Đất hoang hóa vì chờ giấy chủ quyền

06/05/2023 - 05:58

PNO - 11 năm trước, ông Nguyễn Hồng Nam làm hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gần 4.000m2 đất của gia đình. Đến nay, qua các đợt thanh tra, rà soát, giải quyết khiếu nại và được 2 cấp tòa phán quyết, nhưng ông Nam vẫn chưa được UBND huyện Bình Chánh cấp giấy.

 

Do không được cấp giấy chủ quyền, khu đất của ông Nam bị ngập nước và dần hoang hóa
Do không được cấp giấy chủ quyền, khu đất của ông Nam bị ngập nước và dần hoang hóa

11 năm chờ cấp giấy chủ quyền

Ông Nguyễn Hồng Nam (ngụ quận Bình Tân, TPHCM) kể, gia đình ông có khu đất diện tích gần 4.000m2, thuộc một phần thửa số 17, tờ bản đồ số 43, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh. Khu đất do Giám đốc Nông trường An Hạ cấp cho cha ông Nam là ông N.Đ.L. (đã mất) và được gia đình ông sử dụng ổn định, có đóng thuế và không có tranh chấp.

Đến tháng 6/2012, ông Nam đại diện gia đình nộp hồ sơ đề nghị cấp “giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” (gọi tắt là giấy chủ quyền) nhưng không được giải quyết, nên ông Nam đã khiếu nại.

Ngày 28/9/2018, UBND huyện Bình Chánh đã ban hành kết luận thanh tra khẳng định, đất của gia đình ông Nam có nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất đủ điều kiện xem xét cấp giấy chủ quyền.

Ngày 29/1/2019, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh đã ký và ban hành Quyết định số 1577/QĐ-UBND về việc giải quyết khiếu nại với nội dung công nhận khiếu nại của ông Nam và giao các cơ quan có thẩm quyền của huyện thực hiện việc cấp giấy chủ quyền.

Đến tháng 2/2019, UBND huyện Bình Chánh đã thành lập một tổ công tác để thực hiện việc rà soát, phân loại hồ sơ (theo từng nhóm), đề xuất xem xét giải quyết đối với các trường hợp đủ điều kiện cấp giấy chủ quyền tại xã Phạm Văn Hai.

Riêng với trường hợp của ông Nguyễn Hồng Nam, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bình Chánh báo cáo: Căn cứ điều 20, điều 23 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ, tổ công tác nhận thấy đủ điều kiện xem xét cấp giấy chủ quyền. Căn cứ Quyết định 1577/QĐ-UBND của UBND huyện Bình Chánh, chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện đã chuyển hồ sơ cấp giấy chủ quyền của ông Nam đến Phòng Tài nguyên và Môi trường. 

Tuy nhiên, đến tháng 6/2019, UBND huyện Bình Chánh lại ra văn bản thông báo hồ sơ cấp giấy chủ quyền của ông Nam sẽ chậm giải quyết so với quy định để chờ ý kiến hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính. Và mãi cho đến tháng 2/2021, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh lại ban hành văn bản nêu lý do chậm giải quyết hồ sơ của ông Nam là vì đơn vị này đang phối hợp với các ngành chức năng liên quan thực hiện “Đề án sắp xếp đất nông lâm trường” theo nghị định của Chính phủ.

Bức xúc trước việc liên tục bị trì hoãn cấp giấy chủ quyền, ông Nam đã khởi kiện UBND huyện Bình Chánh ra Tòa án nhân dân (TAND) TPHCM. Tại phiên tòa sơ thẩm, TAND TPHCM nhận định, gia đình ông Nguyễn Hồng Nam có đủ điều kiện để được cấp giấy chủ quyền.

Do đó, tòa chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nam về việc yêu cầu TAND huyện Bình Chánh lập thủ tục cấp giấy chủ quyền theo quy định pháp luật đối với thửa đất nêu trên. Tòa án cũng buộc UBND huyện Bình Chánh thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.

Sau phiên tòa sơ thẩm, UBND huyện Bình Chánh đã kháng cáo. Tháng 2/2023, TAND cấp cao tại TPHCM đã tuyên bác kháng cáo của UBND huyện Bình Chánh. 

Cây chết, đất hoang hóa

Ông Nguyễn Hồng Nam cho biết, sau 11 năm chờ đợi, đến nay vụ việc đã được tòa phán quyết nhưng quyền lợi của gia đình ông thì vẫn bị treo lơ lửng. Được biết, ngày 30/3, Cục Thi hành án Dân sự TPHCM đã ra quyết định thi hành án chủ động đối với vụ án của ông Nam. Tuy nhiên, đến nay UBND huyện Bình Chánh vẫn chưa chịu thi hành.

Theo ông Nam, khu đất của gia đình ông trước đây có trồng khoảng 200 cây điều và 100 cây khuynh diệp. Mỗi năm, tiền bán điều cũng được 25-30 triệu đồng. Năm 2020, sau khi thấy cây bị ngập nước chết dần, ông Nam làm đơn gửi UBND xã Phạm Văn Hai xin được dựng hàng rào, làm đê bao, hệ thống thoát nước để bảo vệ tài sản trên đất và không để đất hoang hóa.

“Thế nhưng đơn của tôi đã không được chính quyền chấp thuận. Vườn điều của tôi bị ngập nước, đến nay đã chết gần hết. Do đất không được cấp giấy chủ quyền nên tôi không thể canh tác, cũng không thể chuyển mục đích sử dụng để phát triển kinh tế” - ông Nam thông tin.

Thi hành án: chờ đến bao giờ?

UBND huyện Bình Chánh cho biết, trước đây đơn vị này đã công nhận khiếu nại của ông Nam và giao cơ quan chuyên môn thẩm tra, tham mưu cấp giấy chủ quyền theo quy định. Tuy nhiên quyết định này không thể thi hành do “các báo cáo xác nhận về nguồn gốc đất của UBND xã Phạm Văn Hai thay đổi nhiều lần, có mâu thuẫn và không có tài liệu chứng minh nên không có tính xác thực, dẫn đến kết quả xác minh nguồn gốc đất để ban hành kết quả giải quyết khiếu nại là không đúng với thực tế”.

Cũng theo UBND huyện Bình Chánh, hiện nay UBND TPHCM đã có văn bản kiến nghị Tổng thanh tra Chính phủ xem xét, có ý kiến hướng dẫn xử lý đối với quyết định giải quyết khiếu nại mà huyện đã ban hành trước đây vì quyết định này đã có hiệu lực pháp luật nhưng trong quá trình thực hiện đã phát hiện thiếu sót trong quá trình xác minh nguồn gốc đất dẫn đến không thể thi hành.

Về việc phải thi hành bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại TPHCM, UBND huyện Bình Chánh cho hay đang thực hiện đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm. Do đó, chưa xem xét giải quyết đề nghị của ông Nguyễn Hồng Nam theo quy định. Trong khi, mới đây ông Nam lại gửi đơn “cầu cứu” đến các cơ quan chức năng về việc UBND huyện Bình Chánh tiếp tục trì hoãn cấp giấy chủ quyền cho ông.

Ông Nam nói: “Trước đây, tại các phiên tòa, tôi đã cung cấp nhiều tài liệu thể hiện các cơ quan chức năng huyện Bình Chánh nhiều lần khẳng định tôi đủ điều kiện cấp giấy chủ quyền. Vụ việc của tôi cũng đã được nhiều đại biểu HĐND đưa ra chất vấn tại các kỳ họp từ năm 2018 đến nay. Mới đây nhất, vào tháng 5/2019, UBND huyện Bình Chánh lại có văn bản báo cáo và kiến nghị thành phố chấp thuận cấp giấy chủ quyền cho gần 4.000m2 đất của gia đình tôi. Tuy nhiên, đến nay, huyện lại cho rằng không thể thực hiện cấp giấy chủ quyền của tôi là vô lý và không đúng quy định pháp luật”. 

Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TPHCM) nhận định, việc UBND huyện Bình Chánh đưa ra lý do đang đề nghị xem xét theo thủ tục Giám đốc thẩm hay chờ Tổng thanh tra Chính phủ xem xét, có ý kiến hướng dẫn xử lý đối với quyết định giải quyết khiếu nại đơn vị này đã ban hành… để chậm thi hành bản án của TAND cấp cao tại TPHCM là không đúng quy định pháp luật.

Bởi lẽ, pháp luật quy định bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật ngay. Cơ quan thi hành án cũng đã ra quyết định thi hành án nên các bên liên quan phải có nghĩa vụ thi hành. Do vậy, các cơ quan chức năng huyện Bình Chánh phải xem xét hoàn tất thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Nam đúng theo quy định và bản án có hiệu lực đã tuyên. 

“Luật Đất đai cũng quy định khi hộ gia đình, cá nhân đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì cơ quan chức năng phải xem xét cấp. Các kết quả xác minh của cơ quan chức năng đều xác định rằng ông Nam đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng UBND huyện Bình Chánh trì hoãn cấp trong nhiều năm qua là xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của người dân được pháp luật quy định. Cơ quan chức năng có thẩm quyền cũng cần xem xét, xử lý trách nhiệm nếu các cán bộ, cơ quan nào có sai phạm liên quan đến vụ việc này” - luật sư Trần Minh Hùng chia sẻ.

 Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI