lý cho con người. Về mặt sáng tạo, chúng tôi đoán AI vẫn sử dụng các công thức học được từ các kịch bản phim ở Hollywood để phát triển cốt truyện. Vì vậy, khi con người đưa ra ý tưởng, AI sẽ được yêu cầu đặt câu hỏi phản biện, nhằm giữ cho con người không bị loạn bởi ý tưởng bùng nhùng trong đầu và giữ được nhịp suy nghĩ. Tôi không nghĩ đến việc AI có sáng tác được hay không. Vấn đề là chúng ta sử dụng các ý tưởng như thế nào và bản thân con người có chiều sâu về nội tâm, trải nghiệm sống của một nhà văn đích thực để biến những gì ngoài kia (gồm cả những thứ AI gợi ý) thành thứ độc đáo duy nhất của mình hay không”.

AI đang dần phổ biến trong nhiều lĩnh vực, giúp nghệ sĩ sáng tạo, không bị bó buộc bởi ý tưởng, thời gian, kinh phí… Từ đó giúp sự sáng tạo có thể tiến xa hơn. Thế nhưng việc dùng thế nào và trong trường hợp nào để không ảnh hưởng đến quyền lợi của tác giả và những nghệ sĩ chân chính là điều cần được cân nhắc. 

Ngô Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI